Hội thảo Dự án Luật KTNN (sửa đổi): Nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ

Ngày 23/5, tại TP.HCM, KTNN đã tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến về Dự án Luật KTNN (sửa đổi). TS. Cao Tấn Khổng - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên thường trực Ban Soạn thảo Dự án Luật KTNN (sửa đổi) chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học của các cơ quan thuộc Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Nội vụ; đại diện HĐND, UBND và các cơ quan của 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học, đơn vị quân đội; các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật KTNN (sửa đổi).


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng cho biết: Luật KTNN 2005 được ban hành đã thể hiện bước tiến lớn về phương diện lập pháp trong lĩnh vực KTNN. Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, Luật KTNN đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: quy định về địa vị pháp lý của KTNN chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; phạm vi, đối tượng kiểm toán chưa bao quát hết việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công... Đặc biệt, sau khi địa vị pháp lý của KTNN được hiến định, việc triển khai thi hành Hiến pháp đặt ra yêu cầu sửa đổi toàn diện Luật KTNN để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về KTNN và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật KTNN hiện hành.
 
Trên tinh thần khoa học và tôn trọng kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí Cao Tấn Khổng đã bày tỏ sự cầu thị, lắng nghe đối với các ý kiến tham gia của các chuyên gia trong và ngoài ngành, từ các góc nhìn khác nhau về toàn bộ Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi).
 
Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) lần thứ 6 đưa ra lấy ý kiến tại Hội thảo này gồm 78 Điều, chia thành 9 Chương, tăng 1 Chương và 2 Điều so với Luật hiện hành. Dự thảo Luật được triển khai soạn thảo trên cơ sở thi hành các Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, gồm: Nghị quyết 472/NQ-UBTVQH13 ngày 23/3/2012 (phân công cho KTNN chủ trì trình Dự án Luật KTNN) và Nghị quyết số 493/NQ-UBTVQH13 về thành lập Ban soạn thảo Luật KTNN (sửa đổi) và thành lập Tổ biên tập giúp việc Ban soạn thảo. Cùng với đó, hồ sơ Dự án Luật (sửa đổi) còn có: Dự thảo tờ trình Dự án Luật, dự thảo Báo cáo thuyết minh Luật KTNN, Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của Luật KNNN.
 
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, đánh giá Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật KTNN; tổ chức một số cuộc hội thảo hội nghị, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học. Dự thảo Luật đã kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục hạn chế của Luật KTNN hiện hành, bám sát thực tiễn của Việt Nam và tham khảo luật KTNN các nước trên thế giới. Trước đó, cùng với việc gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Dự thảo Luật đã được đăng tải toàn văn trên Trang thông tin điện tử KTNN để lấy ý kiến các tổ chức cá nhân quan tâm. Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật đã được hoàn chỉnh một bước và gửi lấy ý kiến của Chính phủ.
 
Với sự chuẩn bị công phu, Kỷ yếu của Hội thảo đã tập hợp được 21 bài tham luận, trong đó 6 bài đã được trình bày tại Hội thảo, như: “Tổng quan về Luật KTNN 2005 và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật KTNN”, “Phạm vi và đối tượng kiểm toán của KTNN theo quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam - vận dụng cho việc sửa đổi Luật KTNN”, “Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động KTNN - Những vấn đề đặt ra và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN”, “Một số vấn đề về hoàn thiện Luật KTNN và một số Luật liên quan theo tinh thần Hiến pháp 2013”,... Bên cạnh đó, tại Hội thảo đã có 12 ý kiến phát biểu, tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài ngành; cán bộ, kiểm toán viên các đơn vị trực thuộc KTNN. Đặc biệt, trong đó có ý kiến tham luận của đại diện lãnh đạo các địa phương: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai, TP.HCM, Tiền Giang và một số cơ quan, đơn vị thuộc địa bàn khu vực phía Nam.
 
Bằng cả thực tiễn và lý luận, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận các vấn đề: sự phù hợp về quy định địa vị pháp lý, phạm vi và đối tượng kiểm toán của KTNN giữa Luật KTNN và Hiến pháp; mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm toán; nhiệm vụ kiểm toán thuế, nợ công; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động kiểm toán nhà nước; quy định chức danh KTV Nhà nước; các hành vi vi phạm, thẩm quyền cũng như các hình thức xử lý các hành vi vi phạm Luật KTNN; quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán; giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán;...
 
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng khẳng định: Cuộc Hội thảo đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Nội dung các tham luận đã thể hiện được sự tâm huyết, trí tuệ, thực tiễn phong phú và trình độ lý luận sắc sảo của các đại biểu. Ban Tổ chức Hội thảo, Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự thảo Luật KTNN trân trọng cảm ơn, ghi nhận và sẽ nghiêm túc tổ chức nghiên cứu, tiếp thu các nội dung tham luận trong kỷ yếu cũng như ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) bảo đảm chất lượng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
 
Đồng chí Cao Tấn Khổng nhấn mạnh: Thời gian tới Dự thảo Luật KTNN sẽ tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, đề nghị các đại biểu, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND và cán bộ quản lý các cơ quan, đơn vị của các địa phương tiếp tục quan tâm tham gia đóng góp ý kiến để Dự thảo Luật được hoàn thiện với chất lượng tốt hơn. Tại Hội thảo này, do điều kiện thời gian hạn hẹp, còn nhiều đại biểu chưa có dịp phát biểu ý kiến, đề nghị các đồng chí tiếp tục tham gia với Ban soạn thảo bằng bất kỳ hình thức nào./.

Theo Báo Kiểm toán số 22/2014