Đề nghị bổ sung các dự án Luật trong năm 2014, trong đó có Luật kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)

(kiemtoannn.gov.vn) - Thứ tư, ngày 21-5-2014, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường và thảo luận tại các Đoàn; buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ. Đoàn Chủ tịch gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (điều khiển phiên họp), Huỳnh Ngọc Sơn; Đoàn thư ký: Phan Xuân Dũng, Đinh La Thăng, Lê Bộ Lĩnh


Trong buổi sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Theo ông Phan Xuân Dũng, đến nay đã có 23 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi báo cáo góp ý về dự án Luật. Đa số ý kiến nhất trí với việc áp dụng pháp luật để mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh áp dụng đối với hoạt động giao thông trên vùng nước không phải đường thủy nội địa, nhằm phù hợp với đặc điểm của hệ thống sông ngòi, hồ, đầm, phá,… và phù hợp với điều kiện KT-XH ở nước ta hiện nay.
 
Các địa biểu Quốc tế đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Luật các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên sông nước như: kiểm soát chặt và bắt buộc mua bảo hiểm dân sự với phương tiện thủy nội địa vì loại hình này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phương tiện mua bảo hiểm sẽ đỡ gánh nặng cho xã hội sau khi gặp tai nạn; quản lý chặt chẽ các thuyền nhỏ; cấm uống rượu bia với người điều khiển phương tiện thủy, bởi phương tiện thủy chở nhiều người khi gặp tai nạn, hậu quả rất nghiêm trọng; cấm toàn bộ các hành vi đổ đất, đá, khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản trong phạm vi luồng, tuyến sông và trong hành lang bảo vệ luồng tuyến; cần có chế tài chặt về quy định mặc áo phao khi đi đò ngang vì hiện chưa có tính khả thi...
 
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội họp riêng, thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương (HD-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
 
Buổi chiều ngày 21/5/2014, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
 
Theo tờ trình số 652/TTr-UBTVQH13 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ký, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 đã được điều chỉnh, tại Kỳ họp thứ 7 này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 luật, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và cho ý kiến về 17 dự án luật khác. Đến nay, các dự án luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến đã được chuẩn bị bảo đảm điều kiện trình Quốc hội.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chuẩn bị các dự án. Công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế. Kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, đặc biệt là việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được tăng cường.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn những hạn chế như: một số dự án trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội không theo đúng tiến độ đã đề ra; số lượng các dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều; tình trạng “tồn đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã giảm nhưng vẫn còn; chất lượng chuẩn bị một số dự án còn hạn chế. Việc gửi tài liệu của nhiều dự án cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội không đúng thời gian theo quy định nên ảnh hưởng đến tiến độ chung thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cũng như Chương trình làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có thẩm quyền cần đề cao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong hoạt động của cơ quan mình; cần tập trung đầu tư nhân lực, vật lực và các điều kiện khác cho công tác xây dựng pháp luật; tổ chức nghiên cứu, tổng kết thi hành pháp luật, khảo sát thực tiễn, xây dựng dự thảo văn bản để bảo đảm tiến độ và chất lượng của dự án luật, pháp lệnh.

Về đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương và bổ sung dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt  
 
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8, dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Đến nay, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình ba dự án này một kỳ họp Quốc hội để có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa một số quy định mới của Hiến pháp, bảo đảm tính khả thi và chất lượng của các dự án.
 
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc trình dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương như Nghị quyết của Quốc hội đã là chậm so với yêu cầu trình Quốc hội xem xét cùng với các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó dự án Luật này còn liên quan đến nội dung của một số dự án luật khác, như Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật phí, lệ phí, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giữ tiến độ việc trình Quốc hội dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp thứ 8. Đồng thời, đề nghị Quốc hội bổ sung dự án Luật  đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào kỳ họp thứ 8 để xem xét đồng thời với dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.
 
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp nhận đề nghị của Chính phủ lùi thời hạn trình dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) một kỳ họp Quốc hội nhằm bảo đảm chất lượng chuẩn bị để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.
 
Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật hộ tịch vào Chương trình năm 2014, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8:
 
Đây là dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, 2013, tại phiên họp thứ 20 (tháng 8/2013), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và nhận thấy còn một số vấn đề của dự án chưa đủ cơ sở quy định và ý kiến chưa thống nhất nên đã quyết định rút khỏi Chương trình. Hiện nay, dự án Luật này đã được chuẩn bị bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật này vào Chương trình như đề nghị của Chính phủ.
 
Chính phủ đề nghị bổ sung các dự án Luật an toàn thông tin, Luật thú y, Luật dân số; Kiểm toán Nhà nước đề nghị bổ sung dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) vào Chương trình năm 2014 để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.
 
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp thì tiến độ trình Quốc hội xem xét, thông qua các dự án Luật an toàn thông tin (năm 2014-2015), Luật thú y (năm 2015), Luật dân số (năm 2015-2020), Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) (tháng 10/2014). Bên cạnh đó, số lượng dự án cần phải xem xét trong kỳ họp thứ 8 khi chưa bổ sung đã là rất lớn với 17 dự án thông qua, 11 dự án cho ý kiến. Do đó, căn cứ vào mức độ ưu tiên ban hành, tiến độ chuẩn bị và thời gian xem xét, thông qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật an toàn thông tin, Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi), Luật thú y vào Chương trình năm 2014; dự án Luật dân số đề nghị đưa vào Chương trình năm 2015.
 
Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 của Luật quốc tịch Việt Nam vào Chương trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7:
 
Theo quy định tại Điều 13 và Điều 26 của Luật quốc tịch Việt Nam thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực; người không thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch thì sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam. Thời hạn để người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ chấm dứt vào ngày 01/7/2014, trong khi số lượng người đăng ký giữ quốc tịch trên thực tế là rất ít. Đây là vấn đề lớn liên quan đến việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào ta ở nước ngoài nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam vào Chương trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.
 
Chính phủ đề nghị rút dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ra khỏi Chương trình năm 2014 và bổ sung Luật tín ngưỡng, tôn giáo vào Chương trình năm 2015:
 
Theo Nghị quyết về Chương trình năm 2014, Chính phủ sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, do tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa cơ bản của công dân nên tại khoản 5 Điều 70 của Hiến pháp đã quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định chính sách tôn giáo. Mặt khác, trong Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp cũng xác định cần ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ.
 
Chính phủ đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc vào Chương trình năm 2014.
 
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới thuộc Chương trình năm 2014 nhưng chưa được đưa cụ thể vào thời gian nào, do đó tán thành với Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào Chương trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.
 
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, Ủy ban thường vụ Quốc nhận thấy, theo Tờ trình của Chính phủ thì Viện có rất nhiều ưu đãi, đặc thù vượt quá quy định của nhiều luật hiện hành. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 dự thảo Luật (hoặc nghị quyết) về cơ chế ưu đãi đối với các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ để tạo điều kiện cho một số viện nghiên cứu khoa học, công nghệ đặc thù có những bước đột phá trong hoạt động nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ ở nước ta.
 
Về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015
 
Tính đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhận được đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 gồm: Chính phủ đề nghị phương án 1 gồm 38 dự án luật (36 dự án luật, 02 dự án pháp lệnh); phương án 2 gồm 34 dự án (ít hơn phương án 1 là 04 dự án luật);
 
Tòa án nhân dân tối cao đề nghị 04 dự án luật; Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị 01 dự án bộ luật; Kiểm toán Nhà nước đề nghị 01 dự án luật; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị 01 dự án luật, 01 dự án pháp lệnh; Hội Luật gia Việt Nam đề nghị 01 dự án luật; Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đề nghị 08 dự án luật; Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường đề nghị 04 dự án luật; Ủy ban tài chính, ngân sách đề nghị 04 dự án luật; Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng đề nghị 28 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Các đại biểu Quốc hội đề nghị 04 dự án luật, 01 dự án pháp lệnh.
 
Theo Ủy ban thường vụ Quôc hội, để bảo đảm tính khả thi của Chương trình năm 2015, tránh bị điều chỉnh quá nhiều thì cần phải cân nhắc một cách thận trọng, xác định rõ quan điểm, căn cứ lập dự kiến Chương trình để xác định thứ tự ưu tiên, cần xem xét kỹ sự cần thiết, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, những nội dung cơ bản của từng dự án. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, tăng cường trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, cùng với việc bảo đảm các điều kiện cần thiết cũng như bố trí thời gian phù hợp để Quốc hội xem xét, thông qua.
 
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam./.

Khánh Vy