Hội đồng bầu cử quốc gia – thiết chế độc lập nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân

(daibieunhandan.vn) - Lần đầu tiên Hội đồng bầu cử quốc gia được Hiến định trong Hiến pháp là một thiết chế độc lập. Điều này góp phần hạn chế những bất cập trong cơ chế tổ chức, quản lý bầu cử hiện nay, đồng thời nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người dân.

Điều 117, Hiến pháp hiện hành quy định, Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do QH thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử ĐBQH; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định. Như vậy, chức năng chủ yếu của Hội đồng bầu cử quốc gia là tổ chức bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp, bảo đảm các cuộc bầu cử được tiến hành theo đúng nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín…

TS Đặng Minh Tuấn, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội đánh giá, việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia là phù hợp với xu hướng chung đang diễn ra trên thế giới, tạo tiền đề khắc phục những hạn chế của hệ thống quản lý bầu cử ở nước ta hiện nay. Điều này cũng phù hợp với định hướng tăng cường các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Việc hiến định Hội đồng bầu cử quốc gia là một thiết chế độc lập trong Hiến pháp mới, Phó chủ nhiệm Ngô Đức Mạnh cho rằng, điều này có ý nghĩa vừa trước mắt, vừa lâu dài nhằm phát huy hơn nữa bản chất dân chủ của chế độ xã hội, quyền làm chủ của người dân. Mặt khác, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ chế tổ chức, quản lý bầu cử hiện nay.

 Để khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, độc lập của Hội đồng bầu cử quốc gia, Hiến pháp đã quy định, Hội đồng bầu cử do QH thành lập, không phải do UBTVQH thành lập như trước đây. Tuy nhiên, Hiến pháp lại không quy định cụ thể về cách thức thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia mà do luật định. Có ý kiến cho rằng, xuất phát từ vị trí là cơ quan hiến định độc lập, các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia không được kiêm nhiệm với các vị trí trong cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Từ thực tế của Việt Nam,  Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh, thành viên của Hội đồng này là công dân Việt Nam, có đủ kinh nghiệm quản lý nhà nước, trải qua công tác điều hành thực tiễn, có kinh nghiệm trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và khi đã được bầu làm thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia thì họ không thể đồng thời kiêm nhiệm các vị trí công tác khác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị - xã hội.
 
Về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử quốc gia,  Phó chủ nhiệm Ngô Đức Mạnh cho rằng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia phải kế thừa toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH trong việc chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp với những nhiệm vụ cụ thể như: tổ chức, điều hành cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; công bố kết quả bầu cử, kết quả giải quyết các khiếu nại, tố cáo về quyền bầu cử; trình QH, HĐND các cấp báo cáo về việc thẩm tra tư cách ĐBQH, đại biểu HĐND căn cứ vào kết quả bầu cử; về việc miễn nhiệm ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; báo cáo kết quả bầu cử bổ sung ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; báo cáo về việc thực hiện luật bầu cử, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chế định bầu cử ở nước ta. Trong số các nhiệm vụ này thì nhiệm vụ mới của Hội đồng bầu cử quốc gia như trình QH, HĐND các cấp báo cáo về việc thẩm tra tư cách ĐBQH, đại biểu HĐND căn cứ vào kết quả bầu cử sẽ khắc phục được tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi khi thành phần của Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu do QH thành lập ra lại gồm các ĐBQH cũng vừa trúng cử tại kỳ bầu cử ĐBQH.
 
Là cơ quan do QH thành lập, Hội đồng bầu cử quốc gia phải chịu trách nhiệm trước QH về việc thực thi các nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định. Cơ chế chịu trách nhiệm của Hội đồng bầu cử quốc gia được thể hiện ở chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất của Hội đồng bầu cử trước QH. Hội đồng bầu cử quốc gia phải được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Chính vì vậy, các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia phải do QH bầu.

Theo quy định của Hiến pháp hiện hành thì tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định. Trên cơ sở hiến định này, trong luật bầu cử về chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các Ủy viên phải được quy định một cách cụ thể và phải quán triệt nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số để Hội đồng bầu cử quốc gia phát huy được vai trò của các ủy viên, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng của các ủy viên trong Hội đồng, Phó chủ nhiệm Ngô Đức Mạnh đề nghị…