Hội nghị TƯ 9 thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng

(Chinhphu.vn) - Nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI từ nay đến hết nhiệm kỳ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI, chỉ đạo chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng.

Như tin đã đưa, sáng nay (8/5), Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc tại Hà Nội.

Hội nghị lần này sẽ tập trung bàn về các nội dung: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đề cương các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng; Quy chế bầu cử trong Đảng; việc lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và một số vấn đề quan trọng khác.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc Hội nghị, nêu một số ý kiến có tính chất gợi mở để Hội nghị nghiên cứu, thảo luận, quyết định đối với một số vấn đề.

Thứ nhất, về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận, khẳng định những kết quả, thành tựu đã đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại để rút kinh nghiệm. Đặc biệt cần đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng của tình trạng lạc hậu, ngoại lai về văn hóa, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng cách mạng, những tiêu cực, tệ nạn xã hội, thói giả dối, bệnh thành tích,... đang có xu hướng lan rộng.

Trên cơ sở đó và cùng với sự phân tích, dự báo về bối cảnh, tình hình trong nước, quốc tế từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề nghị Trung ương xem xét, quyết định về sự cần thiết của việc kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII để ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, với những nội dung đổi mới cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong thời kỳ mới.

Thứ hai, về chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuy mới là dự thảo đề cương sơ bộ nhưng đây là bước khởi đầu rất quan trọng, định hướng cho việc chuẩn bị có chất lượng các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Trung ương cần dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, thảo luận, cho ý kiến đối với các đề xuất cụ thể nêu trong các Tờ trình và dự thảo Đề cương Báo cáo, trước hết là các vấn đề: Chủ đề và tư tưởng chỉ đạo của Đại hội; phương châm tiến hành Đại hội; tiêu đề của Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế-xã hội; kết cấu và những nội dung lớn của đề cương các báo cáo...

Trong quá trình thảo luận cũng cần làm rõ tính chất, mục tiêu, yêu cầu và phạm vi của mỗi báo cáo và mối quan hệ giữa các báo cáo.

Thứ ba, về định hướng chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ Chính trị cần ban hành Chỉ thị về vấn đề này.

Đây là công việc hết sức quan trọng, bảo đảm thành công của đại hội đảng bộ các cấp và góp phần cho thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cần được Trung ương cho ý kiến.

Thứ tư, về Quy chế bầu cử trong Đảng, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Bộ Chính trị đã trình và Trung ương đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào dự thảo Quy chế bầu cử trong Đảng. Tại Hội nghị lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương cho ý kiến, sửa trực tiếp vào các chương, điều của dự thảo Quy chế, đồng thời tập trung thảo luận kỹ, tạo sự thống nhất cao về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như đã nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị.

Yêu cầu quan trọng, cơ bản nhất của Quy chế bầu cử trong Đảng là phải bảo đảm mọi đảng viên thực hiện một cách nghiêm túc, đúng đắn Điều lệ Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, làm cho Đảng ta thực sự là một tổ chức cách mạng chặt chẽ, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất cao.

Thứ năm, về thực hiện Quy định việc lấy tín nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 165 về lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Qua một thời gian thực hiện, có cơ sở khẳng định chủ trương lấy phiếu tín nhiệm là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết, là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy tham khảo trong đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, đây là công việc hệ trọng, nhạy cảm, chúng ta chưa từng làm, cần hết sức cẩn trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, khẳng định những mặt làm được, những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung, rút kinh nghiệm, cho ý kiến về những vấn đề cần cân nhắc bổ sung, sửa đổi như về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm; đối tượng lấy phiếu; nội dung, hình thức phiếu; quy trình lấy phiếu...

Về tổng kết việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Hội nghị có nhiệm vụ xem xét, đánh giá kết quả tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa X và Nghị quyết 26 của Quốc hội khóa XII.

Đồng thời với việc xem xét, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, đề nghị Hội nghị thảo luận, kết luận về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương thuộc 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện thí điểm và đặc biệt là cho ý kiến về việc lựa chọn phương án tổ chức chính quyền địa phương như đã nêu trong Tờ trình.

Yêu cầu cao nhất đối với phương án lựa chọn là phải góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và đúng với quy định của Hiến pháp mới. Quyết định của Trung ương về vấn đề này sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng xây dựng đề án trình Quốc hội xem xét có những bổ sung, sửa đổi cần thiết Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI từ nay đến hết nhiệm kỳ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI, chỉ đạo chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng.

* Theo chương trình, Hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày 14/5.

Theo chinhphu.vn