Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 1992, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền. Triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, liên quan và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ hệ thống chính trị. Chính vì vậy, phải bảo đảm cho từng nội dung Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. “Hiến pháp năm 2013 đã định danh và làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng, thẩm quyền của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Một nội dung đặc biệt quan trọng của Hiến pháp mới là các nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước: Nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa và chủ quyền nhân dân; nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; nguyên tắc về tính thống nhất, sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Đây là cơ sở để hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động các cơ quan quyền lực nhà nước, bao gồm Quốc hội, chế định Chủ tịch Nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương và các thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, các nhà lập hiến đã rất cố gắng trong việc tạo lập khuôn khổ mới cho việc quản trị quốc gia bằng những quy định mới được sửa đổi trong Hiến pháp năm 2013 như: Điều 2 bổ sung vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; Điều 55 và điều 112 quy định về bổ sung vấn đề phân quyền giữa trung ương và địa phương theo mô hình phát triển, cho phép chính quyền địa phương có ngân sách riêng; Điều 117 và 118 quy định về việc thiết lập 2 cơ quan hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước; Làm rõ hơn vai trò phản biện của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Một số quy định mới trong Hiến pháp 2013 đã tạo cơ hội cho những cải cách theo hướng xây dựng một nền quản trị quốc gia minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm giải trình, đáp ứng được những yêu cầu phát sinh từ quá trình dân chủ hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bước tiếp theo cần hoàn thiện các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các Luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là Luật tổ chức Quốc hội cần phải tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa theo tinh thần của Hiến pháp 2013.
Đặc biệt, các đại biểu tham dự Hội thảo đề cao sự ra đời của hai thiết chế hiến định độc lập: Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước. Các đại biểu đều thống nhất, các thiết chế hiến định độc lập cần có năng lực pháp lý cao trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, tạo mối liên hệ phối thuộc với các thiết chế cơ bản của bộ máy nhà nước và bảo đảm để các thiết chế cơ bản này vận hành có hiệu quả./.
Hiến pháp mới được QH thông qua ngày 28.11.2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014. Hiến pháp năm 2013 là đạo luật cơ bản và có vị trí pháp lý cao nhất, bằng cả lời văn và tinh thần, Hiến pháp có sứ mệnh tạo nền tảng pháp lý vững chắc và động lực mạnh mẽ cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội và sinh hoạt quốc gia trên nền tảng dân chủ, pháp quyền.
Điều 117 của Hiến pháp năm 2013 hiến định "Hội đồng bầu cử quốc gia" là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định.
Điều 118 hiến định "Kiểm toán Nhà nước" là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước do luật định. |