Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng

(kiemtoannn.gov.vn) - Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) cần kiên trì, kiên quyết xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, một cơ chế răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.

Đây là nhiệm vụ tổng quát được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình, kết quả công tác PCTN từ năm 2013 đến nay, phương hướng, nhiệm vụ công tác thời gian tới, do Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN tổ chức ngày 5/5.


 
Theo đánh giá chung, những năm gần đây và năm 2013, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Qua phát hiện, xử lý các vụ án cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn; phạm vi, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng ngày càng rõ nét hơn, mức độ tham nhũng lớn, một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát một lượng lớn tài sản của Nhà nước, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực; nhiều vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài phức tạp có chiều hướng gia tăng.

Tình trạng tham nhũng vặt trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp; một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, trong thực hiện chế độ, chính sách người có công và các chính sách xã hội khác, trong doanh nghiệp hoạt động công ích… gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Theo báo cáo của 30 cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 60 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của 3.605 cơ quan tổ chức, phát hiện 118 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm; tiến hành hơn 4.000 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 188 vụ vi phạm; tiến hành 4.392 cuộc kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đã phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm tại 70 cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác 32.427 cán bộ, công chức; xử lý trách nhiệm 69 trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do để xảy ra tham nhũng.

Trong năm 2013, ngành thanh tra đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.690 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị thu hồi 354 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 10 tập thể, 104 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 26 vụ, 39 đối tượng. Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 151 cuộc kiểm toán, qua đó kiến nghị xử lý tài chính hơn 22.821 tỷ đồng, kiến nghị xử lý trách nhiệm 31 cá nhân.

Cơ quan điều tra đã khởi tố 275 vụ, 602 bị can. Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 293 vụ, 675 bị can. Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 271 vụ, 566 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Tiến độ, chất lượng hoạt động điều tra các vụ án tham nhũng từng bước được đẩy mạnh

Các ý kiến tại Hội nghị đều thống nhất: Tham nhũng vẫn tiếp tục là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, vẫn là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội. Đồng thời, tập trung kiến nghị các biện pháp phòng chống nguy cơ phát sinh tham nhũng trong quá trình triển khai một số chủ trương, chính sách lớn thời gian tới như đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, việc thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, vấn đề xử lý nợ xấu và hoạt động tín dụng của một số tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại, hoàn thuế VAT…

5 nội dung trọng tâm trong PCTN

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh VGP/Nguyên Linh

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh, đấu tranh PCTN là công việc rất quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước và chế độ, nhưng cũng cực kỳ khó khăn và phức tạp vì tham nhũng là khiếm khuyết bẩm sinh của quyền lực. Cuộc đấu tranh, nhiệm vụ này vừa cấp bách vừa lâu dài đối với mọi cấp, mọi ngành, mà trước hết đi đầu là cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần quyết liệt, bền bỉ, kiên trì không nóng vội.

Tán thành với các ý kiến, tham luận đánh giá, kiến nghị trong Hội nghị, Tổng Bí thư nêu ra 5 nội dung trọng tâm cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới.

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng liên quan đến công tác PCTN cũng như bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách pháp luật trong điều hành kinh tế-xã hội để phòng ngừa, đấu tranh tham nhũng có hiệu quả, khắc phục những sơ hở, nhất là những lĩnh vực có thể phát sinh tham nhũng.

Trong đó, chú ý xây dựng, hoàn thiện các quy định về giải pháp phòng ngừa tham nhũng như kiểm soát tài sản, kê khai thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là những người có vị trí công tác có thể có nguy cơ tham nhũng cao; quy định các giao dịch giá trị lớn của cán bộ công chức phải qua ngân hàng để ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền tham nhũng; quy định khen thưởng cá nhân có thành tích trong tố cáo, phát hiện tham nhũng.

“Chúng ta phải kiên trì, kiên quyết xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, một cơ chế răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, trong mỗi đảng viên và nhân dân nhằm tạo sự thống nhất, ý thức tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất. Gắn liền với biểu dương, vinh danh những người phát hiện, tố giác tham nhũng. Cán bộ, đảng viên phải đi đầu trong đấu tranh PCTN, xây dựng, tuân thủ các quy tắc đạo đức công vụ.

Ba là, đề cao trách nhiệm các cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong gương mẫu của tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên trong PCTN, nhất là tại các tổ chức cơ sở Đảng, của người đứng đầu đơn vị. Các cấp ủy, người đứng đầu phải quyết tâm chính trị cao, cam kết tuyên chiến với tham nhũng, thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực, không chỉ bằng lời nói hay trên giấy tờ hô hào chung chung.

“Cần xác định PCTN là công tác trọng tâm, là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Thứ tư, nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị chuyên trách về PCTN, tăng cường giám sát và PCTN trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vụ tham nhũng, đặc biệt là các vụ án lớn theo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và muốn chống tham nhũng có hiệu quả, thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong cơ quan chống tham nhũng.

Thứ năm, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, của hệ thống chính trị và toàn xã hội, đưa nội dung công tác PCTN vào chương trình kiểm tra giám sát hằng năm. Trong năm 2014, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá các vụ việc, các vụ án tham nhũng, rà soát các vụ việc nổi cộm để báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo xử lý dứt điểm, không kéo dài.

Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh vai trò giám sát, phát hiện từ nhân dân: Nếu không dựa vào dân, cuộc chiến PCTN khó có thể thành công.

Theo Chinhphu.vn