Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh

Chiều 21-4, tại Hà Nội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến chung quanh những nội dung của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.


Còn thiếu nhất quán khi áp dụng

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Huy Đông nêu rõ: Thực tế cho thấy Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy huy động vốn, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp; góp phần duy trì tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội.
 
Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp trong hơn 8 năm qua đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng.
 
Những hạn chế, vướng mắc này bao gồm khiếm khuyết trong nội dung của Luật Doanh nghiệp và không tương thích, chồng chéo giữa Luật Doanh nghiệp và một số luật có liên quan, như Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán và một số luật chuyên ngành khác.
 
Cụ thể, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những vấn đề phát sinh trên thực tế chủ yếu do các nguyên nhân: Nội dung một số điều khoản của Luật chưa đủ rõ ràng và cụ thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau trên thực tế; tạo ra sự thiếu nhất quán và chưa công bằng khi áp dụng.
 
Một số điều khoản của Luật chưa hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; hoặc đã chứng tỏ là thiếu tính khả thi, gây cản trở và làm tăng thêm chi phí tuân thủ đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp; hoặc không đạt được mục tiêu cụ thể đã định, nhất là mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của người góp vốn.
 
Hai Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng và Uông Chu Lưu đều tán thành hướng sửa đổi Luật Doanh nghiệp là luật chung, và có sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành khác. Làm sao tuân thủ tinh thần mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực mà luật pháp không cấm, tạo sự bình đẳng các đối tượng tham gia. Mặt khác, chống độc quyền và tạo ra sự phân biệt giữa các doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế khác nhau...
 
Góp ý thêm những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đặt vấn đề, thời gian qua có khoảng 50 nghìn doanh nghiệp trong nước hoạt động không hiệu quả, nhiều doanh nghiệp phá sản do yếu kém trong quản trị nguồn nhân lực và công nghệ. Vậy, sửa đổi luật cần nhấn mạnh cơ chế, chính sách để doanh nghiệp Việt Nam “khỏe lên” và trụ vững. Cần có những quy định tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp Việt Nam “không thua ngay trên sân nhà”, đại biểu kiến nghị.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QP-AN) của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đề cập Mục c, khoản 2, Điều 21 cần bổ sung quy định rõ hơn các đối tượng là các doanh nghiệp QP-AN, các doanh nghiệp kết hợp kinh tế và QP-AN.
 
Theo đại biểu Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, về những nội dung đề cập trong Chương IV, cần có những ràng buộc chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành gây thất thoát, gây ra nhiều hệ lụy. Dịp này, sửa luật là để tăng cường công khai minh bạch, tạo sự bình đẳng, gắn chặt chẽ với mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu doanh nghiệp trong nước nói riêng.
 
Đại biểu Hiền cũng cho rằng, Luật Doanh nghiệp chưa quy định một số vấn đề mà thực tiễn cho là cần thiết phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Đó là những vấn đề đặc thù trong quản trị doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp xã hội.
 
So sánh quốc tế và khu vực, Tờ trình của Chính phủ cho thấy: Thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Theo cách tính của Ngân hàng thế giới năm 2013, khởi sự kinh doanh ở Việt Nam gồm 10 thủ tục với tổng thời gian vào khoảng 34 ngày, và xếp hạng thứ 109 trên 189 quốc gia và nền kinh tế.
 
Sửa đổi luật đáp ứng yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ và thủ tục, giảm thời gian và chi phí để nâng cao mức xếp hạng về năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh.
 
Hành lang pháp lý thúc đẩy doanh nghiệp xã hội

Trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này, ban soạn thảo đã bổ sung khái niệm doanh nghiệp xã hội (gọi tắt là DNXH) để quy định và thừa nhận về pháp lý sự tồn tại của doanh nghiệp xã hội. Qua đó nhằm thúc đẩy sự phát triển loại doanh nghiệp này như một phương thức mới, bổ sung cho Nhà nước trong giải quyết vấn đề xã hội.
 
Theo Tờ trình, DNXH được xác định là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề xã hội và môi trường; phần lớn lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường như đã đăng ký (Điều 11). Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hiện có khoảng vài trăm DNXH hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo nghề, chăm sóc các nhóm người yếu thế, giải quyết các vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và xóa đói, giảm nghèo, v.v.
 
So sánh với doanh nghiệp thông thường, DNXH trước hết là doanh nghiệp; điểm khác biệt là doanh nghiệp này hoạt động trước hết vì mục tiêu xã hội; tức là lợi nhuận thu được sẽ tái đầu tư trở lại để giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường đã đăng ký, không chia cho các thành viên, cổ đông như doanh nghiệp bình thường. DNXH cũng khác với các “hoạt động mang tính vì cộng đồng” của doanh nghiệp thông thường.
 
Tham gia góp ý kiến cùng các đại biểu, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng cần có đánh giá tổng kết khoa học về loại hình này, bên cạnh đó dự báo sự phát triển mô hình mới này trong những năm tới, đóng góp cho xã hội trong các lĩnh vực.
 
Theo đại biểu này, cần phân định rõ loại hình này với các loại hình khác như thế nào về mặt pháp lý; qua đó, có thể có những chính sách phù hợp tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển DNXH, phù hợp với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước.
 
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cân nhắc mức độ quy định về DNXH cho phù hợp; quy định như trong dự án Luật về khái niệm, quyền và nghĩa vụ đặc thù của DNXH, thể hiện rõ tính quy phạm pháp luật.
 
Bên cạnh đó, các quy định mang tính ưu đãi dành cho DNXH về thuế, tiếp cận vốn, tín dụng, đất đai… cần được quy định trong các văn bản chuyên ngành, không quy định trong nội dung quyền và nghĩa vụ của DNXH. Điều đó tránh các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động dưới danh nghĩa DNXH chỉ để hưởng lợi từ các ưu đãi dành cho doanh nghiệp xã hội.

Theo Tờ trình của Chính phủ: DNXH đã và đang trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia… Ở Anh, năm 2011, số lượng DNXH đã lên tới 55.000 doanh nghiệp, đạt 27 tỷ bảng doanh thu, đóng góp 8,4 tỷ bảng/năm cho GDP, sử dụng 475.000 lao động, chiếm 5% tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp. Các DNXH đã chứng tỏ được thế mạnh của mình trong việc khai thác các sáng kiến xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội và môi trường tiềm tàng, tăng cường tính bền vững của các giải pháp xã hội thông qua các nguyên tắc và động lực thị trường.

(Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/)