Làm rõ sự lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích

Sáng 17-4, tại Hà Nội, tiếp tục chương trình làm việc, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã tham dự phiên họp.


Chưa khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế

Các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012; Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2012; Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra.
 
Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, mặc dù còn một số hạn chế nêu trên, song Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 của Chính phủ đã cơ bản chấp hành trình tự, thủ tục quyết toán, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 7 theo quy định của Luật NSNN.
 
Qua quyết toán cho thấy, nhiều khoản thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán như: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 84,4%, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 82,8%, thu lệ phí trước bạ đạt 74%, thu từ hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu đạt 82,6%.
 
Theo báo cáo của Chính phủ, do một số nguyên nhân: kinh tế chậm phục hồi, hàng hóa, sản phẩm tồn kho ở mức cao, nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và do thực hiện Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21-6-2012 của Quốc hội về chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân năm 2012, dẫn đến một số khoản thu không đạt dự toán.
 
Tại phiên thảo luận, nhiều ủy viên Thường vụ Quốc hội cho rằng công tác quản lý thu thuế vẫn có mặt hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế còn lớn.
 
Một trong những nguyên nhân là công tác kiểm tra, thanh tra thuế đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, song quy mô chưa đủ lớn, việc xử lý các vi phạm còn chưa đúng theo quy định của pháp luật, tính răn đe chưa đủ mạnh nên tình trạng khai man, trốn thuế nhất là việc chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trốn thuế, gian lận thuế ở khu vực ngoài quốc doanh vẫn khá phổ biến, gây thất thu cho NSNN.
 
Nhiều đại biểu quan tâm thảo luận chung quanh vấn đề chi thường xuyên, theo đó vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán. Sai phạm lĩnh vực này đang có dấu hiệu gia tăng tại các địa phương. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi NSNN do chi sai chế độ tại 34/34 địa phương là 648 tỷ đồng, tăng 452 tỷ đồng so với năm 2011.
 
Trong điều kiện thu ngân sách tăng thấp (tăng 1,9%, tương đương 14.072 tỷ đồng) thì chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán (tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng), trong đó có 20/34 tỉnh được kiểm toán có chi quản lý hành chính vượt trên 30%. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị phải sửa 72 văn bản chưa phù hợp với thực tế, là một trong những nguyên nhân vừa qua gây vượt chi tại nhiều địa phương.
 
Thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản

Tham gia ý kiến chung quanh nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS, nhiều ủy viên Thường vụ Quốc hội bày tỏ lo ngại tình trạng chi đầu tư trong xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí. Qua đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn, còn nhiều dự án đầu tư hoàn thành chưa quyết toán.
 
Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2012 là 268.812 tỷ đồng, tăng 49,3% so với dự toán. Với sự cố gắng của các cấp, các ngành, nhiều dự án quan trọng đã được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
 
Theo báo cáo thống kê, năm 2012 còn hơn 15.000 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng chậm nộp báo cáo quyết toán, chậm phê duyệt quyết toán theo quy định. Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc khắc phục hạn chế nêu trên để nâng cao hiệu quả chi đầu tư xây dựng cơ bản.
 
Nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành còn lớn, trong đó có nhiều bộ, ngành, địa phương có số nợ đọng trên 1.000 tỷ đồng, cùng khá nhiều công trình, dự án chậm tiến độ với xu hướng tăng so với các năm trước. Các sai phạm vẫn xảy ra trong hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, thể hiện công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản còn yếu kém, gây thất thoát, lãng phí NSNN.
 
Chương trình giảm nghèo bền vững chỉ đạt 52%

Những bất cập, hạn chế trong việc chi cho chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương hiệu quả chưa cao đã được nhiều đại biểu phân tích, làm sâu sắc thêm.
 
Chủ nhiệm Ủy ban NSTC Phùng Quốc Hiển cho biết: Chi chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 là 17.669 tỷ đồng, đạt 88% (giảm 2.437 tỷ đồng) so với dự toán. Tuy nhiên chỉ 7 trong số 16 chương trình không đạt dự toán được giao.
 
Đặc biệt, chương trình khắc phục hậu quả và ô nhiễm môi trường chỉ đạt 27% dự toán. Chương trình đưa thông tin về cơ sở đạt 58%; Chương trình giảm nghèo bền vững đạt 52. Chương trình việc làm đạt 75%... “Hiện tượng sử dụng sai kinh phí, sai đối tượng, sai mục đích, phân bổ vốn không kịp thời, tỷ lệ giải ngân thấp vẫn xảy ra, trong đó có một số chương trình đang là vấn đề nóng, bức thiết của toàn xã hội như giảm nghèo bền vững, ô nhiễm môi trường, việc làm.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đã cho ý kiến về hình trạng chậm triển khai chính sách an sinh xã hội (hỗ trợ cho người nghèo và cận nghèo đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ người cao tuổi...) dẫn đến có khá nhiều đối tượng không được thụ hưởng kịp thời, ảnh hưởng tới thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của nhà nước.
 
Các đại biểu đề nghị cần phải làm rõ hơn nguyên nhân của tình trạng này để đảm bảo chế độ an sinh xã hội tốt nhất cho người dân, đặc biệt là người nghèo hiện nay.

 
* Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán niên độ NSNN năm 2012 kiến nghị tăng thu NSNN 3.850,4 tỷ đồng.Tính đến 31-12-2012, nợ đọng năm 2012 là 55.056 tỷ đồng, tăng 19.938 tỷ đồng so với năm 2011, chiếm 12% tổng thu nội địa trừ dầu thô, trong đó nợ khó thu tăng 36%, nợ có khả năng thu tăng 48%.
 
* Theo báo cáo của Bộ Tài chính “Chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề: Đã quyết toán 127.136 tỷ đồng, đạt 93,5% so với dự toán, tăng 27.767 tỷ đồng so với năm trước. So với năm trước đã tăng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ chính sách giáo dục mầm non, nhất là ở các vùng sâu, miền núi, Tây Nguyên; tăng kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ”...
 



(Nguồn: http://www.nhandan.com.vn)