Phát biểu khai mạc lớp học, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VII Phạm Thanh Sơn nói, KTNN Chuyên ngành VII là đơn vị trực thuộc KTNN, có chức năng giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, các quỹ tài chính tập trung của Nhà nước, các tổ chức tài chính, tín dụng, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán. Chính vì vậy, thuyết trình của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa về Chính sách tiền tệ quốc gia; Nợ xấu và vấn đề xử lý nợ xấu của các NHTM sẽ giúp cho Lãnh đạo, cán bộ, công chức, kiểm toán viên của KTNN Chuyên ngành VII hiểu sâu thêm về những vấn đề liên quan đến: Chính sách tiền tệ quốc gia; Nợ xấu và vấn đề xử lý nợ xấu của các Ngân hàng thương mại (NHTM); Một số vấn đề về xu hướng phát triển kinh tế và các lợi thế của Việt Nam trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống NHTM... nhằm nâng cao kiến thức trong thực thi chuyên môn.
Nói về mô hình thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các quyết sách của Chính phủ về các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế thông qua hệ thống các công cụ chính sách tiền tệ trong giai đoạn hiện nay, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đã nhấn mạnh về những thành công bước đầu của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong việc ổn định lạm phát, gắn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế hợp lý bằng cách điều chỉnh chính sách tỷ giá hối đoái, dự trữ vàng, ngoại tệ, tái cấp vốn...
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa thuyết trình tại buổi học tập của KTNN Chuyên ngành VII
Thuyết trình về "Nợ xấu và vấn đề xử lý nợ xấu của các NHTM", Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đã chỉ rõ, xử lý nợ xấu của các NHTM hiện là vấn đề quan tâm lớn nhất của Chính phủ trong nhóm 5 vấn đề trọng tâm giải quyết tái cơ cấu nền kinh tế gồm: Xử lý nợ xấu; Cơ cấu lại hoạt động khối doanh nghiệp nhà nước; Cải cách hệ thống thể chế kinh tế; Phát triển kinh tế nông nghiệp; Phục hồi thị trường bất động sản. Theo Tiến sĩ, nợ xấu là vấn đề cốt lõi để phá băng tín dụng, vì có nợ xấu nên các ngân hàng thương mại không dám giải ngân, kể cả với các dự án tốt cũng không thể cho vay. Một khi phá được băng tín dụng thì sẽ tìm được lối thoát cho tăng trưởng kinh tế nói chung và phục hồi thị trường bất động sản nói riêng. Để giải quyết nợ xấu trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, vấn đề cốt lõi là NHNN phải bơm tiền sao cho khéo để vừa đảm bảo hiệu quả của nguồn tiền cung ứng, vừa không gây ra lạm phát, không gây áp lực lên cán cân thanh toán và tỷ giá.
Tiến sỹ đã trình bày kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các quốc gia phát triển như Nhật bản, Hàn Quốc, Mỹ và đề cập đến mô hình xử lý nợ xấu của Việt Nam thông qua việc thành lập Công ty mua bán và xử lý nợ –VAMC.
Tại buổi thuyết trình, KTNN Chuyên ngành VII cũng được nghe Tiến sỹ trình bày thêm về xu hướng phát triển kinh tế, các lợi thế của Việt Nam trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống NHTM.
Nội dung thuyết trình của Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa gắn với đối tượng kiểm toán của KTNN Chuyên ngành VII về NHNN và NHTM, qua đó, Lãnh đạo, cán bộ, công chức và kiểm toán viên hiểu sâu thêm về nhóm các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ và các kết quả thực hiện điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong giai đoạn hiện tại. Các vấn đề tồn tại, vướng mắc lớn nhất của các NHTM là nợ xấu, xử lý nợ xấu và sự can thiệp, hỗ trợ của Chính phủ đối với vấn đề này gắn với quá trình thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, từ đó vận dụng trong thực tiễn xây dựng nội dung, mục tiêu và trọng tâm kiểm toán các ngân hàng của KTNN Chuyên ngành VII trong việc thực hiện chiến lược kiểm toán giai đoạn 2013-2017./.
Thanh Loan