Những khó khăn trong đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của dự án đầu tư

NGUYỄN VIẾT HÙNG (KTNN khu vực V)

Trong quá trình thực hiện kiểm toán, các dự án đầu tư, việc đánh giá mục đích đầu tư của dự án là rất quan trọng. Phải đánh giá được dự án có đúng qui hoạch ngành, địa phương hay không? Kế tiếp là đánh giá việc áp dụng qui phạm, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá và sau cùng là tính khả thi của dự án.
 
Tuy nhiên, quá trình kiểm toán thường gặp một số khó khăn, mâu thuẫn như sau:
 
Về đánh giá qui hoạch: Thực trạng chung là qui hoạch ở nước ta chưa có tính dài hơi, thiếu chiến lược và còn manh mún. Do vậy, một số dự án đã có chủ trương đầu tư từ lâu nhưng do không có vốn để thực hiện. Khi có nguồn vốn để đầu tư trở lại thì nhân dân trong vùng hưởng lợi đã thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thế nhưng trước khi phê duyệt dự án đầu tư, chủ đầu tư không mở hội thảo lấy ý kiến chuyên gia đầu ngành, cũng như ý kiến của địa phương và nhân dân trong vùng hưởng lợi dự án nên sau khi có quyết định đầu tư phải tạm hoãn một thời gian do nghi ngờ về tính khả thi của dự án làm gián đoạn quá trình triển khai. Khi kiểm toán viên đánh giá nội dung này thì hội đồng thẩm định lại yêu cầu bằng chứng hoặc cho là nhận xét thiếu cơ sở nên nhiều đánh giá không được chấp nhận và tạo cho địa phương nhìn nhận cơ quan KTNN đánh giá nửa vời hoặc hời hợt.
 
Về kiểm tra độ sát thực của số liệu trong dự án đầu tư: Dự án đầu tư ban đầu thường lập sơ sài, không lường hết sự phức tạp địa chất, địa hình nên biện pháp thi công không khả thi; quá trình đầu tư phải điều chỉnh, bổ sung nhiều hạng mục công trình làm kéo dài thời gian thi công, chậm phát huy hiệu quả vốn đầu tư và tăng tổng mức đầu tư. Kiểm toán viên chỉ đánh giá bằng mắt thường, bằng kinh nghiệm trong khi đơn vị tư vấn thì đánh giá trên kết quả thí nghiệm. Tuy theo qui định thì phải lưu lại mẫu thí nghiệm, nếu kiểm toán viên nghi ngờ thì phải đề nghị các cấp có thẩm quyền (trong ngành) cho thí nghiệm lại, mất khá nhiều thời gian trong khi thời gian kiểm toán có hạn, chưa kể là đơn vị báo cáo là thất lạc mẫu; nếu đề nghị chuyển sang cơ quan điều tra thì cũng không thu thập đủ bằng chứng. Nên kiểm toán viên chỉ xâu chuỗi lại quá trình thực hiện dự án để đánh giá chung chung mà không nêu được chi tiết là sai cụ thể ở khâu nào và như vậy không đủ cơ sở vững chắc để qui trách nhiệm thuộc về đơn vị hay cá nhân nào.
 
Về đánh giá nhiệm vụ của dự án và xác định các mặt trái của dự án khi hoàn thành: Việc đánh giá này hết sức khó khăn, thường chỉ chung chung vì muốn chi tiết thì phải khảo sát lại nhiệm vụ của công trình khi đã có dự án - một nhiệm vụ mất thời gian và tốn kinh phí nhưng kết quả thì vẫn không chắc chắn. Ví dụ như qua kiểm toán dự án đường ô tô đến trung tâm xã sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho thấy sự bất hợp lý về qui mô đường với chiều rộng mặt đường 3,5 mét là quá hẹp trong điều kiện lưu thông phương tiện cơ giới hiện nay, chưa kể người dân xây dựng nhà hai bên đường nên sau thời gian ngắn muốn mở rộng đường thì phải bồi thường GPMB rất lớn. Điều này cho thấy tính kinh tế, hiệu quả của đề án thấp nhưng đánh giá của kiểm toán viên không được địa phương chấp nhận vì họ cho rằng thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ.
 
Về đánh giá việc áp dụng qui phạm, tiêu chuẩn: Thông thường kiểm toán chỉ đánh giá tính tuân thủ nghĩa là việc thiết kế có đúng qui định của Nhà nước hay không, còn vấn đề qui phạm, tiêu chuẩn có phù hợp hay không thì quá tầm của kiểm toán viên hoặc nếu có phát hiện thì chỉ kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi mà thôi.
Như vậy, việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của dự án là một vấn đề rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi kiểm toán viên phải có kiến thức sâu, rộng và có tầm nhìn bao quát mới đánh giá đầy đủ, toàn diện để đơn vị được kiểm toán tâm phục, khẩu phục./.

Theo Báo Kiểm toán số 13/2014