Họp Ban soạn thảo Dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi)

Ngày 28/3/2014, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi). Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn - Trưởng ban soạn thảo đã chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng, Lê Hoàng Quân, Hoàng Hồng Lạc, Vũ Văn Họa và thành viên Ban soạn thảo Dự án và Tổ giúp việc thuộc Vụ Pháp chế.

Tại cuộc họp ông Lê Huy Trọng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập đã trình bày báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện Dự án của Ban soạn thảo, theo đó các cuộc họp Ban soạn thảo được thực hiện từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 20/2011/QH13 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết số 493/NQ-UBTVQH13 ngày 16/5/2012 về việc thành lập Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN gồm: Cuộc họp triển khai ngày 14/6/2012 và cuộc họp 20/9/2012 do nguyên Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng chủ trì; 02 cuộc họp do Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn chủ trì ngày 16/9/2013. Dự thảo cũng đã được tổ chức xin ý kiến các lãnh đạo KTNN từ tháng 01-3/2013 và tổ chức Tọa đàm trực tuyến toàn ngành tham gia ý kiến ngày 31/10/2013.

Về tiến độ chuẩn bị hồ sơ của Dự án, trên cơ sở tổng hợp kết quả Tọa đàm trực tuyến tại Đà nẵng (từ ngày 26/02/2014 đến 01/03/2014) và phát biểu định hướng của Tổng Kiểm toán nhà nước tại cuộc họp của Thường trực Ban soạn thảo ngày 6/3/2014 về Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), đến nay Dự án Luật đã được hoàn thiện thêm một bước (đã xây dựng Dự thảo lần thứ 4, các tài liệu khác trong hồ sơ Dự án trình được dự thảo lần 1 gồm Dự thảo Tờ trình, dự thảo Báo cáo thuyết minh và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của Dự án).



Về kết cấu của Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) được xây dựng như sau:

Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) lần thứ 4 dự kiến gồm 78 điều chia thành 9 chương, so với Luật hiện hành, Dự thảo tăng 1 chương, 02 điều:

Chương I - Những quy định chung (gồm 11 Điều, từ Điều 1 đến Điều 11): Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; Quy định về chuẩn mực Kiểm toán nhà nước, giá trị báo cáo kiểm toán và đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Chương II - Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động của Kiểm toán nhà nước (gồm 4 điều, từ Điều 12 đến Điều 15): Đây là chương mới quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước với hoạt động kiểm toán: Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; Hội đồng nhân dân; Chính phủ và các cơ quan của chính phủ; cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án, nhằm tạo tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động của Kiểm toán nhà nước; nâng cao chất lượng công tác kiểm toán, đồng thời góp phần sử dụng hiệu quả hơn kết quả kiểm toán.

Chương III - Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước gồm 15 điều (từ Điều 16 đến Điều 30): Quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước và tiêu chuẩn của Tổng Kiểm toán nhà nước; về hệ thống tổ chức của Kiểm toán nhà nước và Hội đồng Kiểm toán nhà nước.

Chương IV- Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên kiểm toán (gồm 7 điều, từ Điều 31 đến Điều 37): Chương này quy định cụ thể về các chức danh kiểm toán viên nhà nước, tiêu chuẩn và thẩm quyền bổ nhiệm kiểm toán viên nhà nước; trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước; quy định về trường hợp được thuê cộng tác viên kiểm toán và trách nhiệm của cộng tác viên kiểm toán.

Chương V- Hoạt động kiểm toán (gồm 26 điều, từ Điều 38 đến Điều 63): Chương này quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định kiểm toán, thành phần đoàn kiểm toán và nhiệm vụ quyền hạn cụ thể của thành viên Đoàn kiểm toán; các bước của quy trình kiểm toán và việc công khai kết quả kiểm toán.

Chương VI - Quyền, nghĩa vụ đơn vị được kiểm toán (gồm 4 điều từ Điều 64 đến Điều 67): Quy định về đơn vị được kiểm toán, quyền, nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán.
Chương VII - Đảm bảo hoạt động của Kiểm toán nhà nước (gồm 5 điều, từ Điều 68 đến Điều 72): Quy định về kinh phí, biên chế và chế độ đối với Kiểm toán nhà nước và kiểm toán viên nhà nước. Chương này được giữ như Chương VI Luật hiện hành.

Chương VIII - Xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo (gồm 4 Điều, từ Điều 73 đến Điều 76): Quy định về các hành vi vi phạm pháp luật về Kiểm toán nhà nước và hình thức xử lý vi phạm; việc kiến nghị của đơn vị được kiểm toán về kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chương IX - Điều khoản thi hành gồm 02 điều, Điều 77 và Điều 78: Quy định về kiểm toán đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh và hiệu lực của Luật.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tập trung hoàn thiện sớm việc sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28/12/20013 của Quốc hội, Nghị quyết 718/NQ-UBTVQH13 ngày 02/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, sau cuộc họp thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập khẩn trưởng cho ý kiến về từng điều khoản, Thường trực Ban soạn thảo tiếp thu hoàn thiện lại chuẩn bị Dự thảo lần thứ 5. Về nội dung, tập trung làm rõ phạm vi kiểm toán của KTNN, xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước và một số vấn đề trọng tâm khác./.