Triển khai Hiến pháp 2013: Thể chế hóa quy định về KTNN

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là một bộ phận trong hệ thống tổ chức của Nhà nước pháp quyền, là phương thức, công cụ thực hiện quyền lực của nhân dân thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm toán và giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Hiến định

Với mục đích tăng cường vị thế và trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong giai đoạn hiện nay, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định địa vị pháp lý của KTNN trong Chương X.

Theo đó, KTNN là một thiết chế do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Việc hiến định này phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN ở nước ta cũng như thông lệ quốc tế.

Tuy vậy, quy định hiện hành về KTNN chưa có sự tương thích giữa Luật KTNN và các luật liên quan. Ví dụ, Luật KTNN quy định KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của UBTV Quốc hội sau khi trao đổi thống nhất với Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, cả Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ mặc dù mới được sửa đổi, bổ sung sau khi Luật KTNN được ban hành, nhưng cũng không có nội dung nào quy định về vấn đề này…

Thể chế hóa
Sau khi Hiến pháp có hiệu lực thi hành, việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về KTNN là cần thiết và phải làm ngay. Trong bối cảnh hiện nay, việc thể chế hóa này phải theo các nguyên tắc nhất định.

Trước hết, việc thể chế hóa các quy định này phải khẳng định: KTNN là một bộ phận trong hệ thống tổ chức của Nhà nước pháp quyền, là phương thức, công cụ thực hiện quyền lực của nhân dân thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm toán và giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bên cạnh đó, việc thể chế hóa phải đảm bảo mục tiêu chung cho phát triển KTNN trong chiến lược lâu dài và trước mắt đến năm 2020: “Tăng cường năng lực hoạt động, đảm bảo hiệu lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN; xây dựng KTNN trở thành công cụ mạnh trong kiểm tra, kiểm soát đánh giá toàn bộ tài chính quốc gia, toàn bộ ngân quỹ nhà nước, tài sản quốc gia, phục vụ đắc lực cho các quyết định và hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND về kinh tế-tài chính, đảm bảo quyền lực thực sự của nhân dân thông qua người đại diện của họ(2)”.

Mục tiêu cụ thể phát triển KTNN cần được xác định trên cả 3 mặt: Năng lực hoạt động, hiệu quả kiểm toán và hiệu lực kiểm toán. Cần xác định những mục tiêu cụ thể hơn trong việc hỗ trợ, phục vụ Quốc hội và HĐND. Do đó, việc thể chế hoá hoạt động của KTNN cần tập trung vào các nội dung dưới đây:

Thứ nhất, cần khẳng định KTNN là công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính Nhà nước của Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Thứ hai, những quy định về KTNN có liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, HĐND, Chính phủ và UBND các cấp cần được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan đó.

Thứ ba, minh bạch về tài chính Nhà nước là một trong các tiền đề, điều kiện quan trọng để hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Thứ tư, để KTNN thật sự là một công cụ, một cơ quan kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả, điều cơ bản là phải có các quy định cụ thể về việc đảm bảo tính độc lập, chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động KTNN.

Có thể nói, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện một bước tiến mới khi quy định KTNN là một cơ quan hiến định độc lập. Quy định này một lần nữa chứng minh cho nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ở nước ta.

Từ yêu cầu bức thiết của hoạt động kiểm tra, kiểm soát và giám sát trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có thể khẳng định rằng, việc ghi nhận vai trò của thiết chế KTNN trong Hiến pháp năm 2013 là vô cùng quan trọng. Trong thời gian tới, để các quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về KTNN nhằm phát huy vai trò của KTNN trong nền kinh tế thị trường ở nước ta cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.

TS. Hoàng Văn Tú
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp