Tăng cường vai trò của các tổ chức giám sát, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật

Công tác giám sát thi hành pháp luật vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần sớm được khắc phục - đó là nội dung được đưa ra tại Hội thảo “Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Chưa tạo được động lực cho các cơ quan tham gia giám sát
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Nghị định 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật được coi là một căn cứ pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò giám sát thực hiện việc theo dõi thi hành pháp luật một cách toàn diện và thống nhất. Không dừng lại ở việc kiểm tra định kì, Nghị định cũng quy định về quyền kiểm tra đột xuất trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cấp tư pháp, tổ chức pháp chế. Đánh giá cũng cho rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), các tổ chức chính trị - xã hội đã bước đầu thể hiện được vai trò giám sát thi hành pháp luật, góp phần thúc đẩy hiệu quả thực thi pháp luật. 

Theo ông Bùi Xuân Đức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Mặt trận thuộc Ủy ban Trung ương MTTQVN, trong 5 năm gần đây, riêng Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường trong cả nước đã giám sát, kiến nghị được 95.694 đơn khiếu nại và 12.970 đơn tố cáo, kiến nghị chính quyền giải quyết được 76.766 đơn khiếu nại (đạt 80%) và 8.290 đơn tố cáo (đạt 63,92%). Hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đã bước đầu tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế...

Dù đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật, đặc biệt, Hiến pháp đã hiến định về vai trò giám sát và phản biện của MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, các quy định trên còn chung chung, chưa gắn được trách nhiệm, cũng như chưa đảm bảo những điều kiện cho hoạt động giám sát của MTTQVN. Bên cạnh đó, các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của mặt trận còn chưa phù hợp; sự phối hợp của chính quyền các cấp còn hạn chế… 

Tăng cường cơ chế phối hợp, trách nhiệm trong giám sát
Tại Hội thảo, các đại biểu đều thừa nhận vai trò giám sát của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội và kiến nghị các biện pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật…

Chỉ ra những khó khăn, bất cập trong quá trình giám sát của MTTQVN thời gian qua, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần sớm hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung vào việc xây dựng cơ chế về điều kiện đảm bảo cho MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc theo dõi thi hành pháp luật và quy định cụ thể hơn về cơ chế huy động, phối hợp giữa cơ quan, tổ chức trong hoạt động này.

Ông Trần Văn Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết, trả lời những phát hiện, kiến nghị của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội. 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu tham dự, đặc biệt là sự hạn chế và những bất cập trong công tác giám sát thi hành pháp luật của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội thời gian qua. “Sắp tới, Bộ cùng các tổ chức sẽ nghiên cứu và hoàn thiện những quy định của pháp luật về vấn đề theo dõi thực thi pháp luật, trong đó chú trọng hơn về vai trò giám sát của các tổ chức xã hội” - Thứ trưởng Tụng cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, những nội dung tại Hội thảo này sẽ là căn cứ quan trọng giúp Bộ tiếp tục xây dựng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2014 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2014./.

Theo Báo Kiểm toán số 11/2014