Kiểm toán Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam: Còn “dư địa” để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2011, báo cáo quyết toán vốn đầu tư và công tác quản lý, khai thác kinh doanh tài nguyên khoáng sản, đất đai của Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam đã chỉ rõ nhiều hạn chế, tồn tại mà Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần khắc phục để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thiếu chặt chẽ trong quản lý vốn, tiền và tài sản 
Theo kết quả kiểm toán, trong năm 2011, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Tập đoàn Hóa chất) có hiệu quả, đáp ứng cơ bản nhu cầu phân bón trong nước, đảm bảo đời sống của cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, trong quản lý tài chính, kế toán, sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tiền và tài sản Nhà nước tại Tập đoàn vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại.

Cụ thể, trong công tác quản lý các khoản phải thu không chỉ của Tập đoàn mà còn nhiều đơn vị thành viên khác, do thiếu những quy chế rõ ràng về thời gian nợ, hạn mức nợ, không có tài sản đảm bảo, không có bảo lãnh ngân hàng, hợp đồng kinh tế không quy định phạt chậm thanh toán, kiểm tra đối chiếu công nợ không thường xuyên... dẫn đến phát sinh nợ quá hạn, phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, có nguy cơ mất vốn. 

Theo số liệu báo cáo, toàn Tập đoàn phải trích dự phòng hơn 100 tỷ đồng. Các công ty thành viên khác như Công ty TNHH MTV Vật tư và xuất nhập khẩu hóa chất phải trích lập dự phòng 28,7 tỷ đồng nợ dài hạn và 4,1 tỷ nợ ngắn hạn, Công ty CP Phân bón miền Nam phải trích dự phòng 16,5 tỷ (trong khi tổng nợ quá hạn là 19 tỷ, dù tại công ty đã có quy định về hạn mức nợ nhưng thực tế đã cho nợ vượt quá hạn mức)… Cá biệt, tại Công ty CP Phân lân Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Thương (cán bộ của đơn vị) đã chiếm đoạt 12,5 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán, Công an tỉnh Ninh Bình đang tiến hành điều tra vụ việc…

Bên cạnh đó, một số đơn vị thành viên trong Tập đoàn đã cho vay không đúng chức năng kinh doanh, như Công đoàn Hóa chất Việt Nam cho Công ty CP Cao su Sao Vàng vay 3 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cho Cảng Việt Trì vay 7 tỷ đồng, cho bộ phận công đoàn Khách sạn Biển Mây vay 805 triệu đồng; Công ty CP Phân lân Văn Điển cho Công ty Cơ khí Hóa chất Hà Bắc vay 2,2 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý tiền và các khoản tương đương tiền, tại một số đơn vị trong Tập đoàn Hóa chất còn có tình trạng thiếu linh hoạt trong sử dụng tiền nhàn rỗi để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Thống kê cho thấy toàn Tập đoàn có số dư tiền lên tới 4.976 tỷ đồng nhưng chủ yếu gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất hoặc ủy thác cho vay, ủy thác quản lý vốn thông qua Công ty CP Tài chính Hóa chất. Một điểm đáng lưu ý khác, tại thời điểm 31/12/2011, vốn đầu tư của chủ sở hữu tại 6 công ty con của Tập đoàn Hóa chất là các Công ty TNHH MTV đều vượt mức vốn điều lệ đã được phê duyệt, tổng số vốn vượt là 1.842 tỷ đồng. Thậm chí, tại Công ty TNHH MTV Hóa chất cơ bản miền Nam đã “vượt cấp” khi thực hiện tăng nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp 12 tỷ đồng khi chưa được sự phê duyệt của Tập đoàn.

Hoàn toàn có thể nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh
Tuy sản xuất kinh doanh trong năm 2011 được đánh giá đạt hiệu quả, những theo nhận xét của Đoàn kiểm toán, Tập đoàn Hóa chất cũng như các đơn vị thành viên hoàn toàn có thể nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh từ các dự án đã đầu tư. 

Theo số liệu kiểm toán, riêng năm 2011, Dự án DAP Hải Phòng đã vận hành mang lại doanh thu 3.363 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 381 tỷ đồng. Với Dự án Nhà máy NPK Hiệp Phước, qua các năm đưa vào sản xuất đều có lãi, lãi năm sau cao hơn năm trước, dù theo thuyết minh dự án được duyệt thì năm đầu sản xuất lỗ 4 tỷ đồng, năm tiếp theo lỗ 7,9 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán, dự án đã khấu hao 61 tỷ đồng. Như vậy, về cơ bản dự án đã thu hồi được vốn đầu tư, khoản vay 36,7 tỷ đồng đến năm 2009 đã trả hết nợ gốc. Tại Dự án Nhà máy ắc quy Nhơn Trạch, năm 2011 đã trả xong hết nợ gốc, lãi 15 tỷ đồng, 9 tháng năm 2012 lãi 10,2 tỷ đồng (theo báo cáo của Công ty), trong khi theo thuyết minh dự án đã được duyệt thì năm đầu sản xuất lỗ 15,2 tỷ đồng…

Trước khi đưa vào vận hành, các Dự án Nhà máy NPK Hiệp Phước, Nhà máy ắc quy Nhơn Trạch, Nhà máy Đạm Ninh Bình, DAP Hải Phòng, Nhà máy NPK Thái Bình, Nhà máy sản xuất lốp xe Radial, cải tạo Xí nghiệp Supe số 1, đầu tư dây chuyền sản xuất phân lân nung chảy, công trình Nhà điều hành Xí nghiệp Supe đều chậm tiến độ so với mục tiêu đặt ra tại các quyết định đầu tư. Tại các dự án đã có nhiều hợp đồng thi công chậm trễ, như: Dự án Nhà máy NPK Hiệp Phước có 13 hợp đồng, Nhà máy Ắc quy Nhơn Trạch có 10 hợp đồng và tại các dự án khác có 11 hợp đồng.

Nhiều dự án trong số trên đã mang lại kết quả vượt kỳ vọng, trái ngược với những dự tính trước đó. Nếu không bị chậm tiến độ thì khả năng mang lại hiệu quả cao hơn là rất lớn. Đây chính là vấn đề mấu chốt mà KTNN kiến nghị Tập đoàn Hóa chất và các đơn vị thành viên phải khắc phục nhằm nâng cao tính kinh tế, hiệu quả của các dự án đầu tư. Lý do mà KTNN nêu rõ chính là công tác quản lý đầu tư xây dựng tại các dự án của Tập đoàn và các đơn vị thành viên còn nhiều hạn chế, từ công tác lập dự án đầu tư đến công tác khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt thiết kế, dự toán…, trong đó có cả dự án chậm tiến độ mà chưa xác định được nguyên nhân. 

Ở khía cạnh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, KTNN chỉ rõ việc ban hành các quy chế quản lý nội bộ, tiêu chuẩn, định mức ở một số đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất chưa đầy đủ, kịp thời, chưa phù hợp với thực tế. Do đó đã để xảy ra tình trạng vượt định mức tiêu hao nguyên vật liệu, các đơn vị trong Tập đoàn chưa sử dụng triệt để sản phẩm của nhau dẫn đến phải thông qua khâu trung gian, tăng chi phí giá thành; chưa tổ chức được mạng lưới phân phối phân bón đến trực tiếp người nông dân, phải qua các đại lý trung gian nên rất khó kiểm soát giá bán./.
 
Theo Báo Kiểm toán số 11/2014