Tăng cường quản lý các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ

Tại phiên họp thứ 26 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trong phần góp ý về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015 cần rà soát lại, các đại biểu đều nhất trí cao với kết quả rà soát của các Bộ, địa phương và thống nhất bổ sung vốn TPCP để hoàn thành nhiều dự án quan trọng.

Bố trí đủ vốn TPCP để hoàn thành dứt điểm 42 dự án
Thực hiện Nghị quyết số 726/NQ-UBTVQH13 của UBTVQH về phân bổ vốn TPCP bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án, công trình dở dang đã có trong danh mục sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2012-2015, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, địa phương rà soát, cắt, giảm tổng mức đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác cùng với nguồn vốn TPCP để đảm bảo đủ vốn hoàn thành dự án trong năm 2014-2015 hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tổng số dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015 cần phải rà soát lại là 91 dự án gồm: 36 dự án giao thông, 35 thủy lợi và 20 dự án y tế. Số đơn vị có dự án cần rà soát là 25, gồm 2 Bộ (Giao thông - Vận tải,  Y tế) và 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhu cầu vốn TPCP bổ sung giai đoạn 2014-2016 của 91 dự án này là 42.316,29 tỷ đồng nhưng dự kiến kế hoạch bổ sung vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 chỉ có 18.066,739 tỷ đồng (bằng 42,7% nhu cầu cần bổ sung).

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, các Bộ, địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc rà soát và phân bổ vốn cho các dự án theo đúng tinh thần Nghị quyết của UBTVQH. Trong số 91 dự án của 2 Bộ và 23 địa phương thuộc diện rà soát, các Bộ, địa phương đều đã cam kết hoàn thành dứt điểm 42 dự án theo tổng mức đầu tư quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội; hoàn thành các hạng mục chính, cơ bản phát huy được hiệu quả của 40 dự án thuộc diện không có khả năng bố trí đủ vốn TPCP để hoàn thành dứt điểm; chỉ còn lại 9 dự án bị tạm giãn hoãn tiến độ hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư do không có khả năng bố trí, huy động đủ vốn hoặc bố trí thêm cũng không có hiệu quả.

Đảm bảo tính khả thi của các dự án được bổ sung vốn TPCP
Góp ý về phương án phân bổ vốn TPCP bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015 nhưng chưa bố trí đủ vốn, các đại biểu đều nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính và Ngân sách. Tuy  nhiên vẫn còn có nhiều ý kiến liên quan đến việc  đảm bảo tính khả thi của các dự án được cam kết sẽ hoàn thành.

Nhằm tăng cường quản lý dự án đầu tư từ vốn NSNN và vốn TPCP, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, bảo đảm hiệu quả của một số dự án cắt, giảm tổng mức đầu tư lớn (75-80%) so với tổng mức đầu tư ban đầu, tránh tình trạng cắt giảm tổng mức đầu tư để được bổ sung vốn nhưng dự án lại không phát huy hiệu quả sử dụng. Một số dự án thuộc diện cần huy động thêm các nguồn vốn khác để hoàn thành mới chỉ dừng ở việc địa phương cam kết sẽ huy động, do đó cần yêu cầu Bộ, địa phương đó phải chỉ rõ nguồn vốn nào, mức dự kiến huy động là bao nhiêu.

Liên quan đến việc đảm bảo tính khả thi của các dự án mà các Bộ, địa phương cam kết sẽ huy động nguồn lực khác cùng với nguồn vốn TPCP để hoàn thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chất vấn: “Mặc dù đã cam kết hoàn thành dự án nhưng liệu tới đây có trường hợp Bộ, ngành hay địa phương nào đó lại đề nghị tăng thêm vốn do không bố trí được nguồn lực khác?”.

Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: “Tại Đại hội Đảng Toàn quốc lần XI, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư tràn lan lãng phí. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn chưa cải thiện được là bao. Thực tế vẫn có tỉnh đầu tư dở dang tới 6 nhóm công việc. Bởi vậy tới đây tôi đề nghị cần rà soát lại các dự án, tăng cường quản lý việc thực hiện các dự án này”.

Để đảm bảo cho các dự án trên hoàn thành đúng như cam kết, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, các địa phương cũng đã có văn bản xác định nguồn vốn cụ thể.

Trước thực trạng nhiều dự án dở dang nằm chờ vốn, xin cắt giảm tổng mức đầu tư để được bổ sung vốn nhưng không phát huy được hiệu quả sử dụng,  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tới đây cần tăng cường quản lý dự án đầu tư từ vốn NSNN và vốn TPCP. “Nghị quyết của UBTVQH phải nghiêm, không thể để tình trạng Nghị quyết ra xong rồi năm sau lại ra Nghị quyết bổ sung cho mấy dự án này nữa. Không phải tỉnh, thành nào cũng được phân bổ vốn TPCP như nhau mà phải tính tới phân bổ nguồn vốn cân đối hài hòa giữa các vùng miền. Các tỉnh đã cam kết hoàn thành dự án  phải tự cân đối kinh phí, bố trí nguồn vốn để hoàn thành” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh./.

Theo Báo Kiểm toán số 11/2014