Quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo

Ngày 13 tháng 02 năm 2014, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký Quyết định số 70/QĐ-KTNN ban hành quy định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống. Quy định này không áp dụng đối với các chức danh lãnh đạo KTNN do Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý.

Quy định gồm 05 chương và 23 điều liên quan đến việc tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá công chức, viên chức trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng; Trình tự, thủ tục kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng; Trình tự, thủ tục cho từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý, trong đó quy định cụ thể:

(1). Việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp vụ và công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng của KTNN có thời hạn bổ nhiệm là 05 năm tính từ ngày quyết định có hiệu lực. Nếu thời hạn giữ một chức vụ cụ thể chưa đủ 05 năm mà công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ mới thì thời hạn giữ chức vụ mới được tính từ ngày quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ mới. Trong trường hợp, thời gian công chức giữ chức vụ lãnh đạo được giao nhiệm vụ phụ trách hoặc giao quyền của một vị trí chức vụ thì không tính vào thời hạn bổ nhiệm và những công chức được bổ nhiệm, trước đây trong quyết định bổ nhiệm chưa quy định thời hạn bổ nhiệm thì thời hạn bổ nhiệm được tính từ ngày quyết định đó có hiệu lực.

Việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ và công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng được lấy từ nguồn nhân sự tại chỗ; nguồn nhân sự được điều động, bổ nhiệm từ các đơn vị trực thuộc KTNN và được tiếp nhận, bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ bên ngoài.

 (2). Việc bổ nhiệm lại đối với công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm. Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm, tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn từ đủ 02 năm đến dưới 05 năm công tác mà được bổ nhiệm lại thì thời hạn bổ nhiệm được tính đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 02 năm công tác, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện và đáp ứng được yêu cầu công việc thì Tổng KTNN xem xét quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Đối với các trường hợp đơn vị đề nghị không bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng Tổng KTNN đưa ra tập thể lãnh đạo KTNN xem xét, quyết định.

(3). Việc kéo dài thời gian đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng khi hết thời hạn giữ chức vụ tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 02 năm công tác, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện và đáp ứng được yêu cầu công việc thì Tổng KTNN xem xét quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu. Đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Tổng KTNN xin ý kiến hiệp y của Thường vụ Đảng ủy KTNN đối với nhân sự được giới thiệu kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo. Đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, Vụ Tổ chức cán bộ xin ý kiến Phó Tổng KTNN phụ trách đơn vị, tổng hợp ý kiến trình Tổng KTNN xem xét, phê duyệt chủ trương kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.

(4). Việc từ chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng được thực hiện trong các trường hợp sau như công chức tự nguyện, chủ động xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý; Công chức nhận thấy không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; Công chức nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình; Công chức có nguyện vọng xin từ chức vì các lý do cá nhân khác. Trong thời gian đơn xin từ chức chưa được chấp thuận, công chức lãnh đạo, quản lý vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Công chức sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do từ chức được thủ trưởng đơn vị bố trí, phân công công tác khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và trình độ, năng lực của công chức hoặc giải quyết tùy từng trường hợp cụ thể. Công chức không được từ chức trong các trường hợp đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật.

(5). Việc miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng được thực hiện trong các trường hợp như được Tổng KTNN điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác khác mà không được kiêm nhiệm chức vụ cũ; Không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý; Không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; Không đủ năng lực, uy tín để làm việc; Vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ. Công chức sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do miễn nhiệm được thủ trưởng đơn vị trực thuộc KTNN bố trí, phân công công tác khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và trình độ, năng lực của công chức hoặc giải quyết tùy từng trường hợp cụ thể.

Riêng đối với chức danh Chánh Thanh tra KTNN và Tổng biên tập Báo Kiểm toán, Tổng KTNN đề nghị thống nhất ý kiến về nhân sự bổ nhiệm, miễn nhiệm với Tổng Thanh tra Chính phủ; Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việc ký quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cũng được quy định như Tổng KTNN ký quyết định đối với chức vụ lãnh đạo cấp vụ. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Tổng KTNN, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ký quyết định đối với chức vụ lãnh đạo cấp phòng của các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành và KTNN chuyên ngành, thủ trưởng các đơn vị KTNN khu vực và đơn vị sự nghiệp ký quyết định đối với chức vụ lãnh đạo cấp phòng thuộc đơn vị quản lý.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý của KTNN phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và được Ban Cán sự đảng KTNN và các cấp ủy đảng thống nhất lãnh đạo. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm đối với công chức phải tuân thủ đúng thẩm quyền và quy trình quy định đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, phát huy trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu đơn vị; công chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm phải đảm bảo đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 450/QĐ-KTNN ngày 29/4/2009./.

KD