Để đạt được tầm nhìn trên, Kế hoạch chiến lược đã xác định rõ sứ mệnh của KTNN là “nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm toán, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công”. Bên cạnh đó, Kế hoạch chiến lược cũng xác định giá trị cốt lõi của KTNN bao gồm giá trị hoạt động kiểm toán của KTNN “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả - Không ngừng gia tăng giá trị” và giá trị của kiểm toán viên Nhà nước là “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng”.
Đặc biệt, trong Kế hoạch chiến lược, nội dung cơ bản nhất, đột phá nhất chính là 8 mục đích chiến lược. 8 mục đích chiến lược này vừa là những hoạt động quan trọng, ưu tiên cao trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, vừa là những giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động của KTNN.
Mục đích chiến lược 1: Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN Việt Nam
Trên thực tế, khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động KTNN chưa tương thích, đầy đủ và đồng bộ, trước đó chưa có quy định trong Hiến pháp về địa vị pháp lý của KTNN như hầu hết các nước trên thế giới, còn tình trạng không tương thích giữa Luật Kiểm toán Nhà nước với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và một số luật khác. Do đó, nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN là một trong những mục đích chiến lược quan trọng thuộc Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017.
Mục đích chiến lược này được cụ thể hóa bằng 4 mục tiêu chiến lược, đó là: Bổ sung địa vị pháp lý của KTNN vào Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Sửa đổi, bổ sung Luật KTNN; Xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN (sửa đổi); Đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung trong các luật liên quan đến KTNN. Tiếp đến, các mục tiêu chiến lược được cụ thể hóa với 10 dự án và 21 chỉ số đo lường.
Trong đó, các kết quả kỳ vọng là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với một số nội dung về bổ sung địa vị pháp lý của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội thông qua vào năm 2013; dự án Luật KTNN (sửa đổi) được trình Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014; việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN (sửa đổi) đảm bảo trình tự thủ tục, tiến độ và chất lượng; các nội dung trong các luật liên quan đến KTNN được đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp và đồng bộ.
Mục đích chiến lược 2: Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa
Trong 8 mục đích chiến lược thuộc Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, mục đích chiến lược này được coi là ưu tiên thứ nhất với 5 mục tiêu cụ thể: Một là, hoàn thiện và phát triển hệ thống tổ chức bộ máy từng bước tiến tới đồng bộ; Hai là, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp; Ba là, sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác cán bộ một cách đồng bộ; Bốn là, xây dựng đội ngũ đảm bảo đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý và chất lượng cao; Năm là, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp đội ngũ công chức, kiểm toán viên thông qua đào tạo, bồi dưỡng.
Các mục tiêu chiến lược được xác định nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế về hệ thống tổ chức của KTNN; số lượng, cơ cấu, chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên; chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; hệ thống tài liệu phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng; đội ngũ giảng viên cơ hữu... Đi kèm với các mục tiêu trên là 17 dự án và 31 chỉ số đo lường chính.
Trong đó, kết quả kỳ vọng đối với mục tiêu hoàn thiện và phát triển hệ thống tổ chức bộ máy là chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ theo hệ thống chuyên môn giữa các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành với các KTNN khu vực; vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu (Vụ trưởng, Trưởng Phòng, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán) được quy định rõ ràng.
Việc xây dựng đội ngũ đảm bảo đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý và chất lượng cao được thực hiện thông qua các đề án tuyển dụng công chức, viên chức (giai đoạn 2014 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2017) và đề án, kế hoạch điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác giai đoạn 2014 - 2017. Trong đó, các đề án tuyển dụng đảm bảo đến năm 2017, số cán bộ của KTNN là 2.600 người, với cơ cấu hợp lý cả về lĩnh vực công tác; ngạch, bậc và chuyên môn đào tạo. Đề án và kế hoạch điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác giai đoạn 2014 - 2017 đảm bảo số lượng cán bộ được điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác hàng năm phù hợp với cơ cấu công chức theo chiến lược của các đơn vị và phát huy được năng lực; đồng thời có định hướng phương án bố trí cán bộ sau khi hết thời hạn luân chuyển.
Để nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của độ ngũ công chức, kiểm toán viên, Kế hoạch chiến lược đã xác định nhiều dự án quan trọng, trong đó then chốt là việc hoàn thiện và đổi mới hệ thống nội dung, chương trình và tài liệu về đào tạo, bồi dưỡng; kết hợp đồng bộ giữa đào tạo, bổ trợ kiến thức cơ bản với bồi dưỡng các kỹ năng kiểm toán theo từng cấp độ và bồi dưỡng chuyên sâu từng lĩnh vực, loại hình kiểm toán…; đồng thời gắn liền việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ với nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, kiểm toán viên.
Mục đích chiến lược 3: Tăng cường năng lực của KTNN Việt Nam trong việc áp dụng thực hiện chuẩn mực quốc tế (ISSAIs)
Việc áp dụng các chuẩn mực kiểm toán quốc tế của cơ quan Kiểm toán tối cao (ISSAIs) góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi để chuẩn hóa hoạt động kiểm toán; đồng thời nâng cao độ tin cậy của các báo cáo kiểm toán của các cơ quan KTNN. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng kiểm toán, chất lượng của báo cáo kiểm toán cũng như toàn bộ hoạt động của mình, KTNN cần tăng cường năng lực trong việc áp dụng thực hiện ISSAIs.
Mục đích chiến lược 3 được cụ thể hóa bằng 3 mục tiêu chiến lược, 10 dự án và 17 chỉ số đo lường chính. Các mục tiêu để thực hiện mục đích chiến lược gồm: Đánh giá việc tuân thủ ISSAIs trong tổ chức và hoạt động của KTNN; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực KTNN theo hướng tuân thủ ISSAIs; Áp dụng chuẩn mực kiểm toán trong hoạt động kiểm toán.
Đến nay, KTNN đã hoàn tất việc đánh giá tuân thủ ISSAIs trong tổ chức và hoạt động của KTNN và chuẩn bị phát hành Báo cáo đánh giá tuân thủ ISSAIs của KTNN. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực KTNN theo hướng tuân thủ ISSAIs được chia thành 4 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 10/2013 và kết thúc vào tháng 12/2015. Với lộ trình trên, năm 2014, KTNN sẽ ban hành 26 chuẩn mực và năm 2015 sẽ ban hành 18 chuẩn mực còn lại. Tính đến hết năm 2015, KTNN sẽ ban hành hệ thống chuẩn mực KTNN theo hướng tuân thủ ISSAIs gồm tổng cộng 44 chuẩn mực (trong đó có 6 chuẩn mực chung, 33 chuẩn mực kiểm toán tài chính, 2 chuẩn mực kiểm toán hoạt động, 3 chuẩn mực kiểm toán tuân thủ).
Sau khi ban hành hệ thống chuẩn mực KTNN theo hướng tuân thủ ISSAIs, KTNN sẽ tiến hành áp dụng chuẩn mực vào thực tiễn kiểm toán với kết quả kỳ vọng là 100% kiểm toán viên được đào tạo, tập huấn và nắm vững chuẩn mực kiểm toán; số lượng kiểm toán viên thực hiện thuần thục chuẩn mực tăng lên theo các năm (2014: 50% kiểm toán viên; năm 2017: 70% kiểm toán viên); hàng năm bên cạnh việc tự kiểm tra, đánh giá, mỗi KTNN chuyên ngành, khu vực sẽ được kiểm tra, đánh giá độc lập một số cuộc kiểm toán về tuân thủ chuẩn mực KTNN.
Mục đích chiến lược 4: Tăng cường năng lực của KTNN Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán
Mục đích chiến lược này được thực hiện nhằm tập trung khắc phục các hạn chế trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán năm của KTNN cũng như hạn chế về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm toán viên bố trí tham gia xây dựng kế hoạch…
Mục đích chiến lược tăng cường năng lực của KTNN trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán được cụ thể hóa bằng 5 mục tiêu chiến lược, 13 dự án và 26 chỉ số đo lường chính. Trong đó, các mục tiêu chiến lược là: Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ lập kế hoạch kiểm toán các cấp từ KTNN đến các KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực; Xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán cho tất cả các loại hình kiểm toán; Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về đầu mối được kiểm toán; Tổ chức lập kế hoạch kiểm toán trung hạn, kế hoạch kiểm toán năm; Đánh giá kết quả thực hiện và mức độ hoàn thành, áp dụng và việc đáp ứng các mục tiêu lập kế hoạch kiểm toán.
Các mục tiêu, dự án thuộc mục đích chiến lược 4 được xác định và thực hiện với kết quả kỳ vọng sau: Trong năm 2014, bổ sung nhân sự đảm bảo về số lượng, năng lực và kinh nghiệm cho bộ phận chuyên trách lập kế hoạch kiểm toán của Vụ Tổng hợp và phòng Tổng hợp thuộc các KTNN chuyên ngành, khu vực; bố trí số lượng kiểm toán viên hợp lý về số lượng, chất lượng đảm bảo thực hiện các công việc trước, trong và sau khi kiểm toán tại từng KTNN chuyên ngành, khu vực. Trong quý II/2014, hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn đảm bảo việc xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, kế hoạch kiểm toán năm dựa trên cơ sở xác định trọng yếu kiểm toán và các phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro kiểm toán, phù hợp quy định chung, quy trình kiểm toán, điều kiện, trình độ, năng lực... và kịp tiến độ. Từ quý II/2014, 100% KTNN chuyên ngành, khu vực thực hiện lập kế hoạch kiểm toán trung hạn, kế hoạch kiểm toán năm theo phương pháp xác định trọng yếu kiểm toán và các phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro kiểm toán. Từ năm 2015 và các năm tiếp theo, 100% KTNN chuyên ngành, khu vực có các kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán năm đạt yêu cầu; đồng thời 100% đơn vị sử dụng phần mềm báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và mức độ hoàn thành, áp dụng và việc đáp ứng các mục tiêu lập kế hoạch kiểm toán.
Mục đích chiến lược 5: Nâng cao chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán
Mặc dù đã xây dựng được hệ thống các quy định, chính sách trong quản lý, kiểm soát chất lượng kiểm toán, cũng như các đơn vị kiểm soát chuyên trách; tuy nhiên, kiểm soát chất lượng của KTNN hiện nay còn những hạn chế, bất cập cả về chính sách và thực tế vận hành; hiệu lực, hiệu quả kiểm soát chưa cao. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN được lựa chọn là một trong những mục đích quan trọng của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 - 2017.
Mục đích chiến lược này được cụ thể hóa bằng 3 mục tiêu chiến lược, đó là: Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; Tăng cường năng lực cho Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Phòng Tổng hợp của các KTNN chuyên ngành, khu vực; Thực hiện nghiêm Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán. Tiếp đến, các mục tiêu chiến lược được cụ thể hóa với 7 dự án và 11 chỉ số đo lường chính.
Trong đó, các kết quả kỳ vọng là Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán được xây dựng và ban hành phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của KTNN Việt Nam, đồng thời đảm bảo kiểm soát toàn diện hoạt động kiểm toán và xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, tránh chồng chéo. Nhân sự bổ sung cho Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và Phòng Tổng hợp các KTNN chuyên ngành, khu vực đảm bảo cơ cấu phù hợp, chất lượng, số lượng theo yêu cầu nhiệm vụ; 100% công chức làm công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán được đào tạo, tập huấn về kiến thức lý luận và thực tiễn, kỹ năng và kinh nghiệm về kiểm soát chất lượng kiểm toán. Từ năm 2014, 100% KTNN chuyên ngành, khu vực tự kiểm soát đối với 100% các cuộc kiểm toán theo Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán và có báo cáo kết quả kiểm soát hàng năm; số lượng các cuộc kiểm toán do Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán thực hiện cũng tăng lên. Thông qua đó, chất lượng báo cáo kiểm toán của KTNN ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Quốc hội và công chúng.
Mục đích chiến lược 6: Tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công
Trong những năm gần đây, KTNN bắt đầu đẩy mạnh triển khai nghiên cứu, thực hiện thử nghiệm các nội dung kiểm toán hoạt động (lồng ghép trong các cuộc kiểm toán tài chính), nhờ đó bước đầu đã có những phân tích, đánh giá có chất lượng, đáp ứng yêu cầu giám sát của Quốc hội, công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, do chưa có quy trình hướng dẫn cụ thể về kiểm toán hoạt động và vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nên KTNN chưa có điều kiện đánh giá, phân tích để đưa ra các giải đáp thích đáng nhiều vấn đề về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công. Do vậy, trong Kế hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2013-2017, KTNN đã cam kết phát triển loại hình kiểm toán hoạt động thông qua việc thực hiện 4 mục tiêu chiến lược: Xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn kiểm toán hoạt động; Nâng cao nhận thức về kiểm toán hoạt động; Tăng cường năng lực kiểm toán hoạt động; Tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động.
Với 4 mục tiêu chiến lược, 8 dự án và 15 chỉ số đo lường chính, việc thực hiện mục đích chiến lược 6 nhằm đạt được một số kết quả kỳ vọng. Thứ nhất, các chuẩn mực kiểm toán hoạt động, sổ tay hướng dẫn kiểm toán hoạt động được xây dựng và ban hành kịp thời, đầy đủ, toàn diện, dễ áp dụng, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của KTNN. Thứ hai, tổ chức bộ máy kiểm toán hoạt động phù hợp và đảm bảo yêu cầu phát triển của KTNN; 100% KTV được giao nhiệm vụ kiểm toán hoạt động được đào tạo, tập huấn về kiến thức và kỹ năng kiểm toán hoạt động. Thứ ba, từ năm 2014, KTNN sẽ bắt đầu thực hiện các cuộc kiểm toán độc lập về kiểm toán hoạt động phù hợp với năng lực của KTNN và KTV trên cơ sở có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. Ngoài ra, công tác tổ chức, phổ biến, tuyên truyền về kiểm toán hoạt động cũng được coi trọng nhằm nâng cao nhận thức trong toàn ngành về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của kiểm toán hoạt động.
Mục đích chiến lược 7: Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu
Một trong những nguyên nhân dẫn đến đến hạn chế về chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN trong những năm qua là do KTNN chưa có các quy định, tài liệu hướng dẫn cho hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu một cách đầy đủ, phù hợp và khả thi. Kết quả là trong nhiều cuộc kiểm toán, việc chọn mẫu kiểm toán còn dàn trải, thiếu trọng tâm; mục tiêu, nội dung kiểm toán còn chung chung, chưa tập trung vào những vấn đề chủ yếu… Chính vì vậy, trong thời gian tới, KTNN cần triển khai và phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu.
Mục đích chiến lược này được thực hiện thông qua 2 mục tiêu: Xây dựng và ban hành các quy định, tài liệu hướng dẫn kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; Áp dụng kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Đi kèm với các mục tiêu trên là 7 dự án và 15 chỉ số đo lường chính.
Mục tiêu xây dựng và ban hành các quy định, tài liệu hướng dẫn kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu được thực hiện với kết quả kỳ vọng là các chuẩn mực kiểm toán liên quan đến xác định rủi ro và trọng yếu kiểm toán được bổ sung và hoàn thiện đầy đủ, kịp thời và phù hợp; các quy định, quy trình kiểm toán được xây dựng, sửa đổi và bổ sung phù hợp với chuẩn mực và phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; các tài liệu hướng dẫn kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu được xây dựng và ban hành đúng kế hoạch, dễ sử dụng và phù hợp với chuẩn mực và quy trình kiểm toán.
Việc áp dụng kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu được thực hiện bắt đầu từ khâu đào tạo, tập huấn; tổ chức thí điểm; tổng kết, rút kinh nghiệm đến áp dụng toàn ngành đối với tất cả các cuộc kiểm toán. Một số kết quả kỳ vọng chính của mục tiêu này là trong năm 2014, 100% KTV được đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Từ năm 2015, KTNN sẽ tổ chức thí điểm một số cuộc kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; các cuộc kiểm toán được lựa chọn thí điểm đảm bảo đại diện cho tất cả các lĩnh vực kiểm toán. Từ năm 2016, 100% các cuộc kiểm toán áp dụng phương pháp dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; trong đó, 50% KTV nắm vững và có khả năng vận dụng thành thạo phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu (năm 2017: số liệu tương ứng là 70%). Với việc áp dụng kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, số ngày, nhân sự, chi phí cho một cuộc kiểm toán sẽ tiết kiệm hơn so với các cuộc kiểm toán thông thường; đồng thời báo cáo kiểm toán có nhiều kiến nghị hợp pháp và khả thi hơn.
Mục đích chiến lược 8: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của KTNN
Mục đích chiến lược này là một trong những mục đích đặc biệt ưu tiên trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế về cơ sở hạ tầng CNTT cũng như các hạn chế về nguồn nhân lực và kỹ năng ứng dụng CNTT vào hoạt động của KTNN.
Mục đích chiến lược 8 được cụ thể hóa với 3 mục tiêu chiến lược, 8 dự án và 62 chỉ số đo lường chính; trong đó các mục tiêu chiến lược gồm: Xây dựng và phát triển hạ tầng CNTT của KTNN đảm bảo cho các hoạt động ứng dụng an toàn và hiệu quả; Xây dựng và phát triển phần mềm ứng dụng trong hoạt động của KTNN và quản lý điều hành nội bộ; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT đảm bảo ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của KTNN.
Việc xây dựng và phát triển hạ tầng CNTT của KTNN thực thực hiện thông qua việc xây dựng Đề án phát triển và ứng dụng CNTT của KTNN đến năm 2020; đầu tư trang thiết bị tin học cho cán bộ, công chức, viên chức; nâng cấp, bổ sung hạ tầng mạng của KTNN với kết quả kỳ vọng chính là vào năm 2017, tỷ lệ bình quân máy tính/tổng số cán bộ, công chức, viên chức đạt 90%; 100% kiểm toán viên có máy tính (trong đó tỷ lệ máy tính xách tay/ tổng số kiểm toán viên là 85%); hệ thống mạng được đầu tư đồng bộ, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật cho các ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý và kiểm toán.
Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của KTNN gắn liền với việc xây dựng và phát triển phần mềm ứng dụng trong hoạt động của KTNN và quản lý điều hành nội bộ (gồm hệ thống phần mềm hỗ trợ lập kế hoạch kiểm toán và quản lý hoạt động kiểm toán; hệ thống phần mềm hỗ trợ thực hiện kỹ thuật kiểm toán của KTV; phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ làm việc; phần mềm quản lý cán bộ, công chức và quản lý đào tạo, bồi dưỡng…). Các kết quả kỳ vọng đối với việc xây dựng và phát triển các phần mềm trên là phải đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, dễ sử dụng, đáp ứng yêu cầu và được 100% đối tượng liên quan sử dụng.
Để phát triển nguồn nhân lực CNTT đảm bảo ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của KTNN, Kế hoạch chiến lược đặc biệt đề cao công tác tuyển dụng cán bộ cho đơn vị chuyên trách CNTT; tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách CNTT cũng như đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cách thức sử dụng phần mềm và kỹ năng thực hiện kiểm toán trong môi trường CNTT. Kết quả kỳ vọng đối với mục tiêu này là tuyển đủ số lượng cán bộ chuyên trách CNTT (năm 2015: 30 người, năm 2017: 35 người); từ năm 2014, hàng năm 100% cán bộ làm công tác quản trị hệ thống, phát triển phần mềm được cập nhật kiến thức chuyên môn; 100% cán bộ, công chức có thể sử dụng thành thạo các phần mềm (có liên quan) của KTNN.
Có thể khẳng định, khi thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, KTNN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là tâm lý ngại đổi mới cũng như sức ỳ của cán bộ, KTV, đặc biệt khi triển khai thực hiện các mục tiêu, hoạt động có tính mới như việc áp dụng ISSAI, phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và trọng yếu hay tăng cường kiểm toán hoạt động vào thực tiễn kiểm toán của KTNN. Bên cạnh đó, hạn chế về năng lực và nguồn lực của KTNN cũng là một thách thức lớn khi thực hiện Kế hoạch chiến lược này.
Với các thách thức trên, để thực hiện thành công các mục đích, mục tiêu chiến lược đề ra trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, KTNN cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau: Một là, nâng cao nhận thức của toàn ngành về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Kế hoạch chiến lược để đạt được sự cam kết của toàn ngành đối với việc thực hiện Kế hoạch chiến lược. Hai là, phân công rõ trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, chủ trì và phối hợp trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch chiến lược đảm bảo hiệu quả và tránh chồng chéo. Ba là, nội dung các mục tiêu, dự án, hoạt động của Kế hoạch chiến lược cần được cụ thể hóa vào kế hoạch công tác, chương trình công tác hàng năm của từng đơn vị và toàn ngành. Bốn là, trong quá trình thực hiện các hoạt động cần chú ý hướng vào kết quả (chỉ tiêu/chỉ số đo lường chính) các hoạt động; thống nhất, phối hợp tất cả các hoạt động, đảm bảo thực hiện thành công các hoạt động ưu tiên và cùng hướng tới mục đích, mục tiêu của Kế hoạch chiến lược. Cuối cùng, tập trung tăng cường tìm kiếm các nhà tài trợ, ưu tiên và bố trí các nguồn kinh phí cho các hoạt động của Kế hoạch chiến lược./.
Theo Báo Kiểm toán số 50-51/2013