Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong hai ngày 11 và 12/11/2013, Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.


* Sáng 11/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, với 84,54% tổng số đại biểu tán thành.
Tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với đánh giá tình hình năm 2013, ba năm (2011-2013) như dự thảo Nghị quyết. Cụ thể, tình hình kinh tế xã hội năm 2013 đã có những chuyển biến tích cực, dự kiến có 11/15 chỉ tiêu đạt vượt kế hoạch. Kết quả ba năm (2011-2013) cơ bản thực hiện được mục tiêu theo Nghị quyết Quốc hội là "tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý"; một số cân đối lớn của nền kinh tế đạt kết quả tích cực hơn. Tuy nhiên, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp; kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn và chưa thể tăng trưởng cao trong một đến hai năm tới.

Ủy viên Ðoàn thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Theo đó, dự thảo Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát trong năm 2014: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu kinh tế được dự thảo xác định: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% đến 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Các mục tiêu trên sẽ được Chính phủ quyết định các giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện để bảo đảm tính chủ động trong điều hành.

* Sáng 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 với 87,95% tổng số đại biểu tán thành.
Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 xác định: tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 782.700 tỷ đồng, mức bội chi ngân sách nhà nước là 242.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2014, dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh: Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cơ cấu lại thu, chi ngân sách, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Bội chi ngân sách chủ yếu được sử dụng cho đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá. Kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, giảm nợ đọng thuế.

Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân với 90,76% tổng số đại biểu tán thành.

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tăng số Phó thủ tướng Chính phủ với 87,75% tổng số đại biểu tán thành. Theo đó, số lượng Phó thủ tướng trong Chính phủ sẽ gồm có 5 người.

Sau khi QH biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó thủ tướng đối với ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh; đọc tờ trình miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam./.