Phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 12/11/2013, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh, Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu tại phiên Đối thoại. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa, Lãnh đạo Vụ Tổng hợp Kiểm toán Nhà nước đã tham dự Đối thoại này.


Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO từ năm 2006 và hiện nay đang tích cực đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và nhiều Hiệp định thương mại tự do khác. Chính vì vậy, Việt Nam nhận thức rõ ràng rằng phòng chống tham nhũng (PCTN) không chỉ là nhiệm vụ của Việt Nam, mà còn là yêu cầu của các nhà tài trợ và là một nội dung quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương. "Chúng tôi luôn xác định công tác PCTN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng" - Phó Thủ tướng khẳng định.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Pháp luật về PCTN của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan công quyền; các đơn vị cung cấp dịch vụ công; lực lượng vũ trang và những người có trách nhiệm quản lý phần vốn, tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp.
    
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Thanh Tra Chính phủ, VCCI, Đại sứ quán Vương quốc Anh, Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam đã lựa chọn chủ đề "Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư nhân trong công tác Phòng chống tham nhũng" cho Đối thoại lần này.

Doanh nghiệp luôn là nạn nhân của tham nhũng
Tại Đối thoại, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, lần đầu tiên tại Việt Nam, vấn đề tham nhũng và hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp được quan tâm một cách đầy đủ. Tham nhũng, hối lộ đã làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của doanh nghiệp, tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự cấu kết giữa doanh nghiệp với các công chức tha hoá sẽ hình thành những “nhóm lợi ích thân hữu” và có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình hình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, khi đó hậu quả càng thêm nghiêm trọng.

Đại sứ Vương Quốc Anh, ông Antony Stokes đánh giá cao những cố gắng của Việt Nam trong công tác PCTN. Tuy nhiên, để công tác PCTN được thành công phải nhận thức rằng trong nền kinh tế doanh nghiệp luôn là nạn nhân của tham nhũng và Chính phủ cần tạo đà cho các doanh nghiệp trong việc PCTN. Chính phủ và doanh nghiệp cần ngồi với nhau xem tới đây sẽ làm những gì, làm như thế nào trong công tác PCTN.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục PCTN – Thanh tra Chính phủ lại nhìn dưới góc độ tham nhũng vặt, đây là vấn đề lâu này bị xem nhẹ bởi số tiền hối lộ cho một lần không lớn. Tuy nhiên, đã là tham nhũng thì 1 đồng cũng là tham nhũng và chính tham nhũng vặt đang làm khổ doanh nghiệp hàng ngày. Tham nhũng vặt được hiểu là doanh nghiệp phải chi các khoản tiền hối lộ nhỏ để đối phó với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn của cán bộ công chức hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Theo kết quả nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ cho thấy, 37% doanh nghiệp được hỏi cho rằng tham nhũng vặt rất phổ biến, 43% đánh giá ở mức phổ biến, 17% cho rằng ít xảy ra. Đa số doanh nghiệp được hỏi cho rằng mình là nạn nhân của tham nhũng vặt với 58% đồng ý, 26% không đồng ý, 16% không ý kiến. Tuy nhiên, 70% doanh nghiệp cho rằng họ chủ động đưa hối lộ, đặc biệt là hối lộ vặt còn 30% là do cán bộ, công chức gợi ý.

Cùng chủ để nghiên cứu, ông James H.Anderson, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết thêm, chúng tôi đã tiến hành điều tra trên 1.000 doanh nghiệp ở Việt Nam và có 63% cho rằng cán bộ cố tình kéo dài thời gian, 58% cho rằng cố tình bắt lỗi doanh nghiệp để đòi hối lộ … Kết quả phản ứng của doanh nghiệp cũng đáng buồn khi khoảng 75 – 80% doanh nghiệp đã trả hối lộ ngay cả khi không bị yêu cầu, 63% doanh nghiệp cho rằng hối lộ tạo ra cơ chế bất thành văn để giải quyết công việc, 32% cho rằng “mở ví” là cách nhanh nhất để giải quyết công việc. Ông James H.Anderson nhấn mạnh, doanh nghiệp phải làm thế nào để tuân thủ, nắm chắc quy định thì sẽ không nhất thiết phải “mở ví” khi hưởng thụ các dịch vụ công.

Bà Victoria Kwakwa Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhìn nhận, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực trong việc tăng cường minh bạch thông tin hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên nguyên nhân gốc rễ vẫn chưa được đụng đến nên nhiều người dân Việt Nam vẫn cho rằng cuộc chiến PCTN đạt được kết quả như mong đợi. Tốt nhất chúng ta nên đi theo cách tiếp cận là phòng tham nhũng, đừng để nó xảy ra rồi mới đi chống, đặc biệt là hành động từ cơ quan Thuế, Hải Quan và công tác quản lý đấu thầu…

Đại diện Đại sứ quán Đan Mạch cho rằng, cơ chế thực thi trong PCTN mới là vấn đề quan trọng, do đó Chính phủ cần đưa ra một khung pháp lý chặt chẽ, nếu doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị phạt thật nặng. Đại diện Đại sứ quán Newzealand lại lưu ý, nếu không làm tốt công tác PCTN trong kinh doanh thì chính Việt Nam đang làm mất đi những cơ hội có được từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Cần mở rông Luật PCTN để bao quát cả khu vực tư nhân, đơn giản hóa mức độ tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan để tăng tính minh bạch trong hoạt động… Đại sứ Thụy Điển thì nhận xét, Việt Nam có một môi trường đầu tư lẽ ra rất là thu hút với nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhưng các doanh nghiệp nước ngoài đang ngần ngại khi chưa thấy một môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng.
    
Các báo cáo và quá trình thảo luận đã phác họa nhiều khía cạnh của thực trạng tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; đã phân tích nguyên nhân, đưa ra khuyến nghị, giải pháp khắc phục vấn nạn đó. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, vấn đề tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp được các cơ quan của Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận với nhiều góc nhìn xác đáng.
    
Từ những đối thoại được ghi nhận, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kết luận, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn không phải hoàn toàn do thị trường đem lại mà do tình trạng tham nhũng, hối lộ trong kinh doanh chưa được kiểm soát. Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều nổ lực tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả như người dân mong đợi nhưng Chính phủ sẽ kiên trì tiếp tục đấu tranh PCTN, đặc biệt  trong lĩnh vực kinh doanh để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bổ sung thêm, Nhà nước cần có chính sách ủng hộ các doanh nghiệp thực hiện liêm chính tốt như khi đấu thầu các dự án của Chính phủ cần có chính sách ưu tiên cho những doanh nghiệp đã tham gia liên minh liêm chính, đã có những hành động liêm chính…

Xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ
Tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số kiến nghị sau:
    
Thứ nhất, từ trước tới nay, nhận thức xã hội thường cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, doanh nghiệp phải đưa hối lộ vì sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trình bày tại Đối thoại này cho thấy điều đó đúng nhưng chưa đủ. Còn một thực tế khác, đó là nhiều doanh nghiệp thường chủ động thực hiện hành vi hối lộ nhằm đạt được những lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh trên thương trường hoặc để trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi có sai phạm.

Vì thế, để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, một mặt cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ; mặt khác phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý hành vi đưa hối lộ, đặc biệt cần nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành “nhóm lợi ích”.
    
Thứ hai, trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, sự thành công và bản sắc văn hóa của mỗi doanh nghiệp góp phần tạo nên sức mạnh và hình ảnh của quốc gia. Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa dài, hầu hết các doanh nghiệp dân doanh đều có quy mô nhỏ; kiến thức quản trị, quy trình kiểm soát nội bộ và việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó việc thực hiện nguyên tắc Liêm chính chưa được chú ý đúng mức.
    
Thứ ba, thực hiện Liêm chính trong kinh doanh là việc cần thiết, nhưng nếu chỉ một vài doanh nghiệp hành động đơn lẻ thì sẽ rất khó thành công, vì họ có thể bị phân biệt đối xử, có thể mất cơ hội kinh doanh do các doanh nghiệp khác có được lợi thế cạnh tranh không chính đáng. Ngoài ra, những doanh nghiệp nhỏ còn thêm khó khăn về nguồn lực, kinh nghiệm quản trị.
    
Thứ tư, các doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp thông tin, chủ động phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Việc các doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động tố cáo hành vi tham nhũng sẽ góp phần quan trọng cùng các cơ quan chuyên trách đóng góp vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
    
Bên cạnh đó là cần phải có cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật chặt chẽ, minh bạch để hành vi tham nhũng khó có thể phát sinh và tồn tại. Đây là việc đòi hỏi các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương cần tập trung tham mưu, đề xuất với Chính phủ để ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng nhằm hạn chế tối đa các kẽ hở, tạo môi trường cho tham nhũng.

K.Lý - K.Vy