Thưa ông, tại kỳ họp này, vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra là cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, thu chi NSNN. Theo ông, hoạt động của KTNN, với vai trò là công cụ giám sát tài chính công, cần phải được chú trọng, tăng cường như thế nào trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay?
- Có thể khẳng định rằng, kể cả lúc thuận lợi hay khó khăn thì vấn đề kỷ luật tài chính vẫn là quy tắc hàng đầu. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay thì vấn đề kỷ luật tài chính càng phải được nêu cao hơn.
Riêng đối với hoạt động kiểm toán, thời gian vừa qua chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động của KTNN. Thông qua các cuộc kiểm toán, KTNN đã chỉ ra được nhiều vi phạm, chưa tuân thủ pháp luật của rất nhiều đối tượng từ chi tiêu đến quản lý ngân sách, thu thuế, phí… Trong báo cáo thẩm tra về NSNN của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình Quốc hội, chúng tôi cũng dựa rất nhiều vào các thông tin, số liệu do KTNN cung cấp.
Hiện nay, KTNN đang đi theo hướng là thực hiện kiểm toán tài chính, nhằm xác định tính đúng đắn trong quản lý, sử dụng NSNN, đồng thời thực hiện kiểm toán tuân thủ để đánh giá việc chấp hành, tuân thủ các chính sách, chế độ có đúng hay không. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng kiểm toán thì hoạt động kiểm toán cần phải nâng tầm hơn nữa. Đó là tiến hành kiểm toán hoạt động - xu thế chung mà KTNN cần hướng tới. Vì kiểm toán hoạt động là kiểm toán để đánh giá hiệu quả đầu tư, chi tiêu.Thực tế, thời gian vừa qua, rất nhiều khi khoản chi tiêu không sai về chế độ, chính sách nhưng không mang lại hiệu quả.Trong trường hợp này, không ai khác mà chính KTNN phải là cơ quan giúp cho Quốc hội đánh giá đúng được hiệu quả đầu tư, hiệu quả chi tiêu như thế nào.
Thời gian qua, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã đưa ra nhiều kết luận, kiến nghị nhằm chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng NSNN tại các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, có một thực tế là việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN tại nhiều nơi chưa nghiêm túc, chưa đạt yêu cầu đề ra, làm ảnh hưởng đến kỷ luật tài chính. Theo ông, cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
- Đúng là trong thời gian vừa qua có một thực tế là việc thực hiện các kết luận kiến nghị của KTNN chỉ đạt từ 70 đến 75%. Điều này do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do các cơ quan, đơn vị được kiểm toán có sai phạm chưa nghiêm túc thực hiện. Thứ hai là do các cơ quan, đơn vị chưa đủ thời gian để thực hiện các kiến nghị, kết luận đó; nhất là những kiến nghị liên quan đến việc chi tiêu sai phải thu hồi nộp NSNN thì phải có thời gian thực hiện. Thứ ba nữa là do các kiến nghị, kết luận của KTNN chưa nhận được sự đồng thuận của đơn vị được kiểm toán nên họ chưa thực hiện. Tuy nhiên, theo tôi đã là quy định của pháp luật, pháp luật đã giao trách nhiệm cho KTNN thì KTNN phải nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị của mình đồng thời các cơ quan, đơn vị đã có kết luận kiểm toán thì phải tuân thủ nghiêm túc.
Có ý kiến cho rằng, Quốc hội cần ra Nghị quyết về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Hiện Ủy ban Tài chính - Ngân sách đang chuẩn bị một cuộc giám sát về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau kiểm toán. Qua kết quả giám sát này sẽ đưa ra những kiến nghị. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng, Quốc hội không thể mỗi năm ra một Nghị quyết về vấn đề này. Tôi cho rằng phải tính đến chuyện đưa vào Luật và khi không tuân thủ thì sẽ có chế tài xử lý nghiêm, đặc biệt là chế tài xử lý đối với người đứng đầu để nâng cao trách nhiệm thực hiện kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN. Vì vậy, chúng ta phải quan tâm đến vấn đề này trong quá trình sửa đổi hệ hống pháp luật, đặc biệt là việc sửa Luật KTNN.
Xin cảm ơn ông!