Theo báo cáo của Chính phủ, tổng kinh phí huy động thực hiện các CTMTQG trong 3 năm là khoảng 92.677 tỷ đồng, bằng 3,5% tổng chi NSNN giai đoạn 2011-2013 và chỉ bằng 33,5% kế hoạch cả giai đoạn 2011-2015. Trong đó, ngân sách T.Ư khoảng 51.342 tỷ đồng, chiếm 55,4%; ngân sách địa phương khoảng 24.626 tỷ đồng, chiếm 26,6%.
Bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về kết quả sau 3 năm thực hiện các CTMTQG theo Nghị quyết số 13/2011/QH13 ngày 09/11/2011 của Quốc hội về CTMTQG giai đoạn 2011 - 2015, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, đã có những tác động tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... Nổi bật trong đó là các chương trình về giảm nghèo bền vững, kiên cố hóa trường lớp học, kiên cố trạm y tế, giao thông nông thôn... đã được ưu tiên tập trung mọi nguồn lực. Nhờ đó, cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số có bước cải thiện. Đặc biệt, Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, các ngành và địa phương tích cực triển khai đạt kết quả bước đầu, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các CTMTQG vẫn tồn tại nhiều hạn chế, một số chương trình chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) chỉ ra rằng, cơ chế quản lý chỉ đạo, điều hành các CTMTQG vẫn còn tình trạng chia cắt trong chỉ đạo từ cấp T.Ư, gây khó khăn cho địa phương trong việc lồng ghép nguồn lực thực hiện các mục tiêu. Cho đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành được quyết định sửa đổi Quy chế quản lý điều hành theo hướng phân cấp cho chính quyền địa phương. Đặc biệt, tình trạng các CTMTQG có quá nhiều dự án, có dự án trùng kinh phí với chi sự nghiệp của các Bộ, ngành và địa phương; chi cho sự nghiệp quá lớn trong khi chi trực tiếp cho người thụ hưởng còn quá ít, dẫn đến tỷ lệ các chương trình đạt thấp. Hầu như toàn bộ 16 CTMTQG đến năm 2015 có thể không hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho biết, dự kiến cơ cấu chi năm 2014 là 14.470 tỷ đồng, trong đó chi cho sự nghiệp chiếm 56,84%, đầu tư phát triển chỉ chiếm 43,16%. Như vậy, cần phải rà soát lại một cách chặt chẽ phần chi sự nghiệp để bổ sung vào phần chi phát triển nhằm đảm bảo tính hiệu quả của CTMTQG. Tương tự, đối với thủ tục thẩm định, phê duyệt, thông báo vốn cho các chương trình, các đại biểu đề nghị cần phải được rút ngắn để đảm bảo thời gian thực hiện, tạo sự chủ động cho các địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện các chương trình.
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) chỉ ra rằng, bên cạnh cơ cấu chi bất hợp lý, hiện nay nhiều CTMTQG xây dựng các mục tiêu, định hướng quá lớn trong khi nguồn vốn bố trí cho các chương trình còn thấp. Theo báo cáo của Chính phủ, hầu hết các CTMTQG mới đáp ứng được từ 20% đến 30% nguồn vốn được phê duyệt. Nhiều địa phương ở các tỉnh miền núi, vùng biên giới, hải đảo chưa có khả năng tự cân đối nên ngân sách địa phương tham gia vào CTMTQG còn thấp, khả năng huy động nguồn vốn xã hội từ doanh nghiệp và nhân dân tham gia đóng góp hỗ trợ để thực hiện các chương trình còn hạn chế.
Đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) cho rằng, hiện nay có quá nhiều chương trình nên địa phương khó tập trung chỉ đạo. Mặt khác, hầu hết các chương trình đều kéo dài, dàn trải và trùng lặp dẫn tới hiệu quả thấp do cơ chế quản lý, điều hành các chương trình có quá nhiều thủ tục, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành. Đặc biệt, các nguồn lực để đảm bảo thực hiện các CTMTQG, nhất là kinh phí hỗ trợ trực tiếp mà T.Ư phân bổ cho các địa phương còn rất hạn hẹp, không đạt tỷ lệ quy định.
Trên cơ sở phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng cần tiếp tục thực hiện 16 CTMTQG như Nghị quyết của Quốc hội, song cần thu hẹp mục tiêu để tập trung vốn cho các mục tiêu quan trọng như giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, môi trường, biến đổi khí hậu... Đặc biệt, những dự án không thiết thực, những mục chi không cần thiết phải kiên quyết cắt giảm. Cùng với đó, cần đổi mới cơ chế phân bổ vốn và cơ chế chi tiêu cho hợp lý hơn; phân cấp cho địa phương chủ động thực hiện và có cơ chế lồng ghép các chương trình nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Báo Kiểm toán số 45/2013