Tọa đàm góp ý kiến về Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi

Hôm nay (7/11), Kiểm toán Nhà nước tổ chức Tọa đàm trực tuyến cho ý kiến về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi. Tham dự buổi tọa đàm có các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Cao Tấn Khổng, Lê Hoàng Quân và toàn thể công chức lãnh đạo từ cấp phòng trở lên thuộc các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước.


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước  - Trưởng ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước về việc tổ chức tọa đàm trong toàn ngành đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước đã nghiêm túc nghiên cứu và tham gia nhiều ý kiến thiết thực vào toàn văn dự thảo, trong đó tập trung cho ý kiến về một số nội dung còn nhiều quan điểm khác nhau như: Giải thích thuật ngữ; Các nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước (Kiểm toán dự toán NSNN, kiểm toán nợ công, kiểm toán thuế); Chức danh Kiểm toán viên; Nội dung kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động; Quy trình lập và gửi báo cáo kiểm toán của Tổ kiểm toán; Vấn đề kiểm soát chất lượng kiểm toán; Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động Kiểm toán nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật về Kiểm toán Nhà nước.

Trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra bàn thảo tại buổi Tọa đàm, các đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về việc quy định hay không quy định loại báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, bởi theo một số đại biểu, có sự trùng lắp về mặt nội dung giữa báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN; trên thực tế, báo cáo kiểm toán năm đã bao gồm phần báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN. Về thời gian phát hành báo cáo kiểm toán, một số đại biểu cho rằng đối với những cuộc kiểm toán quy mô lớn, nội dung báo cáo mang tính chất phức tạp thì cần nghiên cứu mở rộng thời hạn phát hành báo cáo dài hơn so với quy định hiện hành.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng kiểm toán, qua ý kiến của các đại biểu cho thấy, Luật sửa đổi cần quy định cụ thể trách nhiệm của Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán trưởng và Trưởng đoàn kiểm toán đối với vấn đề này. Theo các đại biểu, hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán bao gồm nhiều cấp khác nhau không chỉ là kiểm soát trong phạm vi từng cuộc kiểm toán mà là kiểm soát toàn bộ hoạt động kiểm toán từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán năm cho đến phát hành báo cáo kiểm toán năm. Trên cơ sở nghiên cứu các văn bản về quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán hiện nay, một số đại biểu đề xuất bổ sung 2 điều khái quát vào dự thảo Luật KTNN sửa đổi: Kiểm toán Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống kiểm soát chất lượng, các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng cho từng cuộc kiểm toán; Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị là quy định trách nhiệm quyền hạn của Kiểm toán trưởng và Trưởng đoàn kiểm toán. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi Luật theo hướng tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán trưởng trong việc giám sát quản lý hoạt động kiểm toán bởi theo quy định hiện hành thì vai trò của Kiểm toán trưởng còn khá mờ nhạt. Phần lớn các ý kiến tán thành với quy định Trưởng đoàn kiểm toán cần thực hiện chế độ báo cáo chặt chẽ với Kiểm toán trưởng trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Cũng theo một số đại biểu, Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi cần bổ sung điều khoản quy định cụ thể về vấn đề đạo đức nghề nghiệp kiểm toán viên, vấn đề công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước…

Với tinh thần khẩn trương nghiêm túc, buổi tọa đàm đã thu nhận được 24 ý kiến góp ý của các đơn vị về các nội dung dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, một số ý kiến tham gia thể hiện sự phân tích đánh giá sâu sắc, có giá trị thiết thực, là cơ sở để Ban soạn thảo định hướng hoàn thiện Luật KTNN đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân bày tỏ nhất trí với ý kiến của các đại biểu và cho rằng: để có cơ sở thống nhất chung về quan điểm định hướng sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước, Ban soạn thảo cần xây dựng bản thuyết minh kèm theo dự thảo trong đó nêu rõ sự cần thiết, tính tất yếu của việc sửa đổi, các nội dung sửa đổi và lý do tại sao phải sửa đổi. Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước phải bám sát thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, các chuẩn mực kiểm toán quốc tế; phù hợp Hiến pháp, Luật Ngân sách Nhà nước và một số luật khác có liên quan như Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… bởi các luật này chi phối rất nhiều đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Đây là lần đầu tiên Ban soạn thảo đưa dự thảo sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước ra toàn ngành để thảo luận lấy ý kiến tập thể, là cơ sở cần thiết cho việc triển khai các hoạt động tiếp theo.

Đánh giá cao ý kiến trao đổi thảo luận trực tiếp tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng chỉ đạo Ban biên soạn Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi tiếp thu nghiêm túc các ý kiến, đồng thời yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước tạo điều kiện cho cán bộ công chức của đơn vi tham gia ý kiến bằng văn bản gửi bộ phận thường trực Ban soạn thảo trước ngày 18/11/2013. Trong thời gian này, thường trực Ban biên soạn sẽ gửi các đơn vị bản thuyết minh để các đơn vị nghiên cứu./.

Hà Linh