Trong tháng 10/2013 và 10 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, các nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ.
Trong tháng 10, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng thể chế, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết pháp luật và lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực. Đã lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách; gia hạn vay vốn một số mặt hàng nông sản xuất khẩu; tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa nước; hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, khắc phục hậu quả bão lụt, đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Phê duyệt Đề án "Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020". Ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, quản lý phát triển nhà, hải quan. Yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động tạm nhập tái xuất đường, kiểm tra việc đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G, phòng chống và khắc phục hậu quả cháy nổ, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật trong tìm kiếm hài cốt liệt sỹ…
Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tăng thấp
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 10/2013 tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện. Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng nhẹ 0,49%, 10 tháng tăng 5,14%, là mức tăng thấp trong 10 năm qua, bình quân 10 tháng tăng 6,74%.
Dư nợ tín dụng đến 23/10 ước tăng 6,48%. Mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định. Hiện nay, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 7% -9%/năm; đối với các lĩnh vực SXKD khác từ 9-11,5%/năm (ngắn hạn) và 11,5% - 13%/năm (trung hạn và dài hạn). Những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh được vay với lãi suất từ 6,5% - 7%/năm.
Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá cao, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 108,16 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012; nhập khẩu ước đạt 108,16 tỷ USD, tăng 15,2%. Nhập siêu khoảng 187 triệu USD, bằng 0,17% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng; 10 tháng vốn đăng ký ước đạt trên 19,23 tỷ USD, tăng 65,6%; vốn thực hiện ước đạt 9,58 tỷ USD, tăng 6,4%. Giải ngân vốn ODA 10 tháng ước đạt 3,58 tỷ USD.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) khó khăn, đến 15/10 ước đạt 70,1% dự toán; chi NSNN đạt 73,5% dự toán.
Sản xuất tiếp tục phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,9%; 10 tháng tăng 5,4%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tuy chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, nhưng vẫn ổn định. Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng tăng 2,7% so với cùng kỳ. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,6% (loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,5%). Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 6,12 triệu lượt, tăng 10,4%.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 10 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ; có khoảng 11,75 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, tích cực hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; tăng mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công; trợ giúp xã hội; thực hiện các giải pháp, chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững... Tạo việc làm cho khoảng 1,27 triệu người, đạt 79,2% kế hoạch năm.
Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tích cực thực hiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được tăng cường.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế như: phục hồi chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô có cải thiện nhưng chưa vững chắc; dư nợ tín dụng tăng chậm; nợ xấu còn cao. Sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn; khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế. Tổng cầu và sức mua còn yếu. Thu ngân sách đạt thấp. Đời sống đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Tình hình tai nạn giao thông, cháy nổ và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư xã hội
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2013 đặt ra trước mắt Chính phủ hết sức nặng nề, phải phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp đã đề ra; tiếp tục kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh lạm phát không còn là vấn đề nóng, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 7% cho cả năm 2013 là khả thi, song không được chủ quan, lơ là, nhất là vào 2 tháng cuối năm 2013, vì thời điểm này có thể xảy ra những yếu tố gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần hết sức lưu ý đến công tác thu chi ngân sách, tăng cường các giải pháp chống thất thu, tiết kiệm chi; phấn đấu đạt mục tiêu về kế hoạch thu chi ngân sách, bảo đảm cân đối ngân sách. Cần lập và triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa cho dịp cuối năm, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán, đi đôi với việc kiểm soát tốt giá cả thị trường, kiểm soát chặt chẽ buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm hành vi đầu cơ tăng giá bất hợp lý.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo điều hành quyết liệt, phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, tạo đà cho năm 2014 – 2015. Kiên trì, nhất quán, không chủ quan trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư xã hội, tăng dư nợ tín dụng, xử lý nợ xấu. Phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 5,4%. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,4% có ý nghĩa hết sức quan trọng trong năm bản lề 2013, từ mục tiêu này, sẽ tạo cơ sở, tiền đề để đạt được tăng trưởng cao hơn trong năm 2014 và những năm tiếp theo”.
Bộ Tài chính, các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt, làm tốt nhiệm vụ thu ngân sách, phấn đấu đạt kế hoạch; chống thất thu, nợ đọng, gian lận thuế, đặc biệt là hoàn thuế VAT, đồng thời triệt để tiết kiệm chi, rà soát, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết.
Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết. Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển giáo dục – đào tạo, tạo việc làm, khắc phục hậu quả thiên tai, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm... Tích cực chỉ đạo thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, trong đó lưu ý mục tiêu về phòng chống HIV/AIDS và bảo đảm nước hợp vệ sinh cho khu vực nông thôn.
Không chủ quan, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Tăng cường phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, băng nhóm kiểu xã hội đen, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Biểu dương các lực lượng quân đội, công an, bộ, ngành, địa phương vừa qua đã chủ động phòng tránh hai cơn bão số 10, 11, làm tốt công tác sơ tán dân, giảm thấp nhất thiệt hại, cần tiếp tục phát huy; trước mắt tập trung hỗ trợ khắc phục hậu quả, nhất là về nhà ở, lương thực và khôi phục sản xuất. Rà soát, có biện pháp bảo đảm an toàn hồ chứa, chú trọng các hồ có nguy cơ mất an toàn cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ trưởng các Bộ phải quan tâm chỉ đạo công tác soạn thảo, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thực hiện pháp luật; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, bảo đảm hoàn thành về số lượng và nâng cao chất lượng. Phấn đấu từ nay đến cuối năm cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản nợ đọng.
Các bộ, ngành chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch năm 2014 theo hướng cải cách nội dung, giảm hội họp, bảo đảm thực chất, tránh hình thức và triệt để tiết kiệm. Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về việc tiết kiệm chi, nhất là chi hành chính, hội, họp, tiếp khách, công tác nước ngoài... Kiểm soát chặt chẽ biên chế trong các cơ quan nhà nước, nhất là các đơn vị sự nghiệp công. Thúc đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, có kết quả cụ thể. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.
Các bộ, cơ quan phải chủ động thông tin kịp thời, khách quan về cơ chế, chính sách, chỉ đạo điều hành, tình hình kinh tế xã hội của đất nước, của ngành, địa phương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông để phản hồi, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật; góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ trưởng chủ động phát biểu trong các phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII để cung cấp thông tin, chính sách, giải pháp đối với các vấn đề Quốc hội quan tâm; chuẩn bị tốt việc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội cả bằng văn bản và trực tiếp tại hội trường./.
Ảnh: Internet