Theo Dự thảo Kế hoạch xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực KTNN (CMKTNN), trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), KTNN Việt Nam đã tham gia vào các tổ chức nghề nghiệp quốc tế (INTOSAI) và khu vực (ASOSAI) do đó, việc hài hoà hoá các chuẩn mực kiểm toán để nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả và hiệu lực trong hoạt động của KTNN, góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của KTNN trong nước, khu vực và quốc tế là hết sức cần thiết. Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, đây là thời điểm thích hợp cho KTNN nhìn nhận lại một cách toàn diện các hoạt động chuyên môn để có thể đánh giá mức độ chuyên nghiệp trong hoạt động so với các cơ quan kiểm toán tối cao khác trên thế giới…
Hệ thống CMKTNN hiện hành được ban hành từ năm 2010, bao gồm 21 chuẩn mực, được chia thành ba loại: Chuẩn mực chung, Chuẩn mực thực hành và Chuẩn mực báo cáo. Nhìn chung, hệ thống Chuẩn mực này được xây dựng dựa trên cấp độ 3 trong hệ thống phân cấp chính thức của INTOSAI, bao gồm “các nguyên tắc kiểm toán cơ bản” làm nền tảng cho tính độc lập, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán của các cơ quan kiểm toán công. Tuy nhiên, do xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, nhằm có cơ sở hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các Kiểm toán viên trong điều kiện chưa xây dựng được hệ thống văn bản hướng dẫn CMKT (tương đương CMKT cấp độ 4 của INTOSAI) nên nội dung hệ thống CMKTNN ban hành năm 2010 được xây dựng chi tiết và rộng hơn so với CMKT cấp độ 3 của INTOSAI theo hướng vận dụng một phần của các CMKT cấp độ 4, đặc biệt là đối với các CMKT thực hành. Như vậy,so sánh với hệ thống CMKT các cấp độ của INTOSAI, hệ thống CMKTNN Việt Nam còn một khoảng cách nhất định.
Dự thảo Kế hoạch xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực KTNN đã đưa ra cụ thể những nguyên tắc xây dựng và ban hành hệ thống CMKTNN, những danh mục CMKTNN cần xây dựng và ban hành; Kế hoạch xây dựng và hoàn thiện hệ thống CMKT.
Tại buổi họp, các đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực KTNN trong thời điểm này là hết sức quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về các nội dung trong Dự thảo như: Nguyên tắc xây dựng, danh mục dự thảo, hình thức chuẩn mực, lộ trình thực hiện… đồng thời nêu lên những kinh nghiệm hết sức quý báu đóng góp cho Tổ soạn thảo trong quá trình xây dựng và ban hành hệ thống CMKTNN.
Phát biểu kết luận buổi họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên – Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng và ban hành hệ thống CMKTNN bày tỏ lòng cảm ơn các thành viên trong Ban Chỉ đạo đã đóng góp những ý kiến hết sức quý giá để xây dựng hệ thống CMKTNN. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước thống nhất xây dựng chuẩn mực riêng cho 3 loại hình kiểm toán: kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động. Về nguyên tắc xây dựng các chuẩn mực, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: cần tuân thủ tối đa các nội dung của chuẩn mực ISSAIs nếu các chuẩn mực đó phù hợp với hoạt động của KTNN, phù hợp với đặc thù, cơ chế quản lý của Việt Nam. Những chuẩn mực ISSAIs không có, nhưng lại cần thiết cho KTNN Việt Nam, cần nghiên cứu cụ thể để lập thành những quy định riêng. Cần cụ thể thêm về phương pháp thực hiện như chia nhóm, dịch, hiệu đính, đặc biệt là thống nhất các thuật ngữ trong các Chuẩn mực, tổ chức hội thảo… Đồng thời có thể mời thêm chuyên gia của Big Four và các SAI có kinh nghiệm để tham dự một phần hoặc toàn phần với cuộc làm việc của các nhóm…
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo bộ phận thường trực tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự buổi họp, tiếp tục nghiên cứu, sớm hoàn thiện Dự thảo để trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành./.