Xây dựng mô hình thoát nghèo từ 135
Là huyện duy nhất của tỉnh Hòa Bình không có quốc lộ chạy qua, Đà Bắc từ lâu được biết đến là huyện vùng sâu, vùng xa có nhiều xã còn trong danh sách hưởng hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, trong đó có Chương trình 135. Nhờ được thụ hưởng chương trình, không ít xã đã từng bước chuyển mình vươn lên thoát đói nghèo. Những mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao, những gương làm kinh tế giỏi đã lần đầu tiên xuất hiện tại địa bàn vùng cao vốn quen với cái đói triền miên. Kết quả kiểm toán vừa qua đã ghi nhận hiệu quả việc hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) đã đầu tư cho các hộ gia đình về giống cây trồng, vật nuôi và phân bón để giảm bớt khó khăn trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
Trong hành trình, chúng tôi có cơ hội hiểu hơn về câu chuyện thoát nghèo nhờ 135 tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc với mô hình nông - lâm kết hợp với nghề nuôi cá lồng.
Đặc thù là một xã sông nước, với lợi thế có gần 1.000 hécta diện tích mặt nước của lòng hồ sông Đà chạy dài qua các xóm Ké, xóm Mơ và xóm Doi, Hiền Lương đã mạnh dạn đưa vào mô hình nuôi cá lồng trên sông bằng nguồn vốn 135 được cấp trong giai đoạn I. Theo ông Xa Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hiền Lương, cách làm trên rất có hiệu quả, khi chi phí bỏ ra không lớn, kỹ thuật không phức tạp mà sớm cho kết quả. “Ban đầu, một số hộ nuôi tự phát, sau thấy hiệu quả, bà con được khuyến khích nhân rộng mô hình. Đến nay, hầu như nhà ai cũng có lồng cá, nhà nhiều nhất lên tới 8-10 lồng” - ông Chính cho biết.
Theo ông Chính, toàn bộ con giống, thuốc chữa và kỹ thuật nuôi được Trạm Khuyến nông huyện và cán bộ địa phương hỗ trợ nên người dân an tâm và tập trung sản xuất.
Ghé thăm một trang trại nông - lâm - ngư kết hợp của gia đình bà Đinh Thị Lài, dân tộc Mường ở xóm Doi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cơ khang trang của bà. Diện tích đất gần 3 hécta được bà Lài phân bố sản xuất hợp lí: trên đồi, núi phủ kín keo lai; nơi đất bằng trồng ngô, lúa và khu vực gần sông, ao được gia đình bà tận dụng thả cá. Ngày chúng tôi đến, gia đình bà Lài đang thu hoạch mẻ cá thả ao đầu tiên. Nhìn thành quả lao động nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của chính bản thân, bà Lài không khỏi xúc động: “Bán lứa cá này, chắc cũng thu được ngót 40 triệu đồng, mình sẽ dùng tiền đó để mua sách vở cho con và đầu tư vào sản xuất. Ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm!”. Đó là chưa kể gần chục lồng cá cũng chuẩn bị cho thu hoạch. Theo ước tính, với gần 20 tạ cá, trừ chi phí thì bà Lài cũng lãi được 100 triệu đồng.
Theo ông Chính, xã Hiền Lương đang phát triển phong trào nuôi cá, đặc biệt là cá lồng, bước đầu hình thành vùng nuôi cá lồng tập trung mang tính hàng hóa. Hiền Lương hiện có hàng trăm hécta mặt nước để nuôi trồng thủy sản, trong đó có gần 60 lồng cá các loại, chủ yếu là cá tầm, cá trắm cho giá trị kinh tế cao. Tổng sản lượng khai thác, đánh bắt cá trên mặt hồ của xã năm 2012 đạt hơn 300 tấn. Gần đây, phong trào nuôi cá lồng cũng được nhân rộng ra các xã dọc vùng lòng hồ như Vầy Nưa, Tiền Phong.
Tới Đà Bắc bây giờ, những mô hình thoát nghèo như nuôi cá ở Hiền Lương không còn là hiếm, khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã cộng hưởng với quyết tâm vượt khó làm giàu của người dân. Điển hình như mô hình nuôi lợn của gia đình anh Khương Mạnh Thu ở xã Cao Sơn cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm; mô hình trồng cây keo lai, nuôi nhím của gia đình thương binh Nguyễn Viết Nga ở thị trấn Đà Bắc không chỉ đem lại doanh thu cả trăm triệu đồng mỗi năm mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động; mô hình chăn nuôi bò kết hợp với trồng ngô của gia đình anh Bàn Văn Lung ở xã Đồng Nghê...
Chuyện chỉ nghĩ đến trong mơ đã thành hiện thực
“Nhờ hỗ trợ của Nhà nước, người dân không chỉ thoát cảnh sống nay đây, mai đó mà còn có điều kiện để phát triển kinh tế” - ông Xa Hữu Ban - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đà Bắc phấn khởi nói với chúng tôi về cuộc sống của những hộ dân khu tái định cư (TĐC) Suối Kẻ ở xã Tú Lý trong huyện - nơi tập trung gần 30 hộ dân vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn ven lòng hồ sông Đà. Theo ông Ban, thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010, từ năm 2009, Chi cục ĐCĐC tỉnh Hòa Bình đã thực hiện quy hoạch giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng khu TĐC Suối Kẻ có diện tích 27 hécta với tổng mức đầu tư là 18 tỷ đồng. Sau 4 năm tích cực triển khai và hoàn thiện, gần 30 hộ dân đầu tiên của xóm Nhạp (xã Đồng Ruộng), xã Cao Sơn, xã Đồng Nghê đã được chuyển về khu TĐC này. Ngoài tiền hỗ trợ chuyển nhà, mỗi hộ được cấp 4.000 m2 đất, trong đó 1.500 m2 đất trồng lúa; hệ thống 1,3 km kênh mương dẫn nước được kiên cố để chủ động nguồn nước tưới, giúp người dân ổn định sản xuất.
Dẫn chúng tôi vào khu TĐC, chính ông Ban cũng không giấu nổi xúc động trước hiện thực bày ra. Những con đường bê tông trải dài, những đám trẻ nô đùa vui chơi ríu rít - những cảnh mà trước đây lãnh đạo địa phương chỉ dám nghĩ đến trong mơ. Còn với ông Hà Văn Đức, người dân tộc Tày ở xã Đồng Ruộng, thì niềm mơ ước mà ông chưa một lần dám nghĩ, nay đã hiển hiện. Ông nói với giọng sung sướng: “Vui lắm cán bộ ạ, tôi tưởng hết đời này phải sống cảnh cô lập giữa núi rừng, nhưng giờ thì hiện đại rồi, không lo bị đói nữa đâu”.
Không còn cảnh sống lay lắt trên những sườn đồi hay nấp sâu trong núi, nhiều gia đình qua mấy thế hệ sống du canh, du cư (DCDC) nay đã đàng hoàng xây dựng cuộc sống mới với sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo ông Ban, thời gian đầu chuyển đến, nhiều người dân cũng còn bỡ ngỡ và sống chưa quen, nhưng nhờ có lãnh đạo địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên người dân cũng hiểu và hòa nhập. Nếu như trước đó, người dân ở Đồng Ruộng, Đồng Nghê vẫn quen với cuộc sống DCDC lấy nương rẫy làm nơi sản xuất chính và sống dựa vào tự nhiên (dùng nước suối, thắp sáng từ lửa), cuộc sống vô vàn khó khăn thì đến nơi ở mới, người dân được hỗ trợ, từ tiền mắc điện, làm bể nước, hỗ trợ lương thực 6 tháng đầu đến hỗ trợ tư vấn sản xuất.
Không chỉ chú trọng xây dựng đời sống kinh tế, các ngành chức năng còn quan tâm thiết thực đến việc chăm lo học học hành cho trẻ, nâng cao đời sống văn hóa trong khu dân cư. Nếu như trước đây, học sinh ở xã Đồng Nghê phải đến trường trong điều kiện xa nhà, phải vượt đường núi nguy hiểm và học trong môi trường thiếu thốn, thì nay đến khu TĐC, dù chưa có điều kiện để xây trường, nhưng địa phương đã cất tạm khu lớp học bằng gỗ khá chắc chắn và đủ đồ dùng học tập thiết yếu. Kết quả kiểm toán Chương trình 135 vừa qua cũng ghi nhận, kinh phí hỗ trợ cho học sinh con hộ nghèo đã giảm bớt khó khăn và tạo động lực cho các em yên tâm đến trường. Em Xa Văn Đoàn, người dân tộc Dao ở Đông Nghê chia sẻ: “Em sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng thầy cô và lớn lên làm nhiều việc có ích”.
Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, tỉnh Hòa Bình đã tập trung ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn này, 94 thôn, bản thuộc 39 xã trên 11 huyện, thành phố trong tỉnh đã được hỗ trợ với tổng mức đầu tư 506,4 tỷ đồng. Kết thúc Chương trình, 11/39 xã hoàn thành mục tiêu; các xã thuộc Chương trình 135 cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh từ 31,31% (năm 2006) xuống còn 13,87% (năm 2010). Từ nay đến năm 2015, tỉnh Hòa Bình phấn đấu mỗi năm giảm bình quân 3% số hộ nghèo (tương đương với 7.000 hộ thoát nghèo).
Theo đánh giá của KTNN, Chương trình 135 qua hai giai đoạn thực hiện đã góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi; giảm tỷ lệ nghèo, cải thiện rõ rệt đời sống của đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Chương trình được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao việc thực hiện chiến lược xoá đói, giảm nghèo và phát triển bền vững. Những điều mà chúng tôi “mắt thấy, tai nghe” ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình là minh chứng rõ ràng cho sự đánh giá ấy!/.
Theo Báo Kiểm toán số 24