Có đường, có điện nhưng vẫn chưa thoát đói, nghèo
Theo lời giới thiệu của ông Chủ tịch UBND xã Hiền Lương Xa Văn Chính, tôi đã hình dung về một Hiền Lương đẹp như tranh vẽ, với cảnh núi non trùng điệp, thấp thoáng là những mái nhà tái định cư nằm trải dài theo lòng hồ thủy điện sông Đà. Dẫn chúng tôi đi, ông Chủ tịch xã không ngừng xuýt xoa về con đường bê tông hóa dưới chân, nơi mà cách đây chưa đầy 5 năm, không ít người phải bỏ mạng oan uổng. Theo ông Chính, đây là con đường độc đạo dẫn qua thôn Ké tới trung tâm xã, chỉ rộng chưa đầy 1,5m, nhưng hai bên đường đều là “cửa chết”, với một bên là dốc đứng, đất đá lởm chởm và chỉ một trận mưa to cũng có thể sạt lở, lấp đường; một bên kia là vực thẳm sâu hun hút… Nhờ có Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135), con đường đã đổi khác. “Giờ đường đẹp hơn rồi, chứ hồi đó, trời mưa mà đi qua đường này thì không khác đi trong sân trượt pa-tanh, mà cái sân này không có gờ chắn, chỉ sơ sẩy là trượt xuống vực đá thôi” - ông Chính nhớ lại.
Trong mạch chuyện, vị Chủ tịch xã cho chúng tôi hay, Hiền Lương đã thay da đổi thịt rất nhiều, nhưng vẫn chưa thể thoát nghèo được. Theo ông Chính, toàn xã có gần 500 hộ thì đã có tới gần 200 hộ nghèo, 120 hộ cận nghèo. “Nếu theo tiêu chí mới, thì hộ nghèo chỉ còn 36,8% thôi anh ạ” - ông Chính nhận định. Cũng theo lời vị Chủ tịch xã, nguyên nhân đưa đến sự nghèo trên là do người dân thiếu đất sản xuất, hoặc nhiều diện tích đất đã bạc màu song không có điều kiện cải tạo, dẫn đến cảnh người dân phải đi thuê đất, hoặc đi làm thuê để mưu sinh. Toàn xã hiện còn khoảng 200 hécta đất sản xuất, chia cho gần 500 hộ. Đa số là đất đồi cằn cỗi, chủ yếu để trồng luồng, trồng keo. Xã cũng đã đề xuất tỉnh bố trí thêm vùng đất mới để tái định cư cho dân, ổn định đời sống và sản xuất nhưng chưa có kết quả.
Ghé thăm nhà chị Xa Thị Chu, một gia đình thuộc diện mới thoát nghèo của xã Hiền Lương, chúng tôi mới thấy hết được sự thiếu thốn, chật vật đủ bề của người dân nơi đây. Căn nhà dựng tạm ghép từ những miếng gỗ vụn vặt, thủng lỗ chỗ. Trong nhà, dăm món đồ đạc không đáng giá bày ra cho có. Hai chiếc giường cũ kỹ là nơi ngả lưng của 6 nhân khẩu, hai vợ chồng và 4 đứa trẻ...
“Nhà toàn ăn đong, mà lại là đong chịu vì đến mùa ngô mới có tiền trả. Nay ruộng thành đất thủy điện rồi, chỉ còn trông chờ vào đất đồi cằn cỗi để trồng ngô thôi”- chị Chu kể. Khi được hỏi về bữa ăn, chị Chu chỉ lí nhí: “Lá rừng, mấy thức rau trồng ở vườn, còn thịt thì được đôi lần mỗi tháng thôi”. Trông mấy đứa trẻ, đứa lớn nhất chưa học hết lớp 6, còn đứa nhỏ còn đang ẵm, đứa nào đứa nấy đều xanh sao, chúng tôi thấy nghẹn ngào...
Xóa “bốn không” nơi bản xa
Khác với xã Hiền Lương, dù không gặp phải những khó khăn, ảnh hưởng từ dự án thủy điện sông Đà, nhưng xã Đồng Nghê lại điển hình cho sự nghèo, khó và nơi vùng sâu, xa của tỉnh Hòa Bình. Theo chỉ dẫn của ông Chủ tịch xã Hiền Lương, chúng tôi men theo đường giao thông 433, cách chừng 80 km, tính từ trung tâm huyện Đà Bắc thì lên đến Đồng Nghê.
Để có được con đường trải bê tông như ngày hôm nay, đó là nhờ sự quan tâm đầu tư rất lớn của Nhà nước thông qua các Chương trình 135, Chương trình 30a... nhưng trên hết, đó là sự quyết tâm và đồng lòng muốn xóa nghèo của chính quyền và người dân địa phương. Sau gần 4 tiếng đồng hồ không nghỉ, chúng tôi cũng đã đến được xã vùng cao Đồng Nghê, nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình mới chớm xóa “4 không” nhờ Chương trình 135. Song, hiện trạng của địa phương còn nằm trong vùng chính sách này khiến chúng tôi không khỏi day dứt, bởi rằng, mảnh đất và con người Đồng Nghê còn quá nghèo nàn, cằn cỗi.
“Các anh về còn có điện chiếu sáng, có nước mà dùng, chứ cách đây ít lâu thì cực lắm, người dân thiếu thốn đủ thứ, đến cơm cũng không có mà ăn” - ông Bùi Ngọc Thích - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đồng Nghê nói với chúng tôi về địa phương mình. Qua lời kể của ông Thích, chúng tôi đã hình dung ra phần nào về một Đồng Nghê của thời “4 không”: không điện, không đường, không nhà kiên cố và không ti vi. Khi tuyến tỉnh lộ 433 chưa được khai thông đến xã, ai muốn đi xuống huyện đều phải xuôi thuyền máy, hoặc chèo thuyền trên hồ sông Đà rồi cứ thế mà đi, có khi phải hết ngày mới trở về tới nhà.
Có mặt cùng chuyến đi, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Nghê, ông Bùi Văn Tưởng khoe với chúng tôi: “Các anh thấy, giờ xe máy đã vào tới bản, ti vi, điện thoại giờ cũng sẵn, tất cả đều nhờ có hỗ trợ của Nhà nước”.
Theo lời kể của ông Tưởng, lợi ích trông thấy từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là Chương trình 135 mang lại, đó chính là việc giao thương, buôn bán được mở rộng và thuận tiện hơn. Việc hoàn thiện 4,2 km đường bê tông lên bản Đăm cuối năm 2012 đã góp phần xóa bỏ sự biệt lập của bản Đăm với các bản khác trong xã. Cũng theo ông Tưởng, trước khi có tỉnh lộ 433, người dân muốn bán nông sản chỉ còn cách là gùi tới bến đò để chở lên chợ Nánh, chợ Tuổng hay về huyện, mà từ nhà ra bến cũng cách gần chục cây số đường rừng, nay thì xe ô tô vào được tận bản để chuyên chở hàng hoặc phục vụ nhu cầu của người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Xa Hữu Ban - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đà Bắc tỏ ra phấn khởi, bởi hiện nay đời sống của bà con đồng bào dân tộc các xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Đà Bắc nói chung và xã Đồng Nghê nói riêng đã thay đổi nhiều. Chương trình 135 ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm còn hỗ trợ sản xuất cho người dân như mua giống ngô, lợn... giúp nhiều gia đình thoát nghèo. “Kết thúc hai giai đoạn Chương trình 135 vừa qua, cơ bản các xã thụ hưởng trên địa bàn huyện đã không còn hộ đói, thu nhập bình quân đầu người đã được cải thiện, tuy nhiên, cá biệt các xã Đồng Nghê, Đồng Chum vẫn còn đặc biệt khó khăn” - ông Ban cho hay.
Theo ông Bùi Ngọc Thích, riêng đối với bản Lài, địa bàn cực kì khó khăn của xã Đồng Nghê, thì cuộc sống của gần 100 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao vẫn phấp phỏng nỗi lo tái đói. Nguyên nhân là do người dân vốn sống dựa vào rừng, nhưng nay rừng phòng hộ bị đóng cửa, lại không có đất sản xuất, thành thử cuộc sống chỉ trông chờ vào ít hoa mầu trồng bên lưng núi.
Con đường lên bản Lài hôm ấy càng trắc trở, khi cơn mưa bất chợt khiến dốc mòn trơn trượt, chúng tôi thậm chí phải bò nhiều hơn đi thì mới qua nổi bản Nghê. Xa xa, bản Lài hiện lên là một xóm nhỏ với vài chục ngôi nhà dựng tre, gỗ nằm nương mình bên sườn đồi, bao bọc xung quanh là những luống rau, ruộng lúa đang mùa trổ bông.
Theo ông Bàn Văn Hòa, một cao niên tại bản Lài, thì trước đây, cuộc sống của hơn 100 nhân khẩu được đảm bảo nhờ việc săn bắn, làm rẫy và hoàn toàn tự cung, tự cấp. Còn theo Trưởng bản Bàn Văn Thanh, cái khó nhất tại bản Lài và là nỗi trăn trở bấy lâu của chính quyền địa phương, đó chính là mở đường giao thông và mở rộng quỹ đất nông nghiệp cho người dân sản xuất.
(Kỳ sau đăng tiếp)
Theo Báo Kiểm toán số 23/2013