Con đường tới trường chỉ dài chừng 7km, nhưng cả thầy và trò phải dò dẫm gần 2 tiếng đồng hồ để lên tới nơi. “Đó là khi thời tiết thuận lợi, chứ hễ mưa xuống là cả đất đá lổm nhổm, đá tảng ngóc đầu chắn lối người. Khi đó, chắc cả buổi mới lên tới trường ấy” - cô Cồ Thị Sợi, giáo viên phụ trách khối lớp 1, trường Tiểu học Pa Cheo, phân hiệu Pờ Sì Ngài (xã Bản Xèo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) nói với chúng tôi như vậy về con đường vào phân hiệu trường. Đó chỉ là một trong số những ngôi trường khó khăn tại địa bàn vùng cao phía Bắc mà chúng tôi có dịp “mục sở thị”. Quả thực, nếu chưa một lần đặt chân tới đây, thì ít ai dám nghĩ có ngôi trường nào mà cả thầy và trò đều sống trong cảnh nghèo khó và sự thiếu thốn như thế. Nơi mà tồn tại cả những nghịch lý như có tiền cũng không xây được trường mới.
Không giống như nhiều ngôi trường vùng cao khác, và càng khác biệt so với những ngôi trường vùng đồng bằng, Phân hiệu trường Pờ Sì Ngài nằm vắt vẻo trên lưng chừng núi, nơi cách khu vực dân sinh là xã Bản Xèo chừng 7km, thế nhưng, để đi được tới đó, ngoại trừ đoạn đường trải bê tông kéo dần gần 5 km từ trung tâm xã tới dốc núi, thì hơn 2km còn lại, chúng tôi phải đi gần 1 giờ đồng hồ để đến nơi. Nói là phân hiệu thứ 7 trong số 7 phân hiệu của trường Tiểu học Pa Cheo, song khoảng cách giữa các phân hiệu cách nhau không dưới chục cây số và trải qua không biết bao nhiêu sườn đồi, dốc núi mới gặp được nhau.
Trước khi tìm đến phân hiệu trường điển hình của sự nghèo khó và thiếu thốn này, chúng tôi đã gặp thầy Đặng Văn Thanh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Pa Cheo và được thầy dặn trước: “Đường vào trường khó lắm đấy, không kém gì mấy tay phượt núi đâu nhé!”.
Thật khó hình dung sự vất vả của những người gieo chữ và trẻ nhận chữ nơi đây. Một đoạn đường dài hơn 2km chênh vênh với các dốc 45 độ nằm vắt vẻo lưng chừng núi, chỉ một chút sơ sẩy cũng đủ để mất mạng. Khó đến nỗi, bất kể trời nắng mưa, ai có đi phương tiện gì cũng phải bỏ lại mà leo bộ mới tới được trường. Nằm khuất sâu trong “khu cấm địa” với ba bề là núi đá, dưới sâu là thung lũng xanh màu ngô, lúa. Pờ Sì Ngài đã tạo cho mình một vỏ bọc “bất khả xâm phạm” với những người chưa từng một lần tới đây như tôi, nếu không có sự dẫn đường của một cô giáo của trường.
Hỏi ra mới hay, phân hiệu Pờ Sì Ngài vốn nằm phía bên kia quả núi thuộc xã Pa Cheo, nhưng trận gió lốc, mưa lớn năm 2011 đã cuốn phăng điểm trường cùng ngôi làng với 90 hộ dân người dân tộc Mông. Vậy là, nhờ có sự chăm lo cho giáo dục, nhà trường cùng lãnh đạo hai xã Pa Cheo và Bản Xèo đã thống nhất mượn tạm đất của xã Pa Cheo và dựng lên một ngôi trường với 100% là chất liệu tre nứa và lá rừng. Nghe cả thầy và trò than về ngôi trường có “một không hai” vẫn trong cảnh siêu vẹo, rúm ró, chúng tôi tìm gặp ông Chủ tịch UBND xã Bản Xèo Vương Mạnh Tuấn, thì được ông cho hay, thực ra, suốt thời gian từ khi trường chuyền về xã đến nay, thì cả 3 lần xã đều đưa phân hiệu Pờ Sì Ngài vào danh mục trường được xây mới từ Đề án Kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2008 - 2012 có sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, do những bất cập chưa thể khắc phục về đường giao thông lên trường, nên lần nào đoàn khảo sát về cũng lắc đầu.. chào thua. Bản thân nhà trường, Hiệu trưởng Đặng Văn Thanh cũng bày tỏ sự ái ngại về sự thiếu thốn, nghèo nàn quá mức của “đứa con” Pờ Sì Ngài. Song, xót là vậy để rồi phải nhường nguồn vốn hỗ trợ cho các trường bạn, mà cơ sở vật chất còn có phần khang trang hơn. “Cũng xót xa lắm chứ, nhưng biết làm sao, vì muốn xây trường phải có đường cho xe chở vật liệu. Nhưng người đi đường này còn khó, thì nói gì đến phương tiện” - thầy Thanh phân trần.
Đặt chân đến phân hiệu trường “nổi tiếng” được định hình qua lời kể của Chủ tịch xã Bản Xèo và Hiệu trưởng trường Tiểu học Pa Cheo, chúng tôi mới thấm thía được phần nào sự nghèo khó, thiếu thốn nơi đây. Những gian phòng học dị thường được ráp bởi những phên tre, nứa, nền đất ẩm, nơi mà ngày ngày, hơn 50 con em đồng bào dân tộc Mông vẫn lui tới cùng với sự miệt mài, kiên trì bên trang sách bám trường để “gieo chữ” của 4 giáo viên vùng xuôi lên đây.
Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, cô giáo Bùi Thị Út, giáo viên dạy lớp 3-4 nói thêm: “Đồ vật giá trị nhất của mỗi lớp chính là chiếc bảng xanh không lóa, ngoài ra thì mọi thứ đều tự làm cả”. Không chỉ sơ sài, tạm bợ, mà sự thiếu thốn còn in hằn lên cuộc sống sinh hoạt, học tập của cô và trò nơi đây. Theo cô giáo Cồ Thị Sợi, hiện trường cũng không có đủ phòng cho các khối lớp; khối lớp 3-4 phải học chung trong một gian phòng lụp xụp, chỉ một chiếc cột làm mốc ranh giới. Vậy mà chẳng ai bảo ai, cô và trò vẫn dạy, vẫn học “ngon lành”. “Được cái đám trẻ cũng say học, chúng cũng chẳng bận tâm đến sự thiếu thốn của trường lớp. Đến là học và rất nghe lời cô giáo” - cô giáo Sợi cho biết.
Phòng học là vậy, nhà công vụ dành cho giáo viên cũng chẳng khá khẩm hơn, khi món đồ giá trị nhất tại đây chính là chiếc ti vi màu 14 inch cũ rích và phải họa hằn lắm, nó mới chịu “nói” cho các cô nghe. Bởi, sóng thì yếu, điện thì chập chờn nên cuối cùng, các cô đành mặc định coi nó như một món đồ làm “cân” thêm cho ngôi nhà đã quá siêu vẹo. “Khó khăn cứ nối tiếp khó khăn, khi trường, phòng học vốn đã khó khăn, dột nát vậy mà đến điện, nước cũng còn không có. Gần 1 năm trở lại đây thì mới có điện đến trường, nhưng vẫn dè dặt lắm” - Hiệu trưởng Thanh cho hay.
Nhìn đám trò nhỏ bi bô trang sách, nhiều đứa đọc còn chưa sõi tiếng Việt, hầu hết đều chân đất đến trường chúng tôi không cầm được xúc động. Cũng vì gia cảnh quá nghèo, lại đông anh em nên nhiều khi mấy anh chị em cũng dắt nhau đến trường và tự chăm sóc nhau như trường hợp em Sùng Thị Mây, học sinh lớp 4 ở xã Pa Cheo, nhà có 6 anh chị em, cuộc sống quanh năm chỉ trông chờ vào kết quả trồng vài ba sào ngô và kiếm củi rừng về bán.
Nhìn lũ trẻ nheo nhếch, thương chúng lắm, nhưng các cô giáo cũng không thể làm gì, khi mà gia cảnh của các cô cũng chỉ ở mức tạm sống. Ngoài đồng lương, cộng với trợ cấp thâm niên hoặc chính sách thu hút gói gọn trong 6 triệu đồng, các cô cũng không thể làm thêm bất cứ công việc gì để cải thiện thu nhập. Trong khi đó, trường hợp như cô giáo Cồ Thị Sợi (quê Nam Định) phải nuôi thêm 2 con học đại học dưới Hà Nội, thì số thu nhập ít ỏi đó, cộng với 2 triệu đồng tiền lương của chồng, một cán bộ văn hóa xã, thì lo vẹn toàn cho con ăn học và trang trải cuộc sống sinh hoạt thường ngày đã là “gánh nặng” lắm rồi!
Chưa phải bận tâm về cuộc sống gia đình, nhưng cô giáo trẻ Trần Thị Lan Anh (quê Yên Bái) cũng phải nếm trải đủ thứ thiếu khi lên với trường. Theo cô Anh, thời kì đầu lên đây trường còn chưa có điện (năm 2008), mọi hoạt động về tối hầu như trông chờ cả vào mấy ngọn nến và bóng đèn dầu. Tuy vậy, dù điện đã kéo lên trường, nhưng nước sạch thì vẫn “trắng” nhiều năm nay.
Bài và ảnh: Nguyễn Lộc
Theo Báo Kiểm toán số 21/2013