Tôi có ước mơ trở thành một kiểm toán viên khi chứng kiến sự đam mê và miệt mài làm việc của các anh, chị kiểm toán viên thuộc KTNN chuyên ngành I tới làm việc tại đơn vị tôi công tác trước đây, và không lâu sau tôi đã thực hiện được ước mơ đó. Vụ Tổng hợp của tôi có một môi trường làm việc tốt, mọi người đoàn kết và coi nhau như người một nhà và đặc biệt là chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của các cấp lãnh đạo. Quan hệ công việc của cán bộ Vụ Tổng hợp chủ yếu là với các đơn vị trong nội bộ ngành nên ít gặp những xung đột về mặt lợi ích; có chăng chỉ là những tranh luận về mặt chuyên môn với các KTNN chuyên ngành và khu vực, trong đó nhiều trường hợp có nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu thông tin. Trong quá trình thẩm định, chúng tôi chỉ tiếp cận những thông tin trên dự thảo kế hoạch hoặc báo cáo kiểm toán, không trực tiếp thu thập các bằng chứng kiểm toán liên quan nên nếu trong kế hoạch, báo cáo kiểm toán có nội dung nào trình bày không cụ thể, rõ ràng thì việc chúng tôi không hiểu hết được bản chất sự việc cũng là dễ hiểu. Do vậy, nhiều vấn đề chúng tôi trình bày trong báo cáo thẩm định cần được hiểu như những câu hỏi phản biện để việc trình bày kết quả kiểm toán đạt chất lượng tốt, hơn là sự phát hiện các sai sót, tồn tại trong quá trình kiểm toán của các đoàn kiểm toán.
Trong hoạt động kiểm toán có nhiều tình huống khó khăn phải xử lý. Pháp luật "vuông" mà tình người thì "tròn", quy định cô đọng mà thực tế thì muôn hình muôn vẻ. Trong những hình huống kiểm toán như vậy, tôi cho rằng kiểm toán viên nên đặt mình vào địa vị của đơn vị được kiểm toán, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của cán bộ được giao nhiệm vụ. Với những vấn đề mà bản thân mình trong trường hợp cụ thể có thể tuân thủ được theo pháp luật thì cần yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện cho đúng. Với những vấn đề mà bản thân mình trong trường hợp cụ thể khó tuân thủ được đầy đủ các quy định của pháp luật thì cần phải đánh giá được nguyên nhân khách quan, xem xét đến các yếu tố về hiệu quả, lợi ích chung để xử lý phù hợp. Điều quan trọng nhất khi xử lý các tình huống đó, chúng ta cần có động cơ trong sáng và khách quan.
Bên cạnh vấn đề chuyên môn, những chuyến công tác trên chặng đường kiểm toán cũng mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm. Trong 3 lần tham gia Cuộc kiểm toán Chương trình 135, bên cạnh những cảnh đẹp thiên nhiên hoang dã, tôi cũng tận mắt chứng kiến sự vất vả, lam lũ của người dân tại các xã đặc biệt khó khăn. Không ít lần, chúng tôi đi bộ cả giờ đồng hồ đường núi từ trụ sở UBND xã đến bản làng trong cái nóng thiêu đốt hoặc cái lạnh buốt xương, thế nhưng sự vất vả mà chúng tôi đang chịu không thể nào so sánh được với những gì mà đồng bào nơi vùng cao này đang trải qua. Những cậu bé tiểu học đứng cả buổi sáng dưới gốc cây, không thể đến được lớp vì đi chân trần trên con đường đầy đá tai mèo trong cái lạnh tê tái; những em nhỏ mồ côi ở trần, mặc quần áo thay nhau; những thôn bản quanh năm ăn ngô, chỉ được nhìn thấy nồi cơm trong vài ngày tết... Chính những trải nghiệm này đã giúp tôi biết trân trọng hơn cuộc sống mà tôi đang có.
Một trong những công việc đang được Tổng Kiểm toán Nhà nước phát động trong toàn ngành là nâng cao chất lượng kiểm toán, giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Tôi mong các báo cáo kiểm toán của KTNN trong thời gian tới sẽ chứa đựng nhiều chất thép, trở thành tài liệu quan trọng được Đảng, Quốc hội và Chính phủ sử dụng trong quá trình hoạch định chính sách của đất nước; KTNN trong năm mới sẽ chinh phục được những đỉnh cao mới, thực hiện thành công chiến lược phát triển đến năm 2020.
Theo Tạp chí Kiểm toán số 1/2012