Sáng 01/02/2018, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh,Cầu Giấy, Hà Nội, KTNN tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ Pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của KTNN cho các đơn vị tham mưu; KTNN khu vực I; các KTNN chuyên ngành và Trung tâm Tin học của KTNN. Vụ Pháp chế chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham gia của ông Đoàn Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kỹ thuật Văn bản QPPL, Bộ Tư Pháp; Lãnh đạo và cán bộ Phòng Pháp điển và Hợp nhất Văn bản QPPL,Cục Kỹ thuật Văn bản QPPL, Bộ Tư Pháp.
Khai mạc Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải cho biết, pháp điển hóa văn bản QPPL là một công việc khá mới mẻ đối với Việt Nam nói chung và KTNN nói riêng. Để đảm bảo việc tổ chức triển khai thực hiện pháp điển hóa Đề mục KTNN có hiệu quả, theo đúng quy định, lộ trình của Chính phủ, KTNN tổ chức Hội thảo tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ pháp điển hệ thống văn bản QPPL của KTNN.
Căn cứ quy định của Pháp lệnh Pháp điển hóa hệ thống QPPL ngày 16/4/2012 và các quy định liên quan của Chính phủ, Bộ Tư pháp, KTNN dự kiến chia nội dung thuộc Đề mục KTNN cần pháp điển hóa thành 4 nhóm: Luật KTNN; Các văn bản QPPL quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật KTNN; Các văn bản QPPL do các Bộ, ngành ban hành liên quan đến hoạt động của KTNN; Các văn bản QPPL quy định về quy trình nghiệp vụ, chuyên môn của KTNN. Các văn bản QPPL hướng dẫn chuyên sâu nghiệp vụ kiểm toán (Hệ thống Chuẩn mực KTNN; Hệ thống hồ sơ mẫu biểu…); Các văn bản QPPL khác do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.
Để đảm bảo việc pháp điển văn bản QPPL của KTNN trong năm 2018 theo quy định, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN đã ban hành kế hoạch pháp điển hệ thống văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của KTNN nhằm: Cụ thể hóa nhiệm vụ pháp điển KTNN được giao; Xác định cụ thể nội dung công việc, trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc KTNN; Huy động sự tham gia, phối hợp của các đơn vị, cá nhân liên quan vào công tác pháp điển hóa; Chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, kinh phí để pháp điển Đề mục KTNN trong Chủ đề Kiểm toán – Kế toán thuộc trách nhiệm thực hiện của KTNN.
Cục trưởng Cục Kỹ thuật Văn bản QPPL, Bộ Tư Pháp Đoàn Ngọc Ba phát biểu
Trình bày tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Văn bản QPPL, Bộ Tư Pháp Đoàn Ngọc Ba giới thiệu khái quát về công tác pháp điển văn bản QPPL ở Việt Nam. Theo quy định của Pháp lệnh Pháp điển hóa hệ thống QPPL ngày 16/4/2012, Pháp điển là việc cơ quan Nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển.
Theo Đề án xây dựng bộ pháp điển được ban hành kèm theo Quyết định 1267/QĐ – TTg ngày 29/7/2014, Bộ pháp điển được xây dựng và hoàn thành trong thời hạn 10 năm (2014-2023). Các cơ quan thực hiện pháp điển tiên hành việc thực hiện pháp điển các đề mục đã được phân công tại Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hoàn thành các chủ đề của Bộ pháp điển theo lộ trình 3 giai đoạn: 2014-2017; 2018-2020; 2021-2023. Chủ đề Kiểm toán – Kế toán thuộc giai đoạn 2018-2020.
Ông Đoàn Ngọc Ba cho rằng, để công tác pháp điển văn bản QPPL của KTNN được hiệu quả, KTNN cần lưu ý: Nắm vững trình tự, thủ tục, kỹ thuật pháp điển; Đơn vị đầu mối (Vụ Pháp chế) phải hợp tác chặt chẽ với các đơn vị trong quá trình thực hiện; Chú trọng, tập trung cập nhật văn bản QPPL có giá trị pháp lý của KTNN vào cơ sở dữ liệu luật quốc gia. Cục Kỹ thuật Văn bản QPPL sẵn sàng phối hợp với KTNN để xây dựng trình tự, thủ tục, kỹ thuật pháp điển các văn bản QPPL của KTNN thuận lợi và hiệu quả.
Trưởng Phòng Pháp điển và Hợp nhất Văn bản QPPL,Cục Kỹ thuật Văn bản QPPL Nguyễn Duy Thắng chia sẻ tại Hội nghị
Hội nghị đã được nghe Trưởng Phòng Pháp điển và Hợp nhất Văn bản QPPL,Cục Kỹ thuật Văn bản QPPL Nguyễn Duy Thắng chia sẻ về các quy định chung, quy trình thực hiện và kỹ thuật pháp điển các văn bản QPPL. Bộ pháp điển của Việt Nam gồm 45 chủ đề, chia thành 265 đề mục. Chủ đề Kế toán, kiểm toán gồm 3 đề mục: Kể toán; Kiểm toán độc lập; KTNN. Đề mục KTNN là tập hợp các QPPL điều chỉnh về KTNN. Vì vậy pháp điển văn bản QPPL của KTNN không chỉ liên quan tới KTNN mà liên quan tới các các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến trách nhiệm pháp điển đề mục KTNN.
Việc thực hiện pháp điển cần tuân thủ 4 nguyên tắc: Không làm thay đổi nội dung của quy phạm pháp luật được pháp điển; Theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của quy phạm pháp luật từ cao xuống thấp; Cập nhật quy phạm pháp luật mới được ban hành vào Bộ pháp điển và loại bỏ quy phạm pháp luật hết hiệu lực khỏi Bộ pháp điển; Tuân thủ thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện pháp điển.
Quy trình thực hiện pháp điển gồm các bước: Xây dựng kế hoạch pháp điển theo đề mục, trong đó xác định trách nhiệm của từng đơn vị liên quan; Thu thập văn bản QPPL có giá trị pháp lý; Xử lý các văn bản QPPL chồng chéo, mẫu thuẫn và không còn phù hợp với thực tế; Thực hiện pháp điển trên phần mềm; Tổng hợp hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Chia sẻ về các kỹ thuật thực hiện pháp điển, ông Nguyễn Duy Thắng đã trao đổi về: Cách sắp xếp văn bản QPPL; Các quy định chung, các quy định đặc thù đối với việc pháp điển; Các trường hợp thường gặp trong thực tế triển khai pháp điển văn bản QPPL của Bộ Tư pháp.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế đã đưa ra ý kiến về cách xử lý đối với các văn bản pháp luật chồng chéo; Giá trị pháp lý của văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL…
Kết thúc Hôi nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải cảm ơn các ý kiến chia sẻ của Cục trưởng Cục Kỹ thuật Văn bản QPPL, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị; bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Cục Kỹ thuật Văn bản QPPL trong quá trình triển khai. “Vụ Pháp chế sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai kế hoạch pháp điển văn bản QPPL của KTNN đảm bảo chất lượng và theo đúng kế hoạch” – ông Đặng Văn Hải khẳng định./.
Ngọc Bích