Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Thượng tôn pháp luật để tối ưu hiệu quả nguồn lực công

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần minh bạch, phát triển nền tài chính quốc gia, qua đó khẳng định vị thế của KTNN.

Theo ông Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN, thời gian tới, KTNN sẽ tích cực nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện, đảm bảo nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” và giữ vững tính độc lập của hoạt động KTNN.

PV: Nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất 2018, xin ông cho biết một số định hướng công tác kiểm toán trong năm 2018?

- Ông Hồ Đức Phớc: Năm qua, hoạt động của KTNN chuyển biến mạnh mẽ với nhiều kết quả nổi bật, đã góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính công, tài sản công, giúp Quốc hội thực hiện giám sát và giúp Chính phủ quản lý điều hành chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực quốc gia. Đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần minh bạch, an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia trong tiến trình đổi mới và hội nhập đất nước.

Phát huy những thành quả đạt được, năm 2018, KTNN sẽ nỗ lực phấn đấu theo phương châm nâng cao kỷ cương, liêm chính, chất lượng và hiệu quả. Theo đó, chúng tôi sẽ tập trung kiểm toán ngân sách năm 2017 của các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của Báo cáo quyết toán ngân sách, nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2017 của HĐND các tỉnh, thành phố và Quốc hội. Niên độ 2017 có ý nghĩa quan trọng bởi là năm đầu triển khai Luật NSNN năm 2015, các Nghị quyết và chủ trương, chính sách, kế hoạch trung hạn được Quốc hội thông qua, nên hoạt động kiểm toán của KTNN ưu tiên tập trung kiểm toán các chủ trương, chính sách lớn.
 
 Ông Hồ Đức Phớc
 Ông Hồ Đức Phớc
Năm 2018, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán theo kế hoạch 205 cuộc kiểm toán, trong đó: Kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2017 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhà nước năm 2017 tại 16 bộ, ngành và 49 tỉnh, thành phố; 9 chủ đề kiểm toán hoạt động; 25 chuyên đề kiểm toán chuyên sâu; 52 cuộc kiểm toán lĩnh vực đầu tư dự án, công trình; 33 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức tài chính ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước;... Ngoài ra, kiểm toán một số chuyên đề trọng tâm như: Đánh giá chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế; các dự án BT, BOT; đầu tư từ nguồn ODA…, góp phần hoàn thiện chính sách, chống thất thoát.

PV: Những năm qua, bên cạnh việc kiến nghị xử lý tài chính liên tục tăng, KTNN còn có nhiều kiến nghị mang tính xây dựng tích cực khác. Qua đánh giá của mình, ông có thể cho biết về tinh thần hợp tác của các đơn vị mà KTNN có kiến nghị?

- Ông Hồ Đức Phớc:

Những năm qua, ngoài việc thực hiện các cuộc kiểm toán định kỳ, KTNN còn tập trung kiểm toán các chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trên địa bàn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đồng thời, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán.


Sau khi báo cáo kiểm toán (BCKT) được gửi tới các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền theo quy định, Tổng KTNN đã gửi thông báo các kết quả và kiến nghị kiểm toán chủ yếu đến người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị và tăng cường phối hợp công tác. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nên sự phối hợp của các cơ quan đơn vị được kiểm toán ngày càng hiệu quả hơn. Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính xu hướng tăng cao qua các năm, như: Năm 2013 đạt 63,1%; năm 2014 đạt 64,3%; năm 2015 đạt 75,6%; năm 2016 đạt 77,8% tổng số kiến nghị xử lý tài chính. 

PV: Thưa ông, đối với công tác kiểm toán, tính độc lập là một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu. Thực tế cho thấy, tính độc lập trong hoạt động kiểm toán ngày càng được nâng cao, nhưng cần phải nỗ lực để đạt được theo thông lệ quốc tế, xin ông cho biết định hướng của KTNN trong vấn đề này?

- Ông Hồ Đức Phớc: KTNN là công cụ kiểm tra tài chính công quan trọng của Nhà nước. Hệ thống KTNN phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước, góp phần phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính, tài sản công một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí công quỹ quốc gia. Các quốc gia trên thế giới đều sử dụng KTNN như là một công cụ hữu hiệu nhằm kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh tế tài chính của Nhà nước, là bộ phận không thể thiếu được trong cơ cấu nhà nước pháp quyền. Đây cũng sẽ là một nội dung quan trọng được bàn luận trong Đại hội lần thứ 14 của Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI 14).

Thời gian qua, KTNN đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần minh bạch, phát triển nền tài chính quốc gia, qua đó khẳng định vị thế của KTNN. Trong thời gian tới, KTNN sẽ tích cực nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện, đảm bảo nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” và giữ vững tính độc lập của hoạt động KTNN. KTNN tiếp tục hoàn thiện quy chế hoạt động đoàn, tổ kiểm toán theo hướng tôn trọng kết quả phát hiện của kiểm toán viên, củng cố bằng chứng kiểm toán vững chắc trong hoạt động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng, quy chế hoạt động của đoàn kiểm toán...  

PV: Được biết, KTNN sẽ đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 vào tháng 9/2018 tại Hà Nội. Đây sẽ là một hoạt động ý nghĩa, mang tầm quốc tế và kỳ vọng sẽ nâng tầm hình ảnh của Việt Nam nói chung và KTNN nói riêng. Xin ông chia sẻ thêm về điều này?

- Ông Hồ Đức Phớc: Đại hội ASOSAI 14 là một trong những sự kiện đối ngoại hết sức quan trọng với Việt Nam nói chung và KTNN Việt Nam nói riêng trong năm 2018. Sự kiện này ghi nhận một dấu mốc đặc biệt quan trọng trong tiến trình hội nhập hơn 21 năm qua kể từ khi KTNN gia nhập Tổ chức Quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) năm 1996 và Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) năm 1997. 

Việc được các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên ASOSAI tín nhiệm KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 và giữ vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021 là minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển của KTNN Việt Nam, đồng thời khẳng định được vị thế và tầm ảnh hưởng của KTNN Việt Nam trong cộng đồng các SAI trên thế giới. 

Sự kiện này có 46 tổ chức kiểm toán tối cao châu Á tham gia và hàng chục SAI là khách mời. Việc KTNN Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch sẽ giúp cho việc sử dụng các nguồn lực sẵn có, cũng như khai thác nguồn lực tiềm tàng của ASOSAI để tiếp cận tri thức, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tiên tiến, nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt. Bên cạnh đó, sự kiện cũng là cơ hội để chúng ta quảng bá về hình ảnh Việt Nam đổi mới, năng động, thân thiện, là điểm đến an toàn cho đầu tư, kinh doanh, du lịch.

Ý thức được tầm quan trọng đó, toàn ngành KTNN đang tập trung mọi nguồn lực cần thiết, chuẩn bị toàn diện để tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 tại Việt Nam, đồng thời chủ động tăng cường năng lực đội ngũ nòng cốt để sẵn sàng hoàn thành tốt vai trò thành viên Ban điều hành ASOSAI trước khi trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!