Tọa đàm Kiểm toán xác nhận quyết toán ngân sách các cấp chính quyền địa phương
Ngày 26/3/2018, Trường Đào tạo & Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán (KTNN) đã tổ chức Toạ đàm "Kiểm toán xác nhận quyết toán ngân sách của các cấp chính quyền địa phương - Thực trạng và giải pháp". TS.Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường Đào tạo & Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán chủ trì Tọa đàm.
Dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo, Kiểm
toán viên đến từ các đơn vị tham mưu, sự nghiệp, KTNN các khu vực, những đơn vị có nhiều kinh nghiệm lý luận, thực tiễn trong lĩnh vực kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP).
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS.Lê Đình Thăng cho biết, Toạ đàm được tổ chức nhằm ghi nhận, tổng hợp những ý kiến phân tích, đánh giá về thực trạng kiểm toán xác nhận quyết toán ngân sách của các cấp chính quyền địa phương của KTNN trong thời gian qua; đồng thời qua đó đề xuất những định hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác kiểm toán xác nhận quyết toán ngân sách của các cấp chính quyền địa phương.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, đại diện các KTNN khu vực IV, VI, VIII, IX, X, XI, XII tập trung trao đổi, thảo luận những vấn đề: Kiểm toán tài chính trong quyết toán NSĐP; mục tiêu, nội dung, đối tượng, phạm vi kiểm toán NSĐP; tổ chức kiểm toán NSĐP; báo cáo kiểm toán NSĐP…; Đặt biệt là việc nhận diện về thực trạng kiểm toán xác nhận quyết toán ngân sách các cấp chính quyền địa phương; Kiểm toán thu ngân sách tại cơ quan thuế trong cuộc kiểm toán NSĐP…
Theo đánh giá của các đại biểu, việc kiểm toán ngân sách các cấp của chính quyền địa phương (Ngân sách cấp tỉnh; ngân sách cấp huyện; và ngân sách cấp xã); Kiểm toán quyết toán ngân sách nói chung và hoạt động kiểm toán quyết toán ngân sách tại các cấp chính quyền địa phương đã và đang là hoạt động được KTNN triển khai hàng năm. Đối với các KTNN khu vực, thì kiểm toán quyết toán NSĐP là chức năng chính được KTNN giao để thực hiện kiểm toán tại các địa phương trên địa bàn quản lý.
Trong nhiều năm qua, KTNN đã ban hành các quy định và quy trình nhằm hướng dẫn kiểm toán NSĐP (Các mẫu biểu hồ sơ chung; Quy trình kiểm toán NSĐP; Quy trình kiểm toán ngân sách cấp huyện…). Kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách tại các cấp chính quyền địa phương đã góp phần chấn chỉnh các bất cập trong công tác quản lý điều hành ngân sách tại các địa phương, đồng thời giúp địa phương tăng thu và giảm chi ngân sách thông qua các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN. Thông qua các đánh giá, kiến nghị kiểm toán góp phần giúp Chính Phủ và Quốc hội kịp thời ban hành các quy định, chính sách phù hợp để chấn chỉnh công tác quản lý ngân sách tại các địa phương đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và các chính sách an sinh xã hội tại các địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác kiểm toán quyết toán NSĐP đã bộc lộ một số bất cập, trong đó tập trung ở công tác tham mưu, hướng dẫn hoạt động kiểm toán và tổ chức hoạt động kiểm toán NSĐP. Theo đại diện KTNN khu vực X, việc xác nhận quyết toán ngân sách của các cấp chính quyền địa phương do KTNN khu vực X thực hiện trong thời gian qua đang tồn tại thực tế là: Theo quy định của Luật NSNN thì HĐND cấp tỉnh quy định thời hạn phê chuẩn quyết toán ngân sách của HĐND cấp dưới nhưng chậm nhất không quá 6 tháng sau năm ngân sách. Thực tế có những địa phương quy định là đến ngày 31 tháng 03 hàng năm các huyện phải hoàn thành được quyết toán ngân sách. Do giới hạn về thời gian nên Phòng TC-KH các huyện thường lập báo cáo quyết toán theo số liệu do KBNN huyện cung cấp mà không dựa vào số liệu do chính Phòng TC-KH thẩm tra quyết toán đối với các đơn vị thụ hưởng ngân sách dẫn đến số liệu quyết toán thu chi ngân sách cấp huyện thường chứa đựng nhiều rủi ro, sai sót. Mặt khác, công tác điều hành ngân sách cấp huyện bao gồm rất nhiều nội dung phức tạp trong khi KTV phải thực hiện kiểm toán trong thời gian ngắn nên càng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và thách thức trong việc kiểm toán công tác tổng hợp số liệu quyết toán thu, chi ngân sách cấp huyện; các nội dung liên quan đến việc điều hành ngân sách địa phương… Đây cũng là một trong số những thực trạng trung mà các KTNN khu vực gặp phải khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán ở nội dung này.
Xuất phát từ thực trạng trên, nhiều nhà quản lý, Kiểm toán viên cho rằng, cần thiết phải đổi mới quan niệm, cũng như cách thức tổ chức kiểm toán NSĐP, trong đó cần xác định đúng, đủ mục tiêu, nội dung, đối tượng và phạm vi kiểm toán. Đặc biệt, nên tổ chức chuyên đề về kiểm toán NSĐP và phát hành Báo cáo kiểm toán riêng, thay vì thực hiện lồng ghép như hiện nay nhằm đảm bảo tiêu chí cuộc kiểm toán xác nhận quyết toán NSĐP được kiểm toán với tư cách là cuộc kiểm toán độc lập, Báo cáo tài chính là báo cáo độc lập…
Đồng tình với những ý kiến tại Tọa đàm, đồng thời có những trao đổi làm rõ hơn những vấn đề các đại biểu quan tâm, TS.Lê Đình Thăng chia sẻ quan điểm nhất trí với đề xuất nên thay đổi cách thức kiểm toán NSĐP và thực hiện kiểm toán theo từng cấp ngân sách (xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố). Đồng thời, cần chú trọng đào tạo nâng cao trình độ kiểm toán viên thực hiện kiểm toán NSĐP.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS. Lê Đình Thăng cho biết: Từ những thực trạng đang diễn ra trong các cuộc kiểm toán xác nhận quyết toán ngân sách của các cấp chính quyền địa phương và việc tham gia có trách nhiệm của các đơn vị tham mưu, sự nghiệp, KTNN khu vực sẽ được tổng hợp, báo cáo lãnh đạo KTNN, là cơ sở để lãnh đạo Ngành có những định hướng, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm toán quyết toán ngân sách của các cấp chính quyền địa phương./.