Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2019, Điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 30/5/2018 tại Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định Trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Theo đó, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế như: Hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên...

Trong quá trình thảo luận, đã có 15 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 06 lượt đại biểu tranh luận. Các ý kiến cơ bản tán thành Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và dự thảo Nghị quyết. Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức. Chính phủ chưa bố trí thời gian để thảo luận bàn sâu về chính sách cụ thể của mỗi dự án. Trong quá trình soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, người đứng đầu một số cơ quan soạn thảo dành thời gian để tham gia ít, chủ yếu giao cho cấp dưới. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình…

Phát biểu thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - TP Hồ Chí Minh băn khoăn trước việc “nay xin rút, mai xin lùi” của một số dự án luật có xu hướng ngày càng gia tăng, cho thấy việc triển khai thực hiện nghị quyết và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vẫn chưa nghiêm, đồng thời làm ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực liên quan.

Nhấn mạnh công tác hoạch định chính sách trình dự án luật, pháp lệnh luôn là nhiệm vụ chiến lược và trọng tâm của người đứng đầu ngành, đại biểu cho rằng, công tác pháp chế, công tác xây dựng pháp luật cần phải được quan tâm đầu tư đúng mức hơn.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định Trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018​

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - TP Hà Nội cho rằng tình trạng xin rút, xin lùi của các dự án luật vẫn chưa được cải thiện, chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân, hạn chế sự phát triển. Nhiều dự án luật còn xa rời cuộc sống, nhiều dự án luật mới chỉ đưa ra dự thảo ban đầu đã “vấp” phải phản ứng gay gắt của nhân dân...

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng chất lượng dự thảo luật, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng cần phải xác định được trách nhiệm và có chế tài xử lý. “Nếu một người thực hiện quy định của pháp luật có hành vi làm trái hay thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản thì có thể người đó sẽ phải đi tù. Nhưng ở việc tham mưu ban hành chính sách cũng như việc ban hành chính sách pháp luật mà không đáp ứng yêu cầu, thậm chí cản trở sự phát triển – mặc dù đây là những vấn đề không đong đếm được, nhưng hiện nay chưa có chế tài. Đây là sự không công bằng mà tôi nghĩ trong tương lai chúng ta phải tìm giải pháp khắc phục. Đây cũng chính là con đường để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật cũng như đề cao trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc tham mưu xây dựng pháp luật” – đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang - Quảng Ngãi cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng dự án luật còn hạn chế chính là phương thức và đối tượng lấy ý kiến vào dự án luật. Việc lấy ý kiến còn hình thức, đối tượng chưa đầy đủ, sự tham gia của các cơ quan chức năng còn chưa làm hết trách nhiệm đã làm giảm chất lượng dự thảo luật trình Quốc hội, gây mất thời gian thảo luận, tranh luận mà đáng ra có vấn đề có thể giải quyết ngay từ khâu soạn thảo. Đại biểu cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân chưa thực hiện chặt chẽ theo quy trình cụ thể nhằm bảo đảm sự tham gia của người dân, dẫn tới có luật, Nghị định mới ban hành đã có sự phản ánh, nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội.

Tranh luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Tp.HCM đánh giá,  tình trạng xin rút hoặc xin bổ sung còn xảy ra thường xuyên cho thấy sự thiếu chủ động của Quốc hội. Đại biểu đề nghị giải trình thêm về việc các cơ quan thẩm tra Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm, xuôi theo ý kiến cơ quan soạn thảo, tính phản biện chưa cao, báo cáo thẩm tra chưa sâu.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu. Nhấn mạnh vấn đề bây giờ là tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng chương trình, đổi mới hoạt động soạn thảo, thẩm tra, xem xét thông qua luật, pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có tiếp thu và báo cáo giải trình khi Quốc hội thông qua./.

M.Thúy