Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương: Những dấu ấn điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2018

(sav.gov.vn) - Ngày 2/7/2018, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp trực tuyến với 63 địa phương trên cả nước. Hội nghị nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị trong việc đánh giá tình hình sau 1/2 chặng đường năm 2018, nhất là “nhìn nhận yếu kém, tồn tại, nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của đất nước”. Từ đó, Chính phủ có biện pháp cụ thể hiệu quả hơn để xử lý, khắc phục kịp thời trong 6 tháng cuối năm.

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 18 vấn đề chủ yếu: Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc khác…Ngoài ra, các địa phương nêu rõ khó khăn, trở ngại, lãnh đạo các Bộ nêu rõ các chủ trương, biện pháp, định hướng giải quyết.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

 Tình hình KTXH thể hiện rõ dấu ấn điều hành của Chính phủ
 
Tại Hội nghị, Chính phủ đã có báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2018; phương hướng chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm.

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu rõ, tiếp tục kế thừa kết quả đạt được năm 2017 và phát huy kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là sâu sát công việc, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, kịp thời xử lý những vấn đề đột xuất, phát sinh; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực còn dư địa; tích cực tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến thực hiện quyền của người dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực, đã củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao; một số lĩnh vực đã ghi dấu ấn tích cực…
         
Kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thể hiện rõ nét thông qua tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 7,08%, là mức tăng 6 tháng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đã từng bước tháo gỡ vướng mắc, bất cập, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho phát triển; khuyến khích đổi mới sáng tạo đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và xã hội; đời sống của nhân dân được cải thiện; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được nâng cao.
         
Bên cạnh những kết quả đạt được trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội, Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định còn một số tồn tại, hạn chế:
         
Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật còn chưa được một số Bộ, cơ quan quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Tiến độ trình một số dự án luật còn chậm; hồ sơ trình dự án luật còn sơ sài, chưa đáp ứng yêu cầu về thể thức, thủ tục hành chính theo quy định, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thể hiện được hết các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để. Nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật còn bất cập, chồng chéo, gây khó khăn trong quản lý, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Công tác thông tin, tuyên truyền định hướng chính sách trong xây dựng một số dự án luật còn hạn chế. Việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm.
         
Cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại từng ngành, từng lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Công tác quản lý, điều hành một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế, bất cập nhưng chậm được khắc phục như: Công tác lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của các địa phương; công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở địa phương chưa công khai, minh bạch dẫn đến khiếu nại, tố cáo còn nhiều; công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị tại hầu hết địa phương chưa đồng bộ; công tác thông tin về quy hoạch, về dự án đầu tư, thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, công khai; cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm;…
         
Chính phủ cho rằng, những tồn tại, hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn chưa sâu sát, nắm chắc tình hình, thiếu đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ. Ý thức trách nhiệm và kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm, có nơi, có lúc còn nhũng nhiễu, tiêu cực, thái độ ứng xử với nhân dân và doanh nghiệp chưa đúng mực; phối hợp xử lý công việc còn chậm, thiếu chủ động trong nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, tham mưu. Nhiều cơ quan, đơn vị thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đến khi đôn đốc, kiểm tra mới tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, trong chỉ đạo, điều hành còn xem nhẹ và chưa quan tâm đúng mức đến việc giải quyết dứt điểm các vấn đề xã hội bức xúc, người dân quan tâm.
Điểm cầu Phú Thọ
 
Phương hướng điều hành của Chính phủ 6 tháng cuối năm
         
Về phương hướng chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2018, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra; tiếp tục năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; đồng thời, tập trung thực hiện một số nội dung:
         
Tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ; các Nghị quyết ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018; số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.
         
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác xây dựng chính sách pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Tập trung nguồn lực cho công tác soạn thảo, trình các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; đồng thời ưu tiên các điều kiện bảo đảm cho công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 và 7 để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019.
         
Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc Chính phủ, Thủ tướng giao; tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng cuối năm 2018, đặc biệt là dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn công tác chỉ đạo, triển khai với công tác theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, uy tín thấp, năng lực, trình độ hạn chế, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật theo thẩm quyền để kịp thời điều chỉnh, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
         
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tiếp tục cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí cho doanh nghiệp; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong hoạt động công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, xây dựng nền công vụ hiện đại, minh bạch, liêm chính, phục vụ nhân dân; chú trọng công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác tổ chức cán bộ, tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
         
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, coi công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Thực hiện nghiêm việc phòng, chống tội phạm trong chính các cơ quan phòng, chống tội phạm; kiên quyết không có “vùng cấm” trong xử lý các hành vi tham nhũng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về quản lý kinh tế, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Khẩn trương hoàn chỉnh dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Luật Tố cáo sửa đổi trình Quốc hội; tổng kết và sửa đổi Luật Thanh tra. Tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
         
Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp tăng cường nắm bắt tình hình thực tế, dành thời gian thỏa đáng trực tiếp đối thoại, giải trình, trả lời kiến nghị của người dân, tập trung giải quyết cơ bản, dứt điểm các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận xã hội; chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; chủ động phương án xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp phát sinh, không để bị động, bất ngờ tạo thành "điểm nóng" gây phức tạp về an ninh, trật tự, bảo đảm ổn định tình hình kinh tế-xã hội.
         
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử; hoàn thiện cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử; triển khai các giải pháp công nghệ tập trung vào phát triển nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, gương mẫu ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp xây dựng Chính phủ điện tử và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai.
         
Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao và việc tham dự các hội nghị quốc tế quan trọng. Tập trung chỉ đạo tổ chức tốt Hội nghị WEF ASEAN. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầy đủ thủ tục trình Quốc hội xem xét, thông qua Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Theo dõi sát và có đối sách phù hợp, kịp thời trước các động thái, diễn biến về tình hình Biển Đông, các vấn đề dân chủ và nhân quyền. 
         
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phản bác thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận, định hướng thông tin dư luận đúng đắn. Chú trọng tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, tạo động lực tinh thần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
         
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước./.
 
Ngọc Bích