Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Văn Tạo, Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể Nguyễn Bá Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà Thị Mỹ Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Kiểm toán nhà nước Hoàng Văn Sỹ tham dự buổi thuyết trình tại đầu cầu Hà Nội.
Phát biểu tại buổi thuyết trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương, Phó ban Chỉ đạo Đề án 165 Mai Văn Chính cho biết, Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 đã xác định thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước theo phương hướng: Thực hiện một quy chế làm việc khoa học, có hiệu suất cao; xây dựng bộ máy gọn nhẹ có chất lượng cao với một đội ngũ có phẩm chất chính trị và năng lực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Việc xây dựng bộ máy công quyền ưu tú là sự cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương VI, khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ông Mai Văn Chính nhấn mạnh, mục đích của buổi thuyết trình nhằm trao đổi, tham khảo một số kinh nghiệm của Singapore về cải cách hành chính, tổ chức bộ máy công quyền phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Thông qua kinh nghiệm thành công của Singapore trong xây dựng bộ máy công quyền, cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị tham khảo nghiên cứu, có thêm bài học về tư duy đột phá tầm nhìn chiến lược về một nền quản trị của Singapore” – ông Mai Văn Chính nói.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên Ban Cố vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích vai trò của bộ máy công quyền trong bảo vệ tính chính danh của hệ thống chính trị, xu thế thời đại và sự cấp thiết phải xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, một số khái niệm và nguyên lý căn bản trong xây dựng bộ máy công quyền ưu tú; xây dựng bộ máy công quyền ưu tú trong điều kiện thực tế của Việt Nam...
Ông Vũ Minh Khương cho rằng, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú là vấn đề cấp bách có tính chiến lược cao. Yếu tố quyết định thành công trong phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia là: Hệ thống chính trị ổn định dựa vào sức mạnh cốt lõi của dân tộc; khả năng thích nghi với thời đại; tình thế đổi thay cùng việc xây dựng Chính phủ kiến tạo với tầm nhìn khát vọng về tương lai; chiến lược phát triển và năng lực bộ máy chuyên nghiệp và tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo... "Nguyên lý xây dựng bộ máy công quyền dựa trên những vấn đề quan trọng, đó là công tác cán bộ, xây dựng chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực. Những kinh nghiệm được đúc kết từ mô hình xây dựng bộ máy công quyền và nền hành chính công mà Singapore đã thành công sẽ là bài học quý giá để Việt Nam vận dụng phù hợp với thực tiễn đất nước trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế"" - ông Nguyễn Minh Khương khẳng định.
Ông Vũ Minh Khương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học quý dẫn đến thành công của Singapore, trong đó có những bài học ý nghĩa đối với Việt Nam như: Sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia hùng cường, phồn vinh trong tương lai. Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Singapore là một trong ít mô hình trên thế giới cho thấy là một xã hội có thể tiến lên nhờ một chính phủ luôn nỗ lực phát huy tối đa trí tuệ, kỹ năng và phẩm chất trung thực của mình. Singapore thu hút những công dân thông minh và ưu tú nhất vào chính phủ và luôn cố gắng nghiên cứu thấu đáo mọi vấn đề cần giải quyết. Trong quá trình này, Singapore chủ động sử dụng nguồn lực bên ngoài và nỗ lực học hỏi từ bất kể ai có kiến thức về lĩnh vực này.
Ông Vũ Minh Khương cho rằng, từ kinh nghiệm xây dựng "Bộ máy chính quyền ưu tú" của Singapore có khả năng ứng dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Muốn vậy, cần thỏa mãn được các điều kiện về nền quản trị tốt mang các đặc trưng gồm: Năng lực hoạch định chính sách cởi mở, khai sáng và nhất quán; bộ máy công quyền thấm nhuần đạo đức chuyên nghiệp, hành động vì lợi ích chung; thượng tôn pháp luật; quy trình minh bạch; thu hút sự tham gia mạnh mẽ, đóng góp của nhân dân vào quá trình hoạch định và thực thi pháp luật.
PGS, TS Vũ Minh Khương cũng khẳng định cần phải đổi mới tư duy theo hướng đột phá trên cơ sở tầm nhìn tương lai, chứ không phải tháo gỡ hiện tại; biến khó khăn mà cụ thể là bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả hiện nay trở thành động lực và lợi thế để tạo ra ý chí quyết tâm, quyết liệt thực hiện cải cách "Bộ máy chính quyền ưu tú" ở Việt Nam của đội ngũ lãnh đạo./.
M. Thúy