Qua kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang (Dự án 1) và Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (Dự án 2) theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), KTNN đã chỉ ra một số hạn chế, sai sót trong quản lý đầu tư xây dựng và quản lý tài chính, kế toán, đồng thời đưa ra những kiến nghị về công tác quản lý đối với các DN BOT cũng như các cơ quan chức năng.
Một số hạn chế trong thực hiện các dự án
Dự án 1 được đầu tư với tổng nguồn vốn 2.834 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu 471 tỷ đồng, vốn vay 2.363 tỷ đồng; Dự án 2 với tổng nguồn vốn gần 1.365 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu trên 208 tỷ đồng, vốn vay gần 1.038 tỷ đồng. Theo đánh giá của KTNN, quá trình khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện 2 Dự án đã cơ bản được thực hiện đúng quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các quy định của Nhà nước về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và các văn bản, chế độ có liên quan.
Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, cả 2 Dự án vẫn còn một số hạn chế, sai sót trong quản lý đầu tư xây dựng và quản lý tài chính, kế toán: Thiết kế bản vẽ thi công một số hạng mục chưa phù hợp; công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán các gói thầu còn thiếu sót về đơn giá, định mức, khối lượng, làm tăng giá trị dự toán 45,8 tỷ đồng (Dự án 1); phê duyệt bản vẽ thi công điều chỉnh chưa tuân thủ theo quy định (gói thầu số 10XL, 11XL); công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán còn sai về khối lượng, đơn giá và một số sai khác làm tăng giá trị dự toán 65 tỷ đồng (Dự án 2).
Cùng với đó, công tác lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng BOT còn hạn chế: việc điều chỉnh, bổ sung cầu vượt Hùng Vương, đến thời điểm kiểm toán chưa ký Phụ lục hợp đồng dự án theo quy định (Dự án 1); việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư đăng ký nhưng Quyết định lại ký trước thời hạn cuối cùng dành cho các nhà đầu tư quan tâm. Điều này có thể hạn chế việc đăng ký của các nhà đầu tư khác, làm thay đổi hình thức cũng như hạn chế tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư (Dự án 2).
Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát của đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Dự án 1 (Ban QLDA 2) vẫn thiếu chặt chẽ ở một số khâu dẫn đến một số sai sót trong quá trình kiểm tra, giám sát như: lập, thẩm định dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng BOT; phân tách chi phí chuẩn bị đầu tư cho dự án. Đối với Dự án 2, khi Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép ghép Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 Xuân Mai - Hòa Bình vào Dự án Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình thành Dự án 2, Ban QLDA 2 chưa kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình để đôn đốc việc giao nhận hồ sơ, tài liệu liên quan đến thực hiện Dự án Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi các thủ tục chấm dứt Hợp đồng Dự án Đường cao tốc chưa thực hiện xong, dẫn đến tổng mức đầu tư của Dự án bị tính trùng một phần chi phí đã được đầu tư tại Dự án Đường cao tốc. Quá trình thực hiện đầu tư cũng không có hồ sơ, biên bản bàn giao hiện trạng công trình đã thi công làm căn cứ pháp lý phân định phần khối lượng đã thực hiện.
Ngoài ra, việc tính toán, xác lập các chỉ tiêu quan trọng trong phương án tài chính của Dự án 1 cũng chưa phù hợp, chưa đủ dữ liệu tin cậy: xác định tỷ lệ chi phí quản lý thu phí chưa phù hợp; tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện giao thông trong phương án tài chính chưa phù hợp với số liệu dự báo tốc độ tăng trưởng lưu lượng giao thông trong khu vực. Còn với Dự án 2, việc xác định chi phí quản lý thu phí được tính bằng 7% doanh thu thu phí, các năm sau tính theo trượt giá 6% chi phí quản lý thu phí năm trước là không đủ cơ sở, dữ liệu chứng minh sự phù hợp của mức chi phí xác định như trên so với quy mô, phương thức hoạt động, tổ chức thu phí của trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án.
Chấn chỉnh công tác quản lý đối với các DN BOT và các cơ quan chức năng
Từ kết quả kiển toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính (đến 31/12/2016) đối với Dự án 1 là 90 tỷ đồng, Dự án 2 là 38,8 tỷ đồng; giảm quyết toán chi phí đầu tư (gói thầu tư vấn khảo sát, thiết kế bước lập dự án đầu tư) đối với Ban QLDA 2 - Bộ GTVT là 286 triệu đồng; giảm quyết toán chi phí đầu tư đối với UBND TP. Bắc Giang (chi phí di dời các công trình công cộng), thu hồi hoàn trả vốn về cho Dự án 174,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, KTNN cũng kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý đối với các DN BOT. Cụ thể: Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang rà soát, tính toán điều chỉnh và phê duyệt lại dự toán các gói thầu theo những hạn chế, thiếu sót và cập nhật phương pháp tính của KTNN làm cơ sở thanh, quyết toán chi phí, khẩn trương khắc phục các bất cập trong công tác quản lý thu phí; Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình tăng cường công tác quản lý, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, đưa tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình vào khai thác, tránh làm tăng chi phí, giảm tính kinh tế, hiệu quả của Dự án.
Đối với các cơ quan chức năng, KTNN kiến nghị: Ban QLDA 2 - Bộ GTVT chấn chỉnh, rút kinh nghiệm quản lý đối với những hạn chế, sai sót trong công tác lập tổng mức đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng BOT; lập dự toán, thanh toán chi phí tư vấn khảo sát, thiết kế bước lập dự án; công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý chất lượng công trình của Dự án 1; tiến hành xác định giá trị đã thực hiện của Dự án Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trong phạm vi Dự án 2 để làm cơ sở loại bỏ giá trị này trong tổng mức đầu tư của Dự án, trình Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh.
Cùng với đó, KTNN kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án thực hiện để tiếp tục đầu tư tuyến đường Hà Nội - Bắc Giang thành cao tốc hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch và thời gian được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Dự án 1); chỉ đạo Ban QLDA 2 cùng các đơn vị của Bộ phối hợp với nhà đầu tư xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc chậm tiến độ Dự án đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình, cũng như ảnh hưởng của từng nguyên nhân gây chậm tiến độ làm căn cứ quyết toán chi phí đầu tư, điều chỉnh phương án tài chính của Hợp đồng BOT (Dự án 2).
Theo Báo Kiểm toán điện tử