Kiểm toán môi trường – chủ đề được ủng hộ cao
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng, quá trình phát triển bền vững đang bị thách thức vì yếu tố môi trường. Đặc biệt, theo Tổng KTNN, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang tiếp tục thu hút các dự án đầu tư. “Nếu không ngăn chặn thì sẽ bị đẩy công nghệ lạc hậu và phế thải vào trong nước và chúng ta trở thành bãi rác. Việc này ảnh hưởng tới tới cuộc sống, sự phát triển bền vững của chúng ta” - ông Hồ Đức Phớc nói.
Chính vì vậy, Tổng KTNN cho rằng, việc Việt Nam lựa chọn chủ đề năm nay là "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững" đã được 46 cơ quan kiểm toán tối cao các nước ủng hộ.Bà Archana Shirsat - đại diện Cơ quan Sáng kiến phát triển Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) cho biết, chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 có đề cập tới sự hội nhập trên ba khía cạnh và một trong những khía cạnh đó là chủ đề môi trường. Vì vậy, môi trường là một chủ đề rất quan trọng, đặc biệt là một ưu tiên trong bối cảnh hội nhập của mỗi quốc gia.
Bên lề Đại hội ASOSSAI 14, bà HU Zejun - Tổng KTNN Trung Quốc cũng cho rằng, kiểm toán môi trường là chủ đề rất hay, không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của châu Á, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái toàn cầu và sự phát triển bền vững của toàn nhân loại.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay, kiểm toán môi trường ở Việt Nam mới được triển khai mạnh trong mấy năm gần đây tại các bộ ngành, các địa phương và các chương trình quốc gia. Tuy nhiên, kiểm toán môi trường là loại hình mới với Việt Nam và hiện chưa có quy trình.
Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho biết thêm, kiểm toán môi trường là lĩnh vực khá mới trong hoạt động của KTNN. "Chúng tôi đã triển khai công việc này được 3 năm nay. Chúng tôi đã triển khai kiểm toán một số dự án, trong đó tập trung kiểm toán xử lý chất thải rắn, kiểm toán môi trường một số khu công nghiệp, khu kinh tế” - ông Thăng nói.
“Cũng phải nói rằng, kiểm toán môi trường dù rất mới mẻ với KTNN Việt Nam song không phải là chúng ta chưa thực hiện. Thực tế, chúng tôi vẫn lồng ghép kiểm toán môi trường trong các dự án kiểm toán. Song, trong thời gian tới, để bảo đảm kiểm toán môi trường hiệu quả hơn nữa, việc học hỏi kinh nghiệm của quốc tế là rất cần thiết” - ông Thăng chia sẻ thêm.
Sẽ có kiến nghị để ngăn chặn nhập khẩu phế liệu
Theo ông Lê Đình Thăng, thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không đánh đổi phát triển kinh tế vì môi trường, mà phải phát triển bền vững trên cơ sở dữ liệu môi trường bền vững. Điều đó cũng đã đặt ra cho KTNN thông điệp rõ ràng là phải kiểm toán môi trường để bảo đảm rằng tất cả cơ sở kinh tế phải đảm bảo được các yếu tố bảo vệ môi trường.
Ông Lê Đình Thăng cho rằng, thách thức lớn là nguồn lực và năng lực của đội ngũ kiểm toán viên, bởi đây là “linh hồn” của mọi cơ quan kiểm toán tối cao. Do vậy, để triển khai được hiệu quả kiểm toán môi trường thì phải tăng cường đào tạo đội ngũ kiểm toán viên mạnh về lĩnh vực này. Đây cũng là một trong những trọng tâm lớn của KTNN sẽ thực hiện trong những năm tiếp theo, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng kiểm toán lĩnh vực này.
“Chúng tôi tập trung vào các khu kinh tế, khu công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản, phát thải ra môi trường nhiều. Thời gian qua, các cơ quan truyền thông cũng đề cập nhiều đến nhập khẩu phế thải - đây cũng là chủ đề lớn trong những năm tiếp theo chúng tôi sẽ tập trung kiểm toán để giải quyết vấn đề môi trường” - ông Thăng cho hay.
Trước đó, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng thông tin, một trong những vấn đề được ngành Kiểm toán nhắm tới và đưa vào chủ đề kiểm toán là việc quản lý nhập khẩu phế liệu từ các nước vào Việt Nam. Qua quá trình thực hiện, phía kiểm toán sẽ kiến nghị để các cơ quan ngăn chặn nhập khẩu phế liệu gây ô nhiễm môi trường./.
Theo Thời báo Tài chính