Năm 2018: Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn
(sav.gov.vn) - Chiều ngày 22/10/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018, dự toán NSNN và phân bổ NS trung ương năm 2019; Sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện NSNN năm 2018, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.
Thu NSNN năm 2018 ước vượt 3% dự toán
Theo báo cáo của Chính phủ, thu NSNN ước cả năm 2018 vượt 3% dự toán, cơ cấu thu bền vững hơn, tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu, dầu thô giảm, thu nội địa tăng, chiếm gần 82% tổng thu cân đối NSNN. Công tác kiểm tra, thanh tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá được chú trọng. Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 26,8%, cao hơn giai đoạn trước (23,6%) và kế hoạch 2016 - 2020 (25 - 26%). Mặc dù hàng năm vẫn bảo đảm nguồn tăng lương cơ sở nhưng tỷ trọng chi thường xuyên vẫn giảm còn 63,3%, thấp hơn đầu nhiệm kỳ (năm 2015 là 67,7%) và kế hoạch 2016 - 2020 (dưới 64%). Bội chi NSNN ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra (3,7%), dự kiến đến năm 2020 còn 3,4% (mục tiêu đề ra là dưới 4%). Nợ công khoảng 61,4% GDP, giảm mạnh so với mức 63,7% năm 2016.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thiên tai bão lũ, trong 9 tháng qua, Chính phủ cũng đã chủ động sử dụng 56 nghìn tỷ đồng trong dự phòng ngân sách Trung ương để khắc phục thiên tai, dịch bệnh, sạt lở,…đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ chứa thủy lợi và một số nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng an ninh,...
Trong thời gian còn lại của năm, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo phấn đấu đạt và vượt mức báo cáo, trong đó tập trung công tác quản lý thu, chống thất thu chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, quản lý chi chặt chẽ tiết kiệm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa các địa phương hụt thu. Trường hợp các địa phương dự kiến hụt thu phải chủ động giảm, dãn các nhiệm vụ chi đồng thời huy động các nguồn lực của địa phương để đảm bảo.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2019, Chính phủ trình Quốc hội dự toán như sau: Thu NSNN 1.411,3 nghìn tỷ đồng. Thu nội địa 1.173,5 nghìn tỷ đồng, đạt 83,2% tổng thu. Thu dầu thô 44,6 nghìn tỷ đồng, giảm dần qua các năm. Thu cân đối XNK 189,2 nghìn tỷ đồng. Thu viện trợ 4 nghìn tỷ đồng.
Chi NSNN dự toán cho năm 2019 là 1.633,3 nghìn tỷ đồng. Một điểm quan trọng là dự toán 2019 sẽ vẫn dành NSNN để điều chỉnh tăng lương cơ sở. Căn cứ theo đó, dự toán bội chi NSNN 2019 là 3,6%GDP. Đến cuối năm 2019, dự kiến nợ công 61,3% GDP.
Giảm bội chi là động thái tích cực
Trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo nói trên của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp trong Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016-2020 dự kiến tỷ lệ huy động từ thuế, phí thấp hơn 21% GDP, khả năng hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 là khó khăn. Ủy ban TCNS cho rằng, cần phân tích kỹ những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và có biện pháp động viên nguồn thu cao hơn trên cơ sở cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thu; rà soát các nội dung liên quan đến ưu đãi đầu tư; rà soát, có biện pháp hiệu quả hơn trong công tác quản lý nguồn thu, chống thất thu.
Về thu nội địa, UBTCNS nhận thấy, thu nội địa là khá tích cực, tuy nhiên, Chính phủ cần thận trọng rà soát việc Chính phủ xây dựng dự toán lại dự toán thu phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của các địa phương, lưu ý đến các địa phương nhiều năm thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán.
Về thu cân đối từ hoạt động XNK, Chính phủ dự kiến tăng thấp so với ước thực hiện năm 2018 (0,1%). Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với phương án Chính phủ trình và cho rằng, mức dự toán này tuy khá thấp nhưng bảo đảm còn dư địa trong quá trình triển khai thực hiện. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán, cân nhắc, có thể điều chỉnh tăng mức dự toán cho phù hợp với tình hình thực tế.
Về thu từ dầu thô, Ủy ban TCNS nhận thấy, sản lượng khai thác có xu hướng giảm dần qua các năm, do đó đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ khai thác, dự kiến trữ lượng và kế hoạch khai thác trong các năm tiếp theo, tạo căn cứ xây dựng dự toán sát hơn. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể, thực chất, rõ ràng để giải quyết việc giảm nguồn thu khá lớn khi dự án lọc dầu Nghi Sơn đi vào kinh doanh, nhằm bảo đảm cân đối tài chính và mức đóng góp của PVN cho NSNN.
Về dự toán chi NSNN, theo ông Nguyễn Đức Hải, cần tiếp tục quán triệt trong quản lý, điều hành phải thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp và Luật NSNN hiện hành; ưu tiên bố trí chi cho các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; chú trọng bố trí chi cho con người, bảo đảm thực hiện các chính sách đã ban hành.
Cơ cấu chi NSNN dự kiến bố trí chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi NSNN. Sự chuyển biến của tỷ lệ này đã góp phần bảo đảm mục tiêu cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên theo Nghị quyết của Quốc hội.
Về chi đầu tư phát triển, Chính phủ xây dựng dự toán tăng 7,4% so với dự toán năm 2018. Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với phương án Chính phủ trình về tổng mức. Tuy nhiên, qua giám sát, Ủy ban TCNS nhận thấy, việc chuyển nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại các địa phương còn khá lớn. Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục vấn đề này.
Về chi thường xuyên, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh hơn chi NSNN cho đoàn ra; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.
Để thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, Chính phủ đã xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2019 bao gồm cả kinh phí thực hiện tinh giản biên chế và giao cơ chế tự chủ theo hướng cắt giảm chi lương và chi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình.
Về thực hiện cải cách tiền lương (tăng khoảng 7% từ ngày 1/7/2019), đại diện Ủy ban TCNS cho rằng việc thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo đúng lộ trình đã được Quốc hội quyết định trong Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, nhằm góp phần nâng thu nhập cho cán bộ, công chức.
Mặt khác, việc thực hiện cải cách tiền lương năm 2019 được thực hiện đi đôi với tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18-NQ/TW là phù hợp. Vì vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí với phương án Chính phủ trình.
Về bội chi ngân sách và nợ công, Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2019 khoảng 3,6%GDP, giảm 0,1%GDP so với năm 2018. “Trong bối cảnh khả năng tăng thu NSNN còn khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư lớn, nhiều nhiệm vụ chi cần được bảo đảm như chi lương và bảo đảm các chính sách an sinh - xã hội đã ban hành, việc giữ mức bội chi thấp hơn năm 2017 là tích cực” – ông Hải nhận định.
Không ban hành chính sách làm tăng chi NSNN
Về các giải pháp để thực hiện dự toán NSNN năm 2019, Uỷ ban TCNS cho rằng cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu NSNN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế để tăng thu NSNN. Đồng thời, quán triệt nguyên tắc không ban hành chính sách làm giảm thu NSNN để bảo đảm tính ổn định của chính sách thu và tỉ lệ huy động vào NSNN.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Chậm nhất đến 30/9 hằng năm phải rà soát các nhiệm vụ chi đầu tư chậm triển khai, chậm giải ngân, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA để cắt giảm dự toán, điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Chính phủ cũng cần tăng cường công tác quản lý chi NSNN, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công. Không ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi không cân đối được nguồn để thực hiện. Không nợ chi thực hiện chính sách đã ban hành. Tăng cường kỷ luật ngân sách, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu./.