Ngày 3/11/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018. Các thành viên Chính phủ đã nghe, thảo luận hơn 10 nội dung, trong đó tập trung vào tình hình kinh tế- xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2018; về một số chủ trương, chính sách, xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật…
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Qua việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, dù mỗi thành viên Chính phủ có số phiếu tín nhiệm cao, thấp khác nhau nhưng đều thôi thúc các Bộ trưởng, Trưởng ngành nhanh chóng khắc phục các tồn tại, hạn chế, đề cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, đánh giá sát tình hình quốc tế và trong nước, đề ra các giải pháp thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2018.
Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2018 tiếp tục có bước phát triển tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, đúng hướng dự báo đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,33% so với tháng trước là mức an toàn. Tính chung 10 tháng, CPI bình quân tăng 3,6% so với cùng kỳ, dự báo hoàn thành mục tiêu kiểm soát dưới 4% cả năm 2018. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,38%. Thu, chi NSNN đạt tiến độ, trong đó, tổng thu cân đối NSNN lũy kế 10 tháng ước đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 84,9% dự toán, tăng 15,1% so với cùng kỳ; tổng chi cân đối NSNN ước đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài (bao gồm cả FDI) đăng ký ước đạt 27,9 tỷ USD, giảm nhẹ (khoảng 1,2%) so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên, giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng, ước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư, chiếm tỷ trọng 47,5% tổng số vốn đăng ký.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đà phát triển tích cực toàn diện trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; công nghiệp; dịch vụ. Sức mua của thị trường trong nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,4% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,31% (cùng kỳ tăng 8,79%). Tình hình xuất, nhập khẩu về cuối năm có chuyển biến mạnh mẽ, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt 200,2 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ, bằng giá trị của cả năm 2017. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 16,8%, tiếp tục xu thế tăng cao hơn mức tăng bình quân chung và cao hơn mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (10 tháng ước tăng 13,2%). Tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng ước đạt 193,8 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ, cán cân thương mại ước xuất siêu 6,4 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, là mức xuất siêu cao nhất từ trước đến nay. Tính chung 10 tháng, cả nước có trên 109,6 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn, mức vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, an sinh xã hội, lao động, việc làm... tiếp tục có chuyển biến tích cực, đáng chú ý là tạo việc làm cho khoảng 1,35 triệu lao động, đạt 84,6% kế hoạch năm. Tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, giảm 8,2% về số vụ tai nạn giao thông và giảm 2,2% về số người tử vong so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản giá thấp, xuất khẩu tăng về số lượng nhưng giá giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm. Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua có chuyển biến tích cực nhưng giải ngân vốn Trung ương tiếp tục giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể bằng gần 83% số doanh nghiệp mới thành lập, là tỷ lệ khá cao. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến rất phức tạp...
Chuẩn bị kế hoạch 2019 căn cơ, rõ nét
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực hơn năm trước, củng cố thêm dự báo cả nước sẽ vượt và đạt toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà Quốc hội giao năm 2018. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp và rất khó lường; đặc biệt là căng thẳng thương mại quốc tế tiếp tục leo thang; giá dầu có xu hướng tăng vào cuối năm sẽ tác động tới điều hành và nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhìn nhận trực diện vào các khó khăn, thách thức, không lơ là, chủ quan với thành tích đạt được vừa qua; kiên định với các nhiệm vụ, giải pháp chính đã đề ra, đồng thời có đối sách phù hợp, kịp thời không để bị động, bất ngờ.
Theo đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá, tiền tệ, ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách. Bảo đảm an toàn nợ công. Điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và định hướng hỗ trợ ổn định lạm phát, duy trì thanh khoản ở mức hợp lý, đảm bảo cung tiền đầy đủ cho nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản, chứng khoán. Có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng, thu hút mạnh mẽ kiều hối. Đẩy mạnh cung ứng hàng hóa, bình ổn giá, không để khan hàng trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
Bên cạnh thực hiện kế hoạch năm 2018, Thủ tướng nêu rõ cũng cần chuẩn bị cho kế hoạch 2019 một cách căn cơ, rõ nét hơn. Điều này đòi hỏi các thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành nỗ lực, sáng tạo hơn nữa, thực hiện hiệu quả hơn nữa các mục tiêu đề ra.
Về nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm 2018, Thủ tướng nêu rõ tiếp tục nhất quán ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Do đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước để kiểm soát lạm phát, điều tiết phù hợp các chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa. Hết sức lưu ý điều hành giá xăng dầu, giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế.
Bảo đảm tốt cung ứng hàng hóa, bình ổn giá, không để sốt, khan hàng trong dịp cuối năm, dịp Tết Nguyên đán. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng kế hoạch, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể để nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, cụ thể đến từng chỉ tiêu, đặc biệt tiêu chí, nhóm chỉ tiêu Việt Nam xếp hạng thấp, có nguy cơ tụt hậu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, khẩn trương chuẩn bị xây dựng Nghị quyết 01 năm 2019, nghiên cứu kỹ tình hình quốc tế và trong nước, xây dựng ngay kịch bản điều hành năm 2019, đề ra giải pháp, đối sách phù hợp. Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để xóa bỏ các rào cản và thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ. Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ.
Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng nhằm tạo thêm sự linh hoạt khi ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính thế giới và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng.
Bộ Tài chính chú trọng theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có giải pháp phù hợp, kịp thời để phát triển hiệu quả, bền vững thị trường chứng khoán.
Các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm chất lượng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2018; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình kinh tế, thương mại trong và ngoài nước để kịp thời có phản ứng chính sách với những diễn biến mới. Rà soát, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bộ Xây dựng nghiên cứu hình thành các mô hình mới về phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh... Chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững. Hoàn thiện Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”, trình Thủ tướng trong quý IV/2018.
Bộ Giao thông vận tải rà soát, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông. Đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm của ngành như Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam... Xử lý dứt điểm và hiệu quả các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Tăng cường việc giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển, mục tiêu nhiệm vụ được giao của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Tập trung ưu tiên nguồn lực để hoàn thành những công trình trọng điểm và then chốt nhằm gia tăng năng lực sản xuất; tiếp tục giải quyết các khó khăn, tồn tại của những dự án kém hiệu quả, thua lỗ.
Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, năng lực phòng ngừa dịch bệnh.
Về lĩnh vực xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành quyết liệt chỉ đạo công tác hoàn thiện pháp luật; không để nợ đọng văn bản, xoá bỏ các văn bản trái luật. Tiếp tục triển khai quyết liệt việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng có kế hoạch triển khai thực hiện ngay những lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14./.
Như Ý