Quy chế Thi đua –Khen thưởng của Kiểm toán nhà nước

(sav.gov.vn) - Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ban hành Quyết định số 2211/QĐ-KTNN ngày 13/11/2018 về Quy chế Thi đua – Khen thưởng (TĐ-KT) của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Quy chế quy định về tổ chức, thực hiện công tác thi đua khen thưởng của Kiểm toán nhà nước, bao gồm: Đối tượng, nguyên tắc, hình thức, nội dung, tổ chức phong trào thi đua, tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua; Tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng; Thẩm quyền quyết định và trao tặng khen thưởng; Thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; Tỷ lệ bình xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng; Hội đồng sáng kiến; Thông báo kết quả khen thưởng, lưu trữ hồ sơ khen thưởng; Sử dụng quỹ thi đua khen thưởng; Quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tập thể trong thi đua, khen thưởng; Kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng; Xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng của KTNN.

Theo đó, Quy chế gồm 10 Chương và 50 điều áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (cá nhân) thuộc KTNN; Các đơn vị trực thuộc KTNN (tập thể cấp vụ); các phòng, ban và cấp tương đương trong các đơn vị trực thuộc (tập thể cấp phòng); Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và các tập thể khác được thành lập theo quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN có thẩm quyền; Các cá nhân, tập thể ngoài Ngành có thành tích đóng góp thiết thực, hiệu quả cho hoạt động, sự nghiệp xây dựng và phát triển KTNN.

Quyết định yêu cầu phải thực hiện đúng theo nguyên tắc và một số quy định chung về thi đua, khen thưởng: Tự nguyện, tự giác, công khai, dân chủ; Đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển; Chính xác, công khai, dân chủ, công bằng, kịp thời;­ Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng tuỳ thuộc vào tác dụng, phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích để xét khen thưởng, không tặng thưởng nhiều hình thức khen thưởng cho một thành tích đạt được; Bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng; Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất. Hình thức khen thưởng phải phù hợp với đối tượng, chức năng, nhiệm vụ được giao của tập thể, cá nhân và thành tích đạt được; Khen thưởng phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp mới được khen thưởng mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác.

Về tổ chức phong trào thi đua, gồm thi đua thường xuyên và thi đua theo chuyên đề (theo đợt); Nội dung phong trào thi đua phảo có chủ đề, có tên gọi dễ nhớ, dễ tuyên truyền, dễ thực hiện; Công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua thường xuyên được tiến hành đồng thời với sơ kết, tổng kết công tác chuyên môn, đánh giá, bình xét khen thưởng theo định kỳ ở các đơn vị…

Về Danh hiệu thi đua và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, Quy chế nêu: Các danh hiệu thi đua đối với cá nhân bao gồm: “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua cấp Ngành”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”; Các danh hiệu thi đua đối với tập thể: “Cờ thi đua của Chính phủ”, “Cờ thi đua của KTNN”, “Tập thể lao động xuất sắc”, “Tập thể lao động tiên tiến”.

Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 24 Luật Thi đua, Khen thưởng; Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng mỗi năm một lần vào dịp tổng kết năm công tác của cơ quan, đơn vị; Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với một trong các trường hợp: Mới tuyển dụng vào KTNN dưới 10 tháng, bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên;

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân đạt được các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP;

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp ngành” được xét tặng cho cá nhân đạt được các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP;

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP;

Về tiêu chuẩn danh hiệu thi đua đối với tập thể: “Tập thể lao động tiên tiến” là tập thể tiêu biểu được lựa chọn trong số các tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Thi đua, Khen thưởng; “Tập thể lao động xuất sắc” là tập thể tiêu biểu được lựa chọn trong số các tập thể đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” đạt tiêu chuẩn quy định theo khoản 1 Điều 27 Luật Thi đua, Khen thưởng; Các đơn vị được tặng “Cờ thi đua của KTNN” phải đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 26 Luật Thi đua, Khen thưởng; danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” được đề nghị xét tặng cho các tập thể tiêu biểu xuất sắc nhất trong các tập thể đạt tiêu chuẩn “Cờ thi đua của KTNN”. Các tập thể tiêu biểu xuất sắc nhất trong phong trào thi đua theo chuyên đề do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ phát động được đánh giá khi sơ kết, tổng kết từ 05 năm trở lên.

Quy chế cũng nêu cụ thể chi tiết từng nội dung về Hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng; Thẩm quyền quyết định, trao tặng và thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; Thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; Đăng ký thi đua, quy trình bình xét thi đua, tỷ lệ bình xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; Hội đồng TĐ-KT, Hội đồng sáng kiến; Thông báo kết quả khen thưởng, lưu trữ hồ sơ khen thưởng, sử dụng quỹ TĐ-KT; Quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tập thể, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác TĐ-KT.

Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc KTNN và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung đã quy định trong Quy chế này; đồng thời, trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc hoặc phát sinh mới, các đơn vị phản ánh kịp thời về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng KTNN để tổng hợp báo cáo, đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Thanh Trang