(sav.gov.vn) - Ngày 04/12/2018, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Hội đồng khoa học của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu đề tài cứu khoa học (NCKH) cấp cơ sở năm 2017 “Kiểm toán việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại các Ngân hàng thương mại (NHTM)” do Cử nhân Hoàng Thế Linh và Ths. Nguyễn Khắc Hình thuộc KTNN chuyên ngành VII đồng chủ nhiệm đề tài. PGS, TS. Nguyễn Đình Hòa, Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, đối với các NHTM, hoạt động tín dụng là một nghiệp vụ chính yếu, với việc tập trung nguồn lực, chiếm phần lớn trong tổng tài sản, mức độ rủi ro cao nhất thì việc kiểm toán phân loại nợ của các NHTM cũng tiềm ẩn rủi ro và có ảnh hưởng trọng yếu trong hoạt động kiểm toán các NHTM. Theo quy định của pháp luật, các điều kiện chuẩn bị và tổ chức thực hiện tại các NHTM cần rất nhiều sự chuẩn bị về cả dữ liệu, công nghệ để có thể đảm bảo thực hiện đúng. Vì vậy, việc nghiên cứu để xây dựng các thủ tục kiểm toán và quy trình thực hiện việc kiểm toán công tác tổ chức thực hiện phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro rất cần thiết với việc kiểm toán mục tín dụng tại các NHTM và việc kiểm toán công tác tổ chức thực hiện tại trụ sở chính.
Đề tài nghiên cứu các nguyên lý chung, kết hợp đánh giá hiện trạng qua kiểm toán các NHTM trước đây của KTNN chuyên ngành VII; Các điểm thay đổi của Thông tư 02/2013/TT-NHNN do NHNN ban hành quy định về việc phân loại nợ trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng so với các quy định trước đây, từ đó xây dựng các thủ tục kiểm toán phù hợp, hiệu quả, đặc biệt đối với công tác tổ chức thực hiện tại trụ sở chính đối với công tác phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại các NHTM.
Ngoài phần mở đầu, kết luận, các phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của đề tài được trình bày trong hai chương: Tổng quan về hoạt động cho vay và phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của các NHMT; Hướng dẫn kiểm toán việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tại các NHTM.
Nhận xét về đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính thực tiễn của đề tài, nhất là trong bối cảnh tái cơ cấu các NHTM đang diễn ra hiện nay. Đề tài bước đầu đã xác định được mục tiêu, nội dung, đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu. Đề tài cũng đã hệ thống hóa và phân tích những vấn đề tổng quan về hoạt động cho vay, phân loại nợ trích lập dự phòng rủi ro của các NHTM. Bước đầu phân tích đánh giá thực trạng kiểm toán nôi dung phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của các NHTM tại KTNN chuyên ngành VII. Đề tài cũng đã xay dựng hướng dẫn thủ tục kiểm toán đối với phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tại trụ sở chính của của các NHTM. Các thành viên Hội đồng nghiệm thu cũng đã góp ý một số ý kiến chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài về kết cấu và nội dung để đề tài gắn kết, logich và cân đối.
Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS Nguyễn Đình Hòa khuyến nghị Ban chủ nhiệm đề tài: Chỉnh sửa phần mở đầu để xác định rõ mục tiêu nghiên cứu của đề tài; Kết cấu lại chương, mục của đề tài đảm bảo tính cân đối, logic của đề tài; Bổ sung thêm về mặt lý luận đề cập tới mục tiêu, nội dung kiểm toán, phương pháp tổ chức kiểm toán việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; Đánh giá thực trạng kiểm toán đối với phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tại các NHTM cần bổ sung thêm các kết quả đạt được, phân tích các hạn chế, tồn tại…
Ngoài ra, Ban chủ nhiệm đề tài nên đề cập kinh nghiệm phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của định chế tài chính quốc tế; Đề cập kinh nghiệm kiểm toán hoạt động phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của các NHTM của các công ty kiểm toán độc lập.
Đề tài được đánh giá đạt yêu cầu./.
Ngọc Bích