Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV: Hoàn thành phát hành BCKT toàn bộ 14 cuộc kiểm toán năm 2018

(sav.gov.vn) - Ngày 26/12/2018, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành IV đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2019 và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2018. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019, Phó  Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Trần Văn Hồng cho biết: Năm 2018, đơn vị được giao thực hiện 14 cuộc kiểm toán, bao gồm 8 cuộc kiểm toán với 13 dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay thông thường, vốn vay ưu đãi và vốn viện trợ không hoàn lại của các nhà tài trợ nước ngoài (ODA); 5 cuộc kiểm toán với 5 dự án theo hình thức BOT, BT và 01 cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu. Trong đó, có một số cuộc kiểm toán có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, sử dụng vốn ODA được dư luận xã hội quan tâm, như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai thuộc hành lang giao thông Côn Minh – Hải Phòng; Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh; Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016 -2020 tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Đến nay, KTNN chuyên ngành IV đã hoàn thành phát hành BCKT toàn bộ 14 cuộc kiểm toán. Tổng hợp kết quả kiểm toán của 14 cuộc kiểm toán năm 2018, tổng số kiến nghị dự kiến là 18.430.714 triệu đồng, trong đó tổng số kiến nghị về xử lý tài chính là 6.506.512 triệu đồng (tương đương 8,43% giá trị báo cáo được kiểm toán), gấp 2,37 lần so với năm 2017 (2.742.097 triệu đồng); số tăng thu, giảm chi NSNN là 1.072.605 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2017.

Qua hoạt động kiểm toán, KTNN chuyên ngành IV cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh vốn của 468 dự án và 01 Đề án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với số vốn đã phân bổ 11.924.202 triệu đồng chưa phù hợp mục tiêu, đối tượng ưu tiên của Chương trình.

Phó Kiểm toán trưởng Trần Văn Hồng cũng cho biết, cùng với những phát hiện và kiến nghị về xử lý kinh tế, các Đoàn kiểm toán đã tập trung đi sâu kiểm toán tuân thủ, từ đó chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của các tập thể, cá nhân liên quan đến hạn chế, sai phạm, đồng thời có nhiều kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, vốn đầu tư, đặc biệt là quản lý các dự án sử dụng vốn vay ODA và các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, BT; kiểm soát tỷ giá nhận nợ đối với các dự án vay ODA; kiến nghị bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần đưa công tác quản lý kinh tế, tài chính nói chung và quản lý dự án đầu tư nói riêng đi vào nề nếp, tiết kiệm, hiệu quả.

Về công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng số kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện của 20 cuộc kiểm toán năm 2017 là 1.989.954 triệu đồng, đạt 73% số kiến nghị. Tổng kiến nghị xử lý tài chính các năm trước thực hiện bổ sung trong năm 2018 là 14.317 triệu đồng. Ngoài ra, KTNN chuyên ngành IV đã phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các kiến nghị của đơn vị được kiểm toán theo đúng quy trình quy định, không có kiến nghị tồn tại kéo dài.
 
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Hoàng Phú Thọ phát biểu tại Hội nghị

Trong năm 2018, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, KTNN chuyên ngành IV xác định đổi mới, nâng cao chất lượng trên các mặt công tác: Xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán và quản lý hoạt động kiểm toán; Kiểm soát chất lượng kiểm toán; Lập và phát hành báo cáo kiểm toán. Cụ thể, trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, kế hoạch kiểm toán năm được xây dựng chủ động, khoa học, xác định chi tiết danh mục các đầu mối, đơn vị được kiểm toán nhằm hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp với các cơ quan thanh tra cũng như chồng chéo trong nội bộ Ngành; kế hoạch kiểm toán chi tiết của các Tổ kiểm toán đã chú trọng đánh giá sâu rủi ro kiểm toán, xác định đúng trọng tâm kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán.

Việc thực hiện kiểm toán và quản lý hoạt động kiểm toán được thực hiện nghiêm túc, bám sát các văn bản chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo KTNN; cấp ủy, lãnh đạo đơn vị quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán, đồng thời tăng cường việc thực hiện tác phong, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ và tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.

Công tác quản lý hoạt động kiểm toán của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán được thực hiện thường xuyên, sát sao, đảm bảo sự phân cấp gắn với trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể của từng cấp quản lý, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ đội ngũ Kiểm toán viên, vừa tạo sự tin tưởng và điều kiện thuận lợi cho Kiểm toán viên phát huy sự chủ động, tự tin, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, xác định rõ tầm quan trọng của công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán trong quản lý hoạt động kiểm toán và đảm bảo chất lượng kiểm toán, hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán luôn được quan tâm và được thực hiện xuyên suốt theo Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán, từ khâu chuẩn bị kiểm toán đến khâu phát hành báo cáo kiểm toán.

Coi công tác lập và phát hành báo cáo kiểm toán kịp thời luôn là yêu cầu đặt ra và được lãnh đạo KTNN chuyên ngành IV đặc biệt quan tâm. Ngay khi kết thúc kiểm toán, các Đoàn kiểm toán đã tập trung nhân lực để tổng hợp số liệu, tình hình kiểm toán và lập BCKT đảm bảo chất lượng và tiến độ. Bên cạnh việc triển khai quyết liệt các nội dung trên, công tác phối hợp với các đơn vị trong ngành, công tác xây dựng và tập huấn, phổ biến pháp luật, công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.

Báo cáo cũng chỉ ra một số mặt tồn tại trong công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động kiểm toán, như: Một số Đoàn, Tổ kiểm toán chưa nhanh nhạy nắm bắt tình hình để triển khai kịp thời một số nội dung kiểm toán trọng tâm; hoạt động của các Tổ kiểm soát chủ yếu vẫn thực hiện gián tiếp thông qua kiểm tra nhật ký Kiểm toán viên và hồ sơ kiểm toán, chưa kiểm soát trực tiếp tại các Đoàn kiểm toán…

Về chương trình công tác năm 2019, KTNN chuyên ngành IV được giao nhiệm vụ thực hiện 13 cuộc kiểm toán, trong đó có 3 cuộc kiểm toán chuyên đề. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, KTNN chuyên ngành IV xác định: “Tăng cường kiểm toán chuyên đề nhằm đánh giá tính tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; Gia tăng giá trị và hiệu lực kiểm toán; Tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán, quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của KTV nhà nước, đề cao trách nhiệm công chức, công vụ; Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập KTNN.

Tại Hội nghị, Dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 đã nhận được sự nhất trí cao của các đại biểu tham dự. Hội nghị cũng nghe đại diện một số Phòng nghiệp vụ của KTNN chuyên ngành IV trình bày tham luận về những vướng mắc, khó khăn, đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng công tác chuyên môn…
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành cơ bản đồng tình với các nội dung được trình bày trong Báo cáo; ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của tập thể KTNN chuyên ngành IV trong năm 2018. “Năm 2018 ghi nhận một năm đổi mới và có nhiều đột biến trong hoạt động kiểm toán và các mặt công tác khác của KTNN chuyên ngành IV, đặc biệt trong chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu đơn vị, sát sao, cụ thể, nghiêm túc qua đó KTNN chuyên ngành IV đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chuyên môn được giao” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nói.

Ghi nhận về những điểm mới trong hoạt động của đơn vị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng đó là đơn vị đã sử dụng rất hợp lý cơ cấu ngành (kỹ sư – tài chính), qua đó phát huy được năng lực của từng Kiểm toán viên với từng ngành khác nhau, đặc biệt là khối tài chính. Bên cạnh đó, công tác kiểm toán cũng tập trung nhiều vào việc đánh giá tính tuân thủ, chứ không chỉ thuần túy đi vào việc bóc tách khối lượng, qua đó đưa ra được nhiều kiến nghị sắc nét. Năng lực tổng hợp được nâng lên, là cơ sở cho công tác phát hành Báo cáo kiểm toán đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Các phòng nghiệp vụ ký giao ước thi đua năm 2019

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành đề nghị: KTNN chuyên ngành IV cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán, bố trí số lượng Kiểm toán viên đảm bảo hợp lý về cơ cấu, chất lượng, cân đối tỷ lệ Kiểm toán viên khối kỹ thuật và kinh tế, đáp ứng hoạt động kiểm toán theo kế hoạch đã đề ra; Tăng cường vai trò của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán trong việc xây dựng kế hoạch hành động thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được Lãnh đạo KTNN phê duyệt; Giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, không ngừng trau dồi, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên …

Thay mặt cho lãnh đạo, công chức, Kiểm toán viên đơn vị, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Hoàng Phú Thọ trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành và các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Báo cáo. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, các ý kiến tham gia của đại biểu, Kiểm toán trưởng Hoàng Phú Thọ khẳng định sẽ cùng tập thể nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Lãnh đạo KTNN giao trong năm 2019.
 
* Cùng ngày, KTNN chuyên ngành IV tổ chức Hội nghị thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở và Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2018.

Thanh Hà