Thời báo Kinh tế Việt Nam phỏng vấn Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh
Năm 2018 là một năm như thế nào đối với Kiểm toán nhà nước (KTNN), thưa ông?
Với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức KTV, KHKT năm 2018 đã được triển khai thực hiện với nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.
Đến nay, KTNN đã hoàn thành 253/253 cuộc kiểm toán theo kế hoạch. Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, nội dung kiểm toán và tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của KTV nhà nước.
Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 31/12/2018 là 89.600 tỷ đồng (trong đó thu về NSNN 20.518 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.948 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 45.134 tỷ đồng), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN (44.466 tỷ đồng) tăng 18,39% so với năm 2017 (37.556 tỷ đồng).
Qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 115 văn bản pháp luật (02 luật, 04 nghị định; 15 thông tư; 15 nghị quyết; 28 quyết định; 51 văn bản khác) nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong: Quản lý hoàn thuế GTGT, thuế xuất khẩu; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; thực hiện hợp đồng BT, BOT; cơ chế quản lý, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghệ cao; việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA;...
Mặc dù việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đã đạt tỷ lệ ngày một tăng, nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Đâu là những nguyên nhân, thưa ông?
Mặc dù việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, một số năm gần đây đã từng bước được cải thiện; tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo so với yêu cầu đặt ra, tỷ lệ thực hiện kiến nghị còn chưa cao, cụ thể: Năm 2011 là 71,62% (thực hiện 15.198,9/21.220,9 tỷ đồng); Năm 2012 là 65% (thực hiện 9.438,6/14.517,9 tỷ đồng); Năm 2013 là 63,1% (thực hiện 13.390/21.206 tỷ đồng); Năm 2014 là 64,3% (thực hiện 14.733/22.904 tỷ đồng); Năm 2015 là 75,6% (thực hiện 15.794/20.894 tỷ đồng); Năm 2016 là 78,2% (thực hiện 30.082,2/38.450,4 tỷ đồng); Năm 2017 được tổng hợp sơ bộ đến 20/12/2018 là 60.444 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2016.
Nguyên nhân kết quả thực hiện kiến nghị của KTNN chưa cao trong thời gian qua là:
Về khách quan, do suy thoái kinh tế, nhiều đơn vị có số tăng thu phát hiện qua kiểm toán gặp khó khăn về tài chính nên chưa có nguồn thực hiện, có đơn vị đã giải thể; phần lớn các đơn vị sử dụng sai nguồn kinh phí đều thuộc các địa phương nghèo, khó khăn về tài chính nên chưa cân đối được nguồn hoàn trả theo kiến nghị của KTNN; ý thức của một số đơn vị trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN còn chưa đầy đủ, đồng thời chưa có chế tài để xử lý đối với những trường hợp đơn vị không thực hiện nghiêm túc kiến nghị của KTNN, chưa có quy định về trách nhiệm công khai tình hình thực hiện kiến nghị của KTNN tại các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan...
Về chủ quan, có nhiều trường hợp đã thực hiện kiến nghị nhưng ghi chép nội dung trên chứng từ không đúng hướng dẫn dẫn đến không tổng hợp được kết quả; một số kiến nghị của KTNN còn chưa cụ thể, rõ ràng, chưa đảm bảo đầy đủ bằng chứng kiểm toán thuyết phục nên khó khăn trong quá trình thực hiện.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, KTNN hiện nay đang xây dựng Dự án Luật KTNN sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN năm 2015, dự kiến làm rõ các quy định về chế tài, thẩm quyền xử lý. Bên cạnh đó, KTNN không ngừng nâng cao chất lượng Báo cáo kiểm toán, đảm bảo kết luận, kiến nghị kiểm toán đúng pháp luật, khả thi. Ngoài ra, KTNN cũng tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội; các bộ, cơ quan TW; cấp ủy và chính quyền các cấp cũng như với từng đơn vị được kiểm toán. Hoạt động KTNN chỉ thực sự có ý nghĩa khi kết luận và kiến nghị kiểm toán được khai thác, sử dụng hiệu quả.
Trong năm 2019, KTNN sẽ thực hiện đa dạng hóa các loại hình kiểm toán theo quy định của Luật KTNN, trong đótrọng tâm là tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề. Xin ông cho biết định hướng trong công tác kiểm toán các loại hình kiểm toán này?
Thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến 2020 về đa dạng hóa các loại hình kiểm toán theo quy định của Luật KTNN, trọng tâm là đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN đã có nhiều giải pháp về ban hành chuẩn mực, quy trình, đề cương kiểm toán, tổ chức bộ máy và lập kế hoạch kiểm toán để triển khai thực hiện, trong đó, trong KHKT năm 2019, KTNN xác định các định hướng lớn trong phát triển kiểm toán chuyên đề và kiểm toán hoạt động như sau:
(1) Đối với lĩnh vực kiểm toán chuyên đề: KTNN lựa chọn kiểm toán 05 chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với chuyên đề, chủ đề có rủi ro kiểm toán cao; tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát, lãng phí NSNN; các vấn đề, chủ đề được dư luận xã hội quan tâm, gồm: Chuyên đề “Thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở y tế công lập”; Chuyên đề “Thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập”; Chuyên đề “Quản lý thu thuế xuất nhập khẩu”; Chuyên đề “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”; Chuyên đề “Việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT”.
Ngoài ra, KTNN cũng lựa chọn tổ chức kiểm toán một số chuyên đề có phạm vi phù hợp tại một số bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán nhằm đánh giá hiệu lực trong thực hiện các chương trình, dự án; tính kinh tế, hiệu quả trong quản lý và sử dụng kinh phí; đồng thời góp phần nâng cao năng lực của các KTNN chuyên ngành, khu vực và làm cơ sở để đánh giá, nhân rộng thành các cuộc kiểm toán chuyên đề có phạm vi rộng trong các năm sau.
(2) Đối với lĩnh vực kiểm toán hoạt động: Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, kiểm toán hoạt động sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của KTNN nhằm đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, để áp dụng kiểm toán hoạt động rộng rãi, KTNN cần tiếp tục có lộ trình phát triển hợp lý, trong đó trong năm 2019, KTNN xác định tiếp tục thí điểm thực hiện kiểm toán hoạt động theo 02 hướng:
- Lồng ghép nội dung kiểm toán hoạt động trong các cuộc kiểm toán tài chính: Thực hiện lồng ghép nội dung kiểm toán hoạt động trong các cuộc kiểm toán tài chính, đặc biệt là kiểm toán quyết toán ngân sách bộ, ngành và địa phương đã được KTNN thực hiện trong nhiều năm gần đây. Trong đó, tại các cuộc kiểm toán quyết toán Ngân sách Nhà nước, KTNN đều đặt ra mục tiêu, nội dung và bố trí thời gian, nhân lực để thực hiện “đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công” của các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán.
- Kiểm toán hoạt động độc lập: Triển khai áp dụng Chuẩn mực ISSAI 300 và 3000, trong KHKT năm 2019, KTNN đã lựa chọn một số chủ đề kiểm toán được dư luận xã hội quan tâm, một số chương trình - dự án với quy mô hợp lý để tổ chức kiểm toán hoạt động theo đúng các quy trình, chuẩn mực đã được ban hành phù hợp với các quy định và chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Trong đó, năm 2019 là năm đầu tiên một số dự án, chương trình có quy mô và phạm vi tương đối lớn lần đầu được KTNN lựa chọn để tổ chức thành các cuộc kiểm toán hoạt động độc lập như: Hoạt động quản lý và sử dụng kinh phí đường bộ, đường sắt giai đoạn 2017-2018; Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng; Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Việc quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016 - 2018 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ….
Việc tiếp tục song song lồng ghép nội dung kiểm toán hoạt động trong các cuộc kiểm toán tài chính trong năm 2019 và tổ chức các cuộc kiểm toán hoạt động độc lập sẽ cung cấp các cơ sở quan trọng để KTNN có thể nghiên cứu hoàn thiện văn bản hướng dẫn; kiện toàn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, phương pháp kiểm toán hoạt động cho kiểm toán viên để vận dụng trong thực tiễn và đưa ra các định hướng phát triển kiểm toán hoạt động trong dài hạn.