* Năm 2018 tiếp tục đánh dấu là một năm thành công của KTNN với nhiều kết quả nổi bật, góp phần giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Xin Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết những kết quả nổi bật của KTNN trong năm qua?
Năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với KTNN, năm bản lề cho việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng ủy, Ban Cán sự Đảng, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, người lao động toàn Ngành, KTNN đã hoàn thành toàn diện kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2018 đạt chất lượng, hiệu quả; đạo đức, kỷ cương được tăng cường; nội dung, phương thức kiểm toán được đổi mới; hoạt động kiểm toán ngày càng công khai, minh bạch, lần đầu tiên danh mục chi tiết các đơn vị, đầu mối kiểm toán được xác định và công khai ngay từ đầu năm khắc phục chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra các cấp và KTNN, tạo sự chủ động trong hoạt động kiểm toán và thuận lợi cho các đơn vị; đây cũng là năm đầu tiên KTNN đẩy mạnh tiến độ thực hiện kiểm toán và hoàn thành phát hành toàn bộ các báo cáo kiểm toán thuộc KHKT năm trước 31/12/2018; kết quả kiểm toán được tăng cường, đi vào chiều sâu, tập trung vào các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, góp phần tích cực vào quản lý, điều hành tài chính công, tài sản công với nhiều kết quả nổi bật như sau:
KTNN đã phát hiện, kịp thời kiến nghị xử lý các sai phạm trong quản lý tài chính công, tài sản công. Trong đó, tổng hợp kết quả kiểm toán đến ngày 31/12/2018 của 253 BCKT đã phát hành, KTNN đã kiến nghị 89.600 tỷ đồng (thu về NSNN 20.518 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.948 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 45.134 tỷ đồng). Thông qua kiểm toán, KTNN đã cung cấp báo cáo kiểm toán làm căn cứ quan trọng để Quốc hội, HĐND các cấp thực hiện chức năng phê chuẩn quyết toán NSĐP và quyết toán NSNN năm 2017. Bên cạnh đó, thông qua kết quả kiểm toán, KTNN đã cung cấp 146 báo cáo hồ sơ kiểm toán cho Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra TW, các ủy ban Quốc hội, cơ quan điều tra, Chính phủ để phục vụ các yêu cầu quản lý, điều hành và giám sát tài chính công, tài sản công trong năm 2018; KTNN đã chuyển 5 vụ việc cho cơ quan điều tra; KTNN đã tham gia ý kiến với Quốc hội trong việc xem xét về quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và các hoạt động giám sát khác.
Bên cạnh các kiến nghị xử lý tài chính, KTNN đã phát hiện, kiến nghị nhằm kịp thời bịt các lỗ hổng thất thoát, các sơ hở trong nhiều cơ chế, chính sách quản lý tài chính công, tài sản công. Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 31/12/2018, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, thay thế 115 văn bản (02 luật, 04 nghị định, 15 thông tư, 15 nghị quyết, 28 quyết định, 51 văn bản khác), trong đó có nhiều cơ chế chính sách quan trọng có tác động lớn đến quản lý tài chính công, tài sản công, chứa đựng rủi ro gây thất thoát, lãng phí NSNN được KTNN phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư theo hình thức BT, BOT; xây dựng cơ chế kiểm soát tỷ giá thanh toán để rút vốn, giải ngân của các dự án ODA nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn ODA, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và ngân hàng phục vụ; sửa đổi, bổ sung các quy định về thị trường phát điện cạnh tranh; biểu giá điện và quy định cơ chế và cách thức xây dựng biểu giá chi phí tránh được; hoàn thiện chính sách đất đai, đặc biệt phương pháp xác định giá đất ưu đãi đầu tư trong kinh tế, khu công nghệ cao, chính sách hoàn thuế VAT…
Hoạt động kiểm toán của KTNN trong năm 2018 cũng đã góp phần quan trọng vào việc cảnh báo và ngăn chặn kịp thời các tồn tại, hạn chế trong hệ thống quản lý, kiểm soát tài chính công, tài sản công; kiến nghị Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các đơn vị được kiểm toán kịp thời chấn chỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công từng bước góp phần xây dựng một nền tài chính quốc gia minh bạch, vững mạnh. Các cuộc kiểm toán mang lại kết quả cao như: Cuộc kiểm toán về việc hoàn thuế GTGT; kiểm toán các dự án BT; kiểm toán về ưu đãi đầu tư các khu kinh tế; kiểm toán Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; kiểm toán Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh Bến Thành - Suối Tiên; kiểm toán Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm Y tế tại 40 tỉnh; kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), kiểm toán các dự án ODA; kiểm toán công nghệ thông tin, thu thuế, hải quan... Những sai phạm đã được kiến nghị chấn chỉnh và trưng thu tiền cho ngân sách Nhà nước. Năm 2018, KTNN đã tổ chức thành công Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 và là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, thể hiện uy tín của KTNN trên trường quốc tế, đồng thời hội nhập sâu rộng với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới.
Hoạt động kiểm toán năm qua đã đạt kết quả tích cực gắn với việc đổi mới phương pháp kiểm toán. Việc thực hiện kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề được đẩy mạnh, việc áp dụng công nghệ cao, đặc biệt công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán được nâng cao, năng lực và phương pháp kiểm toán của Kiểm toán viên được tăng cường, cùng với việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh và sự liêm chính đã góp phần làm cho hoạt động kiểm toán ngày càng chất lượng, đạt kết quả cao, góp phần quan trọng vào việc chống thất thoát, lãng phí, sử dụng, quản lý nguồn lực công tiết kiệm, hiệu quả.
* Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá như thế nào về vai trò của KTNN trong phát triển đất nước và công cuộc phòng chống tham nhũng trong bối cảnh hiện nay?
KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Hoạt động kiểm toán của KTNN là kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính (BCTC); việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách (NS), tiền và tài sản của Nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước; phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của Quốc gia và các địa phương.
Thông qua kết quả kiểm toán, KTNN đã có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công, và đồng thời góp phần phòng, chống tham nhũng. Tổng hợp kết quả kiểm toán 05 năm gần đây, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 254.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu giảm chi NSNN hơn 127.000 tỷ đồng; chuyển hàng chục vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Đồng thời, KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế. Có thể khẳng định, KTNN là công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 vừa được Quốc hội thông qua đã quy định rõ “Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật”, bổ sung nhiệm vụ kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đối với KTNN so với các quy định trước đây; đồng thời bổ sung quy định về kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong KTNN. Thời gian tới, KTNN tiếp tục tăng cường công tác kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán để đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Năm 2018 cũng đánh dấu sự tham gia chủ động và tích cực của KTNN vào việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, Ban Cán sự, đặc biệt là việc quán triệt Chỉ thị số 769/CT-KTNN ngày 24/4/2016 về nâng cao hiệu quả công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN; công điện số 1696/CĐ-KTNN ngày 20/11/2018 về việc chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra thông qua hoạt động kiểm toán…, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán được đẩy mạnh, trong đó KTNN đã cung cấp 146 BCKT và các tài liệu liên quan, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Đặc biệt, qua kết quả kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo chuyển 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
* Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2018, bước sang năm 2019, hoạt động kiểm toán của KTNN sẽ hướng vào những nội dung trọng yếu nào thưa Tổng Kiểm toán nhà nước?
Năm 2019, hoạt động kiểm toán của KTNN hướng vào một số nội dung trọng yếu sau:
(1) Tập trung kiểm toán ngân sách năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan trung ương để đánh giá công tác quản lý, sử dụng, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách nhằm chấn chỉnh khắc phục sai phạm và phục vụ cho việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2018 của HĐND các địa phương và Quốc hội.
(2) Bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để triển khai nhiệm vụ kiểm toán năm 2019, trong đó tập trung vào kiểm toán các chương trình, dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm: Dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước; Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; Dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Dự án đầu tư xây dựng công trình Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Dự án Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng; Nhà máy thủy điện Sông Bung 2; Đường dây 500KV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên; Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1; Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh - giai đoạn 2...
(3) Đẩy mạnh kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường, trong đó lần đầu tiên KTNN lựa chọn một số dự án, chương trình có quy mô và phạm vi tương đối lớn để tổ chức thành các cuộc kiểm toán hoạt động độc lập trong năm 2019 như: Hoạt động quản lý và sử dụng kinh phí đường bộ giai đoạn 2017-2018; Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng; Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Phủ Lý (Hà Nam); Quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Tài chính...
(4) Lựa chọn và thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng phù hợp với thực tiễn công tác quản lý tài chính công, tài sản công trong giai đoạn 2016-2020 để đánh giá toàn diện, xuyên suốt nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý đối với từng chuyên đề được kiểm toán, gồm:
- Chuyên đề việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập và các trường đại học công lập giai đoạn 2016-2018 nhằm đánh giá việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế theo chủ trương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định về tự chủ tài chính của Chính phủ; đánh giá thực trạng, làm rõ các tồn tại, yếu kém trong tổ chức hoạt động và thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học công lập, các bệnh viện công lập; đánh giá chất lượng, hiệu quả việc ban hành cơ chế, chính sách và thực hiện kiểm tra, giám sát về tự chủ tài chính đối với các đơn vị được kiểm toán nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ để thực hiện giám sát, hoàn thiện pháp luật đối với việc đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Chuyên đề “Quản lý thu thuế xuất nhập khẩu” để đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong thực hiện các quy định về quản lý, kê khai, nộp thuế đối với các hoạt động xuất, nhập khẩu; đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực trong thực hiện các cam kết cắt giảm thuế theo các hiệp định tự do thương mại và xem xét ảnh hưởng của các cam kết này tới thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hàng năm, đồng thời bịt lỗ hổng thất thoát đối với công tác thu quản lý thuế này.
- Chuyên đề “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” để đánh giá việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình của từng cá nhân, tổ chức theo quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý và sử dụng kinh phí và các nguồn lực huy động cho Chương trình để cung cấp thông tin kịp thời cho hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Chương trình giám sát năm 2019 ban hành tại Nghị quyết số 538/2018/UBTVQH14 ngày 19/7/2018.
- Chuyên đề “Việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT” để đánh giá việc đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (hợp đồng BT) quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ; sự cần thiết và lợi thế của việc thực hiện dự án theo hình thức BT so với các loại hình đầu tư khác; đánh giá việc tuân thủ các quy định của Luật Đất đai về sử dụng quỹ đất để tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT nhằm kiến nghị hoàn thiện chính sách về BT để huy động nguồn vốn xã hội có hiệu quả nhưng không làm thất thoát ngân sách, tài sản nhà nước. KTNN tập trung kiểm toán các chuyên đề trên cùng nhiều chuyên đề khác để chấn chỉnh công tác quản lý, giúp sử dụng nguồn lực hiệu quả.
* Vậy những giải pháp cụ thể nào được KTNN đề ra nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của năm 2019?
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kiểm toán năm 2019, KTNN đã phân tích và đánh giá kỹ lưỡng trên nguyên tắc tập trung, dân chủ để đưa ra các giải pháp đồng bộ và hiệu quả để triển khai nhiệm vụ kiểm toán năm 2019 đạt chất lượng cao nhất, hiệu quả tốt nhất, trong đó nhấn mạnh vào các nhóm giải pháp chủ yếu sau:
(1) Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của ngành một cách khoa học, hiệu quả.
(2) Giảm 20% số lượng, đầu mối, đơn vị được kiểm toán trong năm 2019 để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán trên cơ sở đẩy mạnh kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, cơ sở số hóa dữ liệu và công nghệ cao thực hiện kiểm toán.
(3) Thực hiện thí điểm hoán đổi địa bàn đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, trong đó các KTNN chuyên ngành, khu vực sẽ hoán đổi các nhiệm vụ kiểm toán tương đồng tại các đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi kiểm toán của mình nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường tính độc lập trong hoạt động kiểm toán.
(4) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là việc quán triệt thực hiện và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của từng kiểm toán viên.
(5) Chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; thực hiện tốt vai trò của KTNN trong chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
(6) Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của từng cấp quản lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng đột xuất đối với các đoàn kiểm toán; thực hiện việc sử dụng Nhật ký online để kiểm soát công việc hàng ngày; tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, các phương pháp kiểm toán đột phá nhằm đạt hiệu quả trong hoạt động kiểm toán.
(7) Phát động phong trào thi đua nhằm tôn vinh các cuộc kiểm toán chất lượng vàng trong toàn ngành; phát hiện, động viên, ghi nhận và biểu dương kịp thời các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và kiểm toán viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để các đơn vị trực thuộc KTNN nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần gương mẫu, phát huy sáng tạo và thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
(8) Làm tốt nhiệm vụ là Chủ tịch Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI), tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực của KTNN Việt Nam. Học tập kinh nghiệm quốc tế chuyển giao công nghệ và nâng cao vị thế hình ảnh của Việt Nam.
KTNN Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, nhà nước giao.
* Tổng Kiểm toán nhà nước có điều gì muốn nhắn gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN trong dịp đầu xuân năm mới Kỷ Hợi?
Tôi mong rằng, Ngành KTNN luôn đoàn kết, bản lĩnh, hành động, trí tuệ và đổi mới để cùng nhau phát triển. Sau kỳ nghỉ tết, các đơn vị của KTNN khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc, bảo đảm tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm 2019 của toàn Ngành và từng đơn vị.
Xin trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán nhà nước!