“Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước”
(sav.gov.vn) - Ngày 19/3/2019, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước”. Tham dự Hội thảo có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng; Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu thuộc Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo của hơn 40 trường đại học, học viện trên cả nước; các chuyên gia, nhà khoa học; các đơn vị trực thuộc KTNN cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng và Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, hiện nay, tự chủ đại học là xu hướng mang tính toàn cầu của các quốc gia trong quản trị đại học. Tại Việt Nam, cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập (gồm tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tự chủ về tài chính) qua một thời gian thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo được nâng lên, áp lực chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục đào tạo được giảm nhẹ. Một số trường đại học đã chủ động huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để gia tăng được nguồn thu sự nghiệp và có chênh lệch thu, chi để tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập đã bộc lộ không ít những tồn tại, vướng mắc, cụ thể như: hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để trường đại học công lập thực hiện chưa được ban hành kịp thời; việc quản lý tài chính chưa thật hiệu quả, vẫn còn tình trạng trông chờ ỷ lại ngân sách nhà nước; chưa khuyến khích tăng mức độ tự đảm bảo nguồn kinh phí; hiệu quả sử dụng tài sản công chưa cao; nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục chưa được chú trọng,...
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, tất cả những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ việc thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng, tường minh đối với các trường đại học công lập.
Triển khai chức năng theo Luật định, KTNN đã tiến hành một số cuộc kiểm toán trong lĩnh vực giáo dục đào tạo như: kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm; kiểm toán chuyên đề công tác quản lý và sử dụng NSNN thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng... Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị về quản lý, tuân thủ các quy định của pháp luật, KTNN đã có nhiều kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Tuy nhiên, công tác kiểm toán trong lĩnh vực giáo dục đào tạo hiện mới chú trọng kiểm tra đánh giá việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc tuân thủ các quy định của nhà nước trong chi NSNN mà chưa đánh giá toàn diện về tính hiệu lực, hiệu quả đối với cơ chế tự chủ trong các trường đại học công lập từ đó có đánh giá, kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của nhà nước.
Phó Tổng Kiểm toán nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát lãng phí trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nhất là đối với giáo dục đại học. Trên cơ sở đó giúp Chính phủ, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả thực hiện; Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp giám sát tốt việc quản lý đối với giáo dục đại học.
Với tinh thần khoa học, thẳng thắn và cởi mở, Hội thảo đã được nghe 05 bài tham luận về thực trạng và giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập qua phần trình bày của TS. Lê Đình Thăng – Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III; TS. Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, TS Trần Tú Khánh – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo; PGS.TS. Phạm Xuân Hoan – Trưởng Ban kế hoạch – Tài chính, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Vũ Hải Nam - Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo đã trực tiếp thảo luận, trao đổi, đóng góp các ý kiến về những vấn đề liên quan đến chủ đề của Hội thảo.
Hầu hết các ý kiến phát biểu đều đồng tình cho rằng cơ chế tự chủ trong các trường Đại học công lập qua một thời gian thực hiện đã mang lại nhiều kết quả tích cực như giúp trường đại học chủ động hơn trong khai thác nguồn thu, quản lý chi tiêu; đồng thời phát huy tính năng động tạo điều kiện để các trường huy động các nguồn ngoài ngân sách để đầu tư mua sắm trang thiết bị, phát triển các hoạt động sự nghiệp nhờ đó các đối tượng học sinh, sinh viên được học trong môi trường hiện đại hơn, chất lượng hơn đồng thời tăng nguồn thu cho các trường. Cơ chế tự chủ cho phép các trường chủ động mở ngành, các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội; cho phép các trường rà soát định biên, sắp xếp loại bỏ các vị trí việc làm không cần thiết, tinh gọn bộ máy, từ đó hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực được nâng lên, tạo nề nếp tích cực trong nhà trường. Cơ chế tự chủ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các trường phát huy tính năng động, tích cực trong tìm kiếm và phát triển các công trình khoa học theo đơn đăt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp... để gia tăng nguồn thu. Số lượng các trường đại học tự đảm bảo chi thường xuyên ngày càng tăng, số lượng các trường đại học do ngân sách đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên đã giảm, số người được hưởng lương từ ngân sách cũng giảm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập hiện nay.
Theo TS. Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: cơ chế, chính sách pháp luật về thực hiện tự chủ đại học mặc dầu đã được sửa đổi, song vẫn còn thiếu đồng bộ. Thực tế, hoạt động tự chủ đại học của các trường Đại học đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của các Luật Giáo dục, Luật GDĐH, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Ngân sách và các luật về Thuế, tài chính; các Nghị định của Chính phủ và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường theo hướng tự chủ.
Thậm chí, việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH vẫn chưa có căn cứ, nguyên tắc thống nhất và đồng bộ; không có sự nhất quán trong hệ thống pháp luật về tự chủ đại học; năng lực thực hiện tự chủ của các cơ sở GDĐH không đồng đều, chưa gắn tự chủ với đổi mới quản trị và trách nhiệm giải trình của nhà trường.
Từ góc độ cá nhân, TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho rằng việc giao quyền thí điểm thực hiện tự chủ cho các trường chỉ mới thực hiện ở quy mô thí điểm, chưa có cơ chế khuyến khích các trường thực hiện tự chủ, hầu hết các trường vẫn còn tư tưởng chưa sẵn sàng tự chủ, đặc biệt một số trường đại học công lập vẫn còn trông chờ nguồn NSNN hỗ trợ tiền lương, đầu tư cơ sở vật chất. Điều kiện tự chủ chỉ mới tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính, chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các trường, chưa có văn bản hướng dẫn phân nhóm các trường đại học công lập theo các tiêu chí phù hợp với năng lực tài chính, năng lực đào tạo... để có lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ và có cơ chế khuyến khích phù hợp mà quy định chung chung lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp.
Một số đại biểu đánh giá việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường còn chậm, mức độ tự chủ chư cao, chưa có chuyển biến mang tính đột phá, chưa thực sự đồng bộ về tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ tổ chức bộ biên chế và tài chính. Việc sử dụng và phát huy nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế, do đó nguồn thu chủ yếu của các trường còn đơn điệu chủ yếu thu từ học phí, dựa vào quy mô tuyển sinh, giá dịch vụ thấp hơn nhiều so với giá thị trường, các nguồn thu đầu vào không bền vững tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt tài chính.
Cùng với đó, các trường thực hiện cơ chế tự chủ nhưng việc chi tiêu các trường vẫn đảm bảo tuân thủ theo các định mức và các quy định hiện hành trong đó có nhiều quy định về mức không phù hợp với thực tiễn nên gặp khó khăn trong chi tiêu và thành quyết toán. Công tác theo dõi giám sát kiểm tra để phục vụ công tác quản lý tài chính của trường hiện chủ yếu tập trung vào công tác tài chính. Tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình chưa được quan tâm nhiều....
Từ thực tế, các đại biểu đã tập trung kiến nghị một số giải pháp trong việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập:
Một là, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thúc đẩy và tạo điệu kiện thuận lợi cho các trường thực hiện cơ chế tự chủ một cách đồng bộ, nhất quán không bị chồng chéo, vướng mắc.
Hai là, Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành tham mưu sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng thông thoáng hơn, giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường trong công tác đầu tư mua sắm; thực hiện thuê liên doanh liên kết đơn vị; sớm ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định 16.
Ba là tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ đầy đủ về mặt tài chính, tổ chức biên chế cho các trường; điều chỉnh giá các dịch vụ đào tạo theo cơ chế thị trường; chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng; khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia phát triển cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo.
Bốn là, tiếp tục sắp xếp lại hệ thống các trường đại học công lập theo hướng xác nhập, hợp nhất, giải thể các cơ sở giáo dục đào tạo hoạt động không hiệu quả; không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học; tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giảng viên, giáo viên, quản lý giáo dục. Nhà nước cần đầu tư chiều sâu cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đối với trường đại học công lập và lĩnh vực mang tầm cớ khu vực và quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa liên doanh liên kết đầu tư theo hình hức đối tác PPP.
Năm là, các Bộ, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn các tiêu chí đánh giá mức độ, chất lượng hoàn thành dịch vụ để các đơn vị được giao tự chủ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm định, rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các tiêu chuẩn, định mức lĩnh vực giao tự chủ.
Sáu là, các trường cần tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng; xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động trong đó chú trọng giải pháp chi trả thu nhập theo hiệu quả; khuyến khích, hấp dẫn, thu hút người có năng lực và trình độ.
Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo tính công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình của các trường đại học nhằm đảm bảo các trường đại học hoạt động theo đúng pháp luật. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm định chất lượng cả góc độ kiểm định trong của trưởng và kiểm định ngoài của Bộ Giáo dục đào tạo, kết hợp với hoạt động kiểm toán của KTNN.
Về góc độ hoạt động kiểm toán nhà nước, KTNN cần sớm ban hành đề cương kiểm toán cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập để làm cơ sở cho các đơn vị trực thuộc tiến hành khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán. Quá trình kiểm toán cần xem xét, đánh giá khách quan để đưa ra kết luận kiến nghị phù hợp với thực tiễn cũng như tuân thủ các quy định pháp luật.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên đánh giá cao các tham luận, các ý kiến thảo luận tại Hội thảo và khẳng định ý kiến của các đại biểu sẽ được KTNN nghiên cứu tiếp thu tối đa để vận dụng sáng tạo trong công tác kiêm toán của KTNN. Kết quả Hội thảo là cơ sở giúp cho các cơ quan nhà nước có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập, đồng thời giúp KTNN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và nhân dân trong việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả việc quản lý, sử dụng nguồn lực công phục vụ sự nghiệp giáo dục đại học.