Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh và Quyền giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả đến từ Học Viện Chính trị, Học viện Tài chính, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản...và một số chuyên gia kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xẩy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN được thực hiện định kỳ, được dư luận quan tâm và đánh giá cao. KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành và địa phương không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật. KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho rằng, quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị "tha hóa", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh của quyền lực". Kiểm soát được quyền lực là vấn đề rất khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không thể đạt hiệu quả.
Để góp phần cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán mà trong đó tập trung vào vấn đề kiểm soát quyền lực, trên cơ sở đó giúp Đảng, Chính phủ, các địa phương kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, KTNN tổ chức Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực công, góp phần phòng, chống tham nhũng.
Toàn cảnh Hội thảo
Trao đổi tại Hội thảo, TS. Đỗ Đức Quân, Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Khu vực I đã làm rõ một số vấn đề lý luận về quyền lực và kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, trong đó nhấn mạnh đến quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực và kiểm soát quyền lực và mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng.
Góp ý kiến về việc kiểm soát quyền lực, TS. Hoàng Phú Thọ - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV cho rằng, việc kiểm soát quyền lực cần được thực hiện bởi nhiều chủ thể, thông qua hình thức, phương tiện với những nội dung và quy trình kiểm soát khác nhau ở các thời điểm khác nhau. Việc kiểm soát quyền lực có thể được tiến hành từ bên ngoài, cũng như từ bên trong chủ thể quyền lực; có thể kiểm soát công khai, kiểm soát ngầm; kiểm soát giai đoạn, kiểm soát liên tục. Để thực hiện tốt kiểm soát quyền lực thì cần nhận diện đúng và kiểm soát được các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng quyền lực.
PGS.TS Nguyễn Vũ Hoàng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí cộng sản cho rằng, hiện nay hệ thống các Luật, Pháp lệnh về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực và chủ thể khác nhau. Điều này cho thấy tính đa dạng, phức tạp của hệ thống các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Từ các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan Nhà nước, đến các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước, các quy định về bảo đảm thực thi như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…, các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục…, các quy định mang tính ngăn cấm… Tuy nhiên, sự thống nhất và tương thích giữa các văn bản này đang là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu thấu đáo.
Tập trung làm rõ vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, KTNN có vai trò đặc biệt quan trọng trong kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực trong lĩnh vực kinh tế - tài chính xuất phát từ bản chất quyền lực và thực thi quyền lực ở Việt Nam; KTNN là công cụ quan trọng để phòng, chống tham nhũng - tội phạm dựa trên quyền lực không được kiểm soát và nhắm đến tài sản công. Tuy nhiên, trong thực tế vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nói chung, phòng, chống tham nhũng nói riêng chưa được qui định cụ thể, đầy đủ và phù hợp cũng như chưa được thể hiện rõ ràng, hiệu quả và hiệu lực trong thực thi vai trò này. Chính vì vậy, việc nhận thức đúng vai trò cũng như thể chế để KTNN thực hiện đúng vai trò của mình trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng là rất quan trọng và cấp bách nhằm vừa hoàn thiện hệ thống quyền lực của Việt Nam vừa góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng.
PGS.TS Lê Xuân Trường – Học viện Tài chính cũng cho rằng, KTNN có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực, góp phần phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, kiểm soát quyền lực là lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng bộ. Trong đó, sửa đổi cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện hành lang pháp lý để lấp đầy những khoảng trống, những kẽ hở trong kiểm soát quyền lực và tổ chức thực hiện nghiêm minh là những vấn đề có ý nghĩa quyết định để phát huy vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực, góp phần phòng, chống tham nhũng.
Ngoài các ý kiến tại Hội thảo, các bài tham luận trong kỷ yếu của Hội thảo cũng đã đề cập tới một số nội dung quan trọng: Thực trạng việc kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán, thi hành các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua; Chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng của các cơ quan Kiểm toán tối cao và những gợi mở cho Việt Nam; Làm rõ các vướng mắc, bất cập đối với cơ chế giám sát, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng….
Kết thúc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến thảo luận, trao đổi tại Hội thảo. “Các trao đổi, thảo luận trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, cởi mở đã góp phần làm rõ các vấn đề về lý luận, đề xuất các giải pháp có tính khả thi cao, nhằm giúp cho các cơ quan Nhà nước có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, đồng thời giúp KTNN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và Nhân dân” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước kết luận./.
Hà Linh