Nâng cao vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm soát quyền lực, góp phần phòng, chống tham nhũng

(sav.gov.vn) - Hiến pháp 2013, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018 đã quy định Kiểm toán nhà nước (KTNN) là một trong những công cụ quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nói chung và công tác PCTN nói riêng.  

Kết quả phát hiện, phối hợp xử lý các hành vi có dấu hiệu tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán

Trong những năm qua, KTNN luôn xác định PCTN là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm trong hoạt động của KTNN. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại, các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; quản lý vốn chủ sở hữu, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu DNNN...

Bên cạnh đó, KTNN tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN được thực hiện định kỳ, có định hướng đã tạo được xã hội đánh giá cao. KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và địa phương không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật..

Giai đoạn 2016-2018 KTNN đã thực hiện 778 cuộc kiểm toán theo theo kế hoạch, kết quả xử lý tài chính là 169.191 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 321 văn bản (02 luật, 13 nghị định,31 thông tư, 24 nghị quyết, 77 quyết định,174 văn bản khác) nhằm bịt chỗ hổng về cơ chế, về tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí. Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán.

Việc chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đấu tranh PCTN là một trong những nội dung quan trọng được KTNN quan tâm thực hiện.  KTNN đã ký Quy chế phối hợp và thoả thuận hợp tác với hầu hết các Bộ, cơ quan Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó một số Quy chế có nội dung phối hợp đấu tranh PCTN giữa Ban Cán sự đảng KTNN với Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính, Thanh tra Chính phủ, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo kịp thời về công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán gửi Quốc hội, Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương...; cử công chức tham gia Đoàn kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Trung ương về công tác PCTN, Tổ công tác liên ngành chuẩn bị cho việc đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về PCTN đối với Việt Nam.

Từ năm 2016 - 2018, KTNN đã cung cấp 47 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; qua kết quả kiểm toán, KTNN đã chuyển 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

KTNN đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTN của KTNN, Thanh tra KTNN và Phòng PCTN nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo cũng như năng lực tổng hợp, đánh giá về công tác PCTN trong hoạt động kiểm toán và thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN; tăng cường kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Kiểm toán viên và công chức KTNN.
 
Kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán thời gian qua vẫn chưa đạt kỳ vọng: Một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời; Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế; Cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lắp, chồng chéo…

Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cho rằng một trong những nguyên nhân khiến công tác PCTN thông qua hoạt động của KTNN vẫn khá khiêm tốn là do vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nói chung, và PCTN nói riêng chưa được qui định cụ thể, đầy đủ và phù hợp cũng như chưa được thể hiện rõ ràng, hiệu quả và hiệu lực trong thực thi vai trò đó.

Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X Đặng Thế Bình, một cản trở lớn đối với công tác PCTN của KTNN xuất phát từ chế độ chính sách: Luật Phòng, chống tham nhũng mới được Quốc hội thông qua tháng 11/2018 đã giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho KTNN trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tuy nhiên Luật Kiểm toán nhà nước 2015 chưa được sửa đổi để phù hợp với những nhiệm vụ này.

Cụ thể hóa nội dung này, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Trần Khánh Hòa cho rằng, Luật KTNN 2015 chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Vì vậy KTNN không có căn cứ để tiến hành kiểm toán đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Hiệu lực kiểm toán chưa cao, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN cũng cho rằng, công tác phối hợp giữa KTNN với các cơ quan Nhà nước, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán trong thời gian qua vẫn chưa được thực hiện thường xuyên.

Theo ý kiến của Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI Nguyễn Văn Giáp, hiện tại một số luật liên quan như: Luật Đất đai, Luật Giám định tư pháp, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật…chưa có quy định chức năng giám định tài chính công đối với KTNN; chưa có cơ chế, quy định cụ thể về kiểm toán trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị;  chưa có chế tài cụ thể quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán..cũng là những nguyên nhân làm hạn chế vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực, góp phần PCTN.

Ngoài những nguyên nhân trên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, quy trình, chuẩn mực và phương pháp của KTNN hiện chỉ dựa trên hồ sơ là chủ yếu, mặt khác do Kiểm toán viên KTNN chưa được đào tạo đầy đủ về pháp luật để nhận biết các dấu hiệu tham nhũng, nên hạn chế trong việc phát hiện và đấu tranh với các hành vi tham nhũng khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
 
Nâng cao vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng.

PGS.TS Lê Xuân Trường – Học viện Tài chính cho rằng, KTNN có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực, góp phần phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, kiểm soát quyền lực là lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng bộ. Trong đó, sửa đổi cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện hành lang pháp lý để lấp đầy những khoảng trống, những kẽ hở trong kiểm soát quyền lực và tổ chức thực hiện nghiêm minh là những vấn đề có ý nghĩa quyết định để phát huy vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực, góp phần phòng, chống tham nhũng.

Đồng quan điểm này, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Hoàng Phú Thọ cho rằng, điều quan trọng trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực để PCTN là cần phải nâng cao, tăng cường quyền và hoạt động cho các cơ quan thuộc hệ thống kiểm soát quyền lực Nhà nước như KTNN.

Vụ trưởng Vụ Tổng Hợp KTNN Trần Khánh Hòa nhấn mạnh, trong thời gian trước mắt, KTNN và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung sửa đổi Luật KTNN 2015, trong đó quy định cụ thể, đầy đủ đơn vị được kiểm toán cũng như tăng cường các quy định về trách nhiệm của KTNN trong công tác PCTN cho phù hợp với Dự thảo Luật PCTN sửa đổi (đặc biệt là nhiệm vụ kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng); xây dựng căn cứ pháp lý làm cơ sở cho việc ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN và hoàn thiện đồng bộ các văn bản dưới Luật khác đảm bảo thuận lợi cho công tác PCTN của KTNN.

Cũng theo ông Trần Khánh Hoà, KTNN cũng cần chủ động hơn nữa trong công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán, tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; đặc biệt vai trò của Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xem xét, xử lý trách nhiệm đối với sai phạm pháp luật phát hiện qua kiểm toán; xử lý nghiêm mọi đối tượng có hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt và gây thiệt hại do tham nhũng.

Theo Chánh Văn phòng KTNN Đỗ Văn Tạo, KTNN cần tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh PCTN, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán. Kịp thời chuyển, cung cấp hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra, Ủy ban kiểm tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Đặc biệt, cần tăng cường thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra, PCTN, kiểm soát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước; giải quyết kịp thời, đúng quy định các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; nâng cao nhận thức về tính tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị; giữ gìn đạo đức, tính liêm chính và hình ảnh của Kiểm toán viên nhà nước. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực yếu kém, vi phạm kỷ luật, nội quy cơ quan, lợi dụng, tham nhũng./.

Hà Linh