Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung của một số điều của Luật KTNN năm 2015
(sav.gov.vn) - Sáng 26/4/2019, tại Đà Nẵng, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Tổng Cục thuế, đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh khu vực miền Trung và Tây nguyên, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, thực tiễn hiện nay cho thấy ý kiến của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã trở thành cơ sở quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định: Dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương, chủ trương đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án đầu tư quốc gia và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau 03 năm thực hiện cùng với tiến trình vận động, phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu đổi mới của hệ thống pháp luật, một số quy định của Luật bộc lộ một số tồn tại hạn chế, chưa thực sự phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật.
Theo ông Bùi Đặng Dũng, tại Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và có kết luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các nội dung thực sự cần thiết, tập trung vào các nội dung liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ giữa KTNN và các cơ quan liên quan; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân đối với hoạt động của KTNN để tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị không mở rộng đối tượng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán. Việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN cần cân nhắc một số nội dung liên quan đến: Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN; Việc KTNN ra quyết định truy thu các khoản nộp ngân sách Nhà nước, bảo đảm thống nhất với dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến và chuẩn bị thông qua; Các quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Tại Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đã trình bày sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, mục tiêu, quan điểm sửa đổi và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của KTNN năm 2015.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN đã có tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung sẽ tập trung vào 12 nhóm vấn đề: Làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN, quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; Quy định quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng; Quy định về thẩm quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành thông tư liên tịch; Quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán; Quy định việc truy tập dữ liệu điện tử để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng nghiên cứu, bổ sung: Quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Căn cứ ban hành quyết định kiểm toán khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng; Quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN; Quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; Quy định về trường hợp đã tiến hành kiểm toán trước đó nếu xác định cố ý bao che, bỏ qua sai phạm.
Thảo luận tại hội thảo, đa số ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, đồng thời cho rằng, vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật là xác định được đúng vị thế của KTNN, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm tra tài chính, tính tuân thủ của các cơ quan nhà nước. Việc sửa đổi, bổ sung Luật cần bảo đảm bao quát, toàn diện từ việc giải thích từ ngữ, quy định nguyên tắc hoạt động, các hành vi bị nghiêm cấm, nhiệm vụ của KTNN.
Kỳ vọng việc kiểm toán tài chính công, tài sản công sẽ được thực hiện trước khi tiến hành quyết toán, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường minh bạch, công khai, các đại biểu cho rằng, cần quy định cơ chế hỗ trợ hoạt động cho KTNN, thời gian báo cáo của KTNN, việc công khai báo cáo kiểm toán và việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động kiểm toán.
Trao đổi về sự chồng chéo trong hoạt động kiểm toán, thanh tra, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) đánh giá, những quy định pháp luật hiện hành về xử lý chồng chéo, trùng lắp hiện nay đã có ý nghĩa tích cực trong việc góp phần giúp cho cơ quan Thanh tra, KTNN phòng ngừa và giảm thiểu sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động trong thời gian qua, đặc biệt từ năm 2015 đến nay.
Tuy nhiên, vấn đề chồng chéo, trùng lặp giữa hai hoạt động vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Các quy định hiện hành về xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán hiện nay còn chưa đầy đủ và còn nhiều điểm hạn chế, bất cập, về: Thời điểm gửi dự thảo kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra của năm tiếp theo để trao đổi; Việc kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra của Đoàn kiểm toán, thanh tra trước; Việc xử lý khi xảy ra tình huống chồng chéo, trùng lắp trong kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán...
Tại Hội thảo, đại diện Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật Thanh tra và Luật KTNN, trong đó phân định rõ ràng, rành mạch chức năng, nhiệm vụ của ngành thanh tra và KTNN theo hướng tinh gọn chức năng, nhiệm vụ của KTNN, tập trung vào kiểm toán báo cáo tài chính để phục vụ việc phê duyệt dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng khác của Quốc hội, HĐND các cấp; thu gọn chức năng kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động nhằm giải quyết căn bản, triệt để mâu thuẫn, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và KTNN.
Nói về vai trò trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, với vị trí, vai trò đặc biệt của mình, KTNN phải thực hiện trách nhiệm PCTN dưới 2 góc độ: Trách nhiệm thực hiện PCTN ngay trong hệ thống KTNN và trách nhiệm tham gia thực hiện phòng ngừa, phát hiện, xử lý TN trong bộ máy cơ quan Nhà nước.
Theo ông Mạnh Cường, khi xây dựng Luật PCTN (sửa đổi), đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra và các cơ quan hữu quan, trong đó có KTNN trong việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật PCTN với hệ thống pháp luật. Vì vậy, về cơ bản, giữa Luật PCTN và Luật KTNN không có sự chồng chéo, mâu thuẫn. Tuy nhiên, cũng có một số nội dung được quy định mới hoặc được sửa đổi, bổ sung trong Luật PCTN nhưng chưa được đề cập trong Luật KTNN. Do đó những nội dung này cần được bổ sung trong Luật KTNN để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phát biểu bế mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng đánh giá cao những ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội thảo và cho rằng, những nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ là những thông tin tham khảo hữu ích để Ủy ban Tài chính - Ngân sách hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2019./.