(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều 23/5/2019, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.
Thảo luận tại các tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, trong quá trình thảo luận, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể như sau: Về phạm vi sửa đổi, bổ sung; quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; một số quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của kiểm toán nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng; nhiệm vụ giám định tư pháp; thẩm quyền của Kiểm toán nhà nước trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh kiểm toán nhà nước; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước; quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng; quy định một số nội dung để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán…
Kiểm toán nhà nước đang vướng phải nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ nên việc sửa đổi Luật là cần thiết
Các ĐBQH Dương Quốc Anh (Gia Lai), ĐBQH Phạm Thành Tâm (Hậu Giang), ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cơ bản thống nhất các nội dung trong Tờ trình của Kiểm toán nhà nước (KTNN) và nêu rõ, những năm qua, nhờ thông tin, tài liệu từ KTNN, mà chúng ta đã thu lại được nguồn tài chính rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, KTNN đang vướng phải nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ nên việc sửa đổi Luật là cần thiết.
Tuy nhiên, một số ĐBQH bày tỏ sự băn khoăn với quy định tại Điều 68 về thực hiện kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, và cho rằng, quy định này còn chưa rõ ràng.
ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết, quan điểm của cơ quan thẩm tra là không mở rộng đối tượng kiểm toán, tiếp tục giữ nguyên như quy định tại Điều 4 của Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành là: “Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Lý giải vấn đề này, ĐBQH Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) cho biết, về nguyên tắc, ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó phải được kiểm tra, không phân biệt đối tượng và hình thức quản lý, sử dụng; bao gồm toàn bộ các hoạt động từ quá trình hình thành nguồn đến các hoạt động quản lý, sử dụng để đánh giá về công tác quản lý, sử dụng đúng quy định pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả và chống thất thoát lãng phí các nguồn lực nhà nước. Do vậy, các hoạt động quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đều phải được kiểm tra.
ĐBQH Đặng Thế Vinh dẫn chứng, khi đi kiểm toán ở Sở Tài nguyên và Môi trường về khai thác, sử dụng, quản lý tài nguyên, đất đai thì phải KTNN phải theo dõi được cơ quan, tổ chức, cá nhân có khai thác tài nguyên, đất đai đúng với giấy phép hay không, có khai thác ngoài phạm vi và đúng sản lượng? Hay khi kiểm toán thu ngân sách nhà nước là kiểm tra nhiệm vụ thu của cơ quan thuế, đồng thời, phải xem xét đến nghĩa vụ của người nộp thuế mới có thể đánh giá được toàn diện, đúng đắn về hoạt động quản lý của cơ quan thu. Vì vậy, nên chăng vẫn cho phép kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm toán?
Liên quan đến vấn đề Luật Kiểm toán nhà nước là cơ sở kiểm toán về tính hợp pháp, chỉ ra những cái không hợp pháp liên quan tới tiền, tải sản, không phải cơ quan quản lý của Nhà nước, do đó những nội dung liên quan tới quản lý Nhà nước phải xem xét lại …, đại biểu Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng: Hoạt động Kiểm toán có hiệu quả hay không thì cần phải có đủ cơ sở pháp lý được quy định cụ thể trong luật, cho dù Kiểm toán nhà nước không phải cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều quy định còn vướng mắc chưa rõ, như quy định xử phạt hành chính, thẩm quyền ban hành văn bản… nếu không cho họ những quyền như vậy thì không thể thực hiện tốt. Nếu thấy cần thiết thì phải bổ sung, sửa các luật khác có liên quan đến kiểm toán.
Nên cho Kiểm toán nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc mà quản lý Nhà nước cho phép
Đại biểu Đinh Văn Nhã đưa ý kiến về việc có cho Kiểm toán nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp hay không? vì trên thực tế kiểm toán phải thực hiện nhiều vụ việc liên quan đến tham ô, tham nhũng… nhưng luật pháp không cho phép kiểm toán tham gia, lần này luật mở ra cho phép, theo đại biểu Đinh Văn Nhã, nên cho Kiểm toán nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc mà quản lý Nhà nước cho phép, vì đây là nhiệm vụ tốt để kiểm toán tham gia phục vụ cho việc giám định tư pháp.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc làm rõ thêm một số nội dung được các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: PV/TTXVN
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đề nghị cần bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Kiểm toán nhà nước vào trong luật, vì hoạt động giám định tài chính rất khó và lâu, vì trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đều phải tiến hành giám định. Tuy nhiên, cơ quan giám định làm rất chậm. Trong khi đó, Kiểm toán nhà nước có thể có đủ năng lực, điều kiện, trình độ để thực hiện các kết luận giám định. Do đó, bổ sung nội dung này sẽ tháo gỡ khó khăn cho cơ quan tố tụng, trong đó có cơ quan điều tra.
Góp ý về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) dẫn chứng quy định thực hiện giám định tư pháp về tài chính công, tải sản công trong các vụ án tham nhũng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp mà không sửa đổi bổ sung luật giám định tư pháp năm 2012 là không hợp lý, không đảm bảo tính thống nhất và gây khó khăn cho quá trình thực thi. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh sửa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán nhà nước đã giải trình thêm một số ý kiến của các đại biểu, nhấn mạnh việc bổ sung vấn đề phòng, chống tham nhũng dẫn chiếu vào Luật Kiểm toán nhà nước là nhằm tích hợp nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng vào Luật này, từ đó Tổng Kiểm toán nhà nước hướng dẫn thi hành những nội dung này, áp dụng vào thực tiễn một cách chặt chẽ nhất.
Đại biểu Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan Kiểm toán nhà nước nhận được rất nhiều đề nghị của Bộ Công an, lãnh đạo Chính phủ về vấn đề giám định tư pháp. “Luật Giám định tư pháp hiện nay chưa có Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi xét về năng lực của cơ quan Kiểm toán nhà nước thì thấy rằng việc này đề ra chúng tôi có thể đảm nhiệm được, bởi vì chúng tôi có lực lượng rất mạnh về tài chính, kế toán, quản lý đầu tư,... chúng tôi gần như là một cơ quan tổng hợp”.
Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định: “Nếu Quốc hội cho phép thì chúng tôi cử cán bộ đi học về giám định tư pháp và được cấp giấy chứng nhận thì khi đấy mới ban hành. Nếu Quốc hội giao thì chúng tôi sẵn sàng nhận”.
Cần bổ sung thẩm quyền cho Kiểm toán nhà nước
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng, việc sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước là cần thiết, vì trong thời gian qua KTNN đã góp phần thu lại ngân sách rất lớn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan này, đã xuất hiện những bất cập khó khăn do quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, nên việc đề xuất sửa đổi pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa của hoạt động kiểm toán trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị kiểm toán cần bổ sung quyền khiếu nại các quyết định kiến nghị kiểm toán cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, để đảm bảo tính dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan Kiểm toán nhà nước, vì khi phát hiện ra, kiểm toán kiến nghị và xác định sai phạm đã được thừa nhận, và có những cá nhân tổ chức không hợp tác thì vấn đề xử lý vi phạm hành chính của kiểm toán là tất yếu.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đồng thời cho rằng trong các thẩm quyền cần bổ sung thẩm quyền truy cập dữ liệu điện tử phần mềm trợ giúp là cần thiết.
Đại biểu Vũ Hồng Thanh và Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH Quảng Ninh) đều nhất trí với quy định “Kiểm toán viên Nhà nước có quyền truy cập vào dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và dữ liệu điện tử quốc gia” để đảm bảo Kiểm toán nhà nước có thể thu thập các thông tin cần thiết phục vụ công tác kiểm toán trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện xây dựng Chính quyền Điện tử, Chính quyền số. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị cần bổ sung các quy định về giới hạn quyền truy cập đồng thời bảo đảm được an toàn dữ liệu và bảo mật thông tin của các đơn vị được kiểm toán theo quy định và đảm bảo bí mật quốc gia.
Về quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị cần xem xét quy định phù hợp vì báo cáo kiểm toán, kết luận kiểm toán không được quy định là quyết định hành chính, nhưng Luật Khiếu nại tố cáo hiện nay chỉ quy định về khiếu nại đối với các quyết định hành chính. Về đơn vị được kiểm toán, đại biểu cũng bày tỏ đồng thuận quy định khi tiến hành hoạt động kiểm toán, cơ quan Kiểm toán nhà nước có quyền kiểm tra, đối chiếu các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan nhằm đánh giá, kết luận chính xác kết quả kiểm toán. Mặt khác, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định các cơ quan tư pháp có quyền kiến nghị cơ quan Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm, nhằm làm rõ, bổ sung hồ sơ, chứng cứ điều tra, xét xử.
Liên quan đến quy định xử lý vi phạm pháp luật về Kiểm toán nhà nước, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng quy định xử lý vi phạm là rất cần thiết vì hiện nay không có chế tài xử lý nên nhiều đơn vị chậm hoặc không chấp hành thực hiện kết luận kiểm toán. Tuy vậy, vấn đề về thẩm quyền xử phạt, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu xem xét thêm quy định của các nước, các luật chuyên ngành và quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính để quyết định giao thẩm quyền xử phạt cho Kiểm toán nhà nước hay cơ quan hành chính Nhà nước.
Đại biểu Vũ Hồng Thanh kiến nghị: Để tránh chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động kiểm toán với thanh tra, kiểm tra cần quy định theo hướng hàng năm Kiểm toán nhà nước xây dựng sớm kế hoạch kiểm toán năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ để các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm tránh trùng lặp nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập của hoạt động kiểm toán. Đại biểu cũng đề nghị cần quy định trong trường hợp cần thiết, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm thì có thể kiểm toán, thanh tra đột xuất và thực hiện lặp lại nhiều lần tại một đơn vị./.
Thúy Hoa