Thưa ông, dự thảo Luật lần này đã quy định rõ hơn những đối tượng liên quan đến hoạt động kiểm toán. Cụ thể những đối tượng này là gì?
Điều 118 của Hiến pháp 2013 quy định Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, tuân theo pháp luật, thực hiện việc kiểm toán, quản lý tài chính công, tài sản công. Điều đó có nghĩa là, ở đâu có tài chính công, tài sản công, ở đó phải có hoạt động kiểm toán.
Những đối tượng liên quan đến kiểm toán được quy định ở Điều 68 của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, tuy nhiên chưa nói rõ các đơn vị liên quan là những đơn vị nào. Lần này sửa luật, chúng tôi yêu cầu làm cụ thể hơn, rõ hơn các đơn vị liên quan này. Chẳng hạn các doanh nghiệp (DN), cơ quan liên quan đến khai thác tài nguyên khoáng sản, sử dụng đất đai, có nghĩa vụ nộp ngân sách…
Các đơn vị liên quan này có trách nhiệm giải trình và thực hiện đúng quy định Nhà nước. Khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các cơ quan quản lý thì sẽ kiểm tra một số hồ sơ nộp thuế của cơ quan thuế, nghĩa là Kiểm toán Nhà nước sẽ đối chiếu một số DN liên quan đến cơ quan thuế để xác định cơ quan thuế thu có đúng pháp luật không, có làm thất thu ngân sách Nhà nước không, có tính toán sai thuế suất không, từ đó kiến nghị truy thu các khoản thuế còn phải nộp và trách nhiệm của cơ quan thuế.
Luật cũng cho phép các cơ quan có quyền khiếu nại, khởi kiện Kiểm toán Nhà nước nếu cho rằng kết luận của Kiểm toán Nhà nước không đúng, xâm phạm lợi ích của mình.
Quy định khiếu nại này được thể hiện trong Luật mới như thế nào, thưa ông?
Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 chỉ quy định quyền khiếu nại của các đơn vị được kiểm toán, chưa quy định quyền khiếu nại của các đơn vị liên quan. Trong Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi lần này, chúng tôi đề nghị bổ sung quyền khiếu nại của các đơn vị liên quan vào Luật để minh bạch, đồng thời, bảo vệ quyền lợi của các đối tượng liên quan đến hoạt động kiểm toán khi kết quả kiểm toán có xâm phạm đến lợi ích của họ.
Cơ quan thuế hay cơ quan tài nguyên môi trường cũng có thể khiếu nại kết luận của Kiểm toán Nhà nước hoặc khởi kiện nếu cho rằng kết luận đó xâm phạm lợi ích của họ.
Một quy định mới của luật sửa đổi lần này là kiểm toán viên có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu của cơ quan, DN. Điểm mới này nhằm hướng đến mục tiêu gì?
Hiện nay, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình kế toán, kiểm toán có sự thay đổi về phương thức, chẳng hạn thanh toán, chứng từ, lưu trữ chứng từ, hạch toán được số hóa. Điều này đòi hỏi phải truy cập vào hệ thống hồ sơ tài liệu mới kiểm tra được để kiểm toán.
Thực tế điều này chỉ thay đổi về phương thức, trước thì đơn vị bị kiểm toán phải cung cấp bản giấy, thì nay phải cung cấp bản điện tử. Những vấn đề liên quan tài liệu mật và tài liệu tối mật thì vẫn phải thực hiện theo đúng quy định bảo mật.
Hiện nay, một số đơn vị được kiểm toán băn khoăn về sự chồng chéo của hoạt động kiểm toán. Ông có giải thích gì về điều này?
Việc xây dựng kế hoạch kiểm toán, trong 4 năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đều phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ thông qua quy chế phối hợp, gửi văn bản đến cơ quan kiểm toán chuyên ngành như thanh tra xây dựng, giao thông, môi trường… và gửi Thanh tra Chính phủ về kế hoạch chúng tôi dự kiến để họ góp ý.
Sau khi họp thống nhất thì chúng tôi mới trình Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm định, sau đó trình Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp thu, giải trình xong, lúc ấy mới ban hành kế hoạch. Chúng tôi cho rằng việc đưa quy định vào luật để các bên có trách nhiệm, chủ động hơn trong lập kế hoạch, nhằm giảm sự trùng lắp, giảm bớt khó khăn cho cơ quan, DN khi 1 năm phải tiếp nhiều đoàn kiểm toán về cùng nội dung.
Chúng tôi phối hợp với Thanh tra Chính phủ vì Luật Thanh tra đã quy định Thanh tra Chính phủ xử lý trùng lắp, chủ trì xây dựng kế hoạch thanh tra tỉnh, thanh tra ngành. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ chủ động phối hợp để tránh trùng lắp.
Một điểm rất mới trong dự thảo lần này liên quan đến xử phạt hành chính. Quy định này có tác dụng gì, thưa ông?
Hiện nay, khi kiểm toán các cơ quan quản lý Nhà nước thì không áp dụng biện pháp xử phạt hành chính mà áp dụng Luật Cán bộ, công chức. Khi đơn vị cản trở cung cấp tài liệu thì kiến nghị lên cơ quan cấp trên xử lý. Tuy nhiên, với các DN và đơn vị liên quan, khi Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm tra, đối chiếu mà gây khó khăn, cản trở thì cần chế tài xử phạt.
Chúng tôi chỉ quy định xử phạt với 2 hành vi: Một là, cản trở hoạt động của đoàn kiểm toán; hai là, không cung cấp hồ sơ tài liệu theo yêu cầu của cơ quan kiểm toán. Đây là vấn đề mới nhưng chúng tôi nghiên cứu thấy Tòa án nhân dân là cơ quan tư pháp nhưng cũng được xử lý hành chính đối với các vi phạm tại tòa. Kiểm toán Nhà nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc đều quy định có xử phạt hành chính, thậm chí phạt tù.
Chúng tôi kì vọng việc giao Kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền xử phạt hành chính trong hoạt động kiểm toán sẽ giúp thực thi pháp luật nghiêm túc. Một đoàn kiểm toán chỉ có tối đa 60 ngày, nếu không cung cấp hồ sơ tài liệu thì không thể thực hiện được.
Về quy trình, sau khi Quốc hội cho phép Kiểm toán Nhà nước xử phạt hành chính thì Chính phủ sẽ ban hành Nghị định xử phạt hành chính, căn cứ vào đó thì Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện đúng quy định.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Dương