Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội. Tham gia các Đoàn giám sát có phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ghi hình, biên tập xây dựng phóng sự. Đoàn giám sát sử dụng hình thức báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề.
Còn nhiều bất cập, tồn tại trong thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, ở một số đô thị, công tác quản lý thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới việc triển khai vượt quá các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, gây lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội; quy hoạch đô thị chưa đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội và cảnh quan môi trường, thiếu tính kết nối giữa các đô thị đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và nhu cầu của người dân đô thị; còn có tình trạng xây dựng không tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế; chất lượng một số phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm trong quản lý và phát triển đô thị; việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn hạn chế, chưa thực chất.
Báo cáo nêu ra nhiều bất cập trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai. Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, không thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng phổ biến hình thức chỉ định; cho chuyển mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ sang đất ở đô thị không đảm bảo thủ tục và quy định; cho phép điều chỉnh mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ không đúng thẩm quyền, giao đất không đúng đối tượng, không phù hợp, không có trong kế hoạch sử dụng đất; giao đất khi văn ban chấp thuận đầu tư hết hiệu lực...
Về giá đất, báo cáo nêu, đến nay tất cả các địa phương đã xây dựng, ban hành và công bố công khai bảng giá đất. Tuy nhiên việc xác định giá đất cụ thể còn vướng mắc trong áp dụng, các phương pháp xác định giá đất còn sai sót, hạn chế, không phù hợp với quy định và thực tế. Thời gian triển khai kéo dài, làm chậm thu vào ngân sách Nhà nước, chưa phù hợp với giá thị trường gây thất thoát, dẫn đến khiếu nại của người dân bị thu hồi...
Về thực hiện các dự án BT, báo cáo cho biết tại 53 địa phương, việc thanh toán còn bất cập dẫn đến chênh lệch giá. Hầu hết các dự án BT đều chỉ định thầu, thanh toán quỹ đất không quá đấu giá là không phù hợp gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Các dự án vấp phải sự phản đối của người dân, nhiều dự án triển khai không đồng bộ dẫn đến tình trạng như nhà siêu mỏng. Tình trạng sai quy hoạch (ví dụ dự án 8B Lê Trực ở Hà Nội) dẫn đến vi phạm, nhiều dự án quy hoạch cây xanh nhưng điều chỉnh quy hoạch để tối đa hoá lợi nhuận. Vẫn còn tồn tại các dự án không được triển khai, các dự án đô thị có xu hướng co cụm vào khu vực nội đô, trong khi đó chưa đầu tư đồng bộ giao thông, đô thị. Nhiều dự án được cấp phép ven sông, ven biển, mặt tiền công cộng, nhiều dự án ảnh hưởng đến công trình an ninh quốc phòng, sân bay.... đe doạ đến an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, việc cổ phần hoá doanh nghiệp đang xảy ra sai sót, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi và có được những vị trí đắc địa. Các dự án du lịch tâm linh còn chưa chặt chẽ, đất được cấp rất lớn nhưng còn nhập nhằng. Nhiều dự án được thanh tra, thu hồi tiền thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên còn tồn tại nhiều bất cập cơ chế nên kết quả chưa triệt để, những vi phạm khi cơ quan báo chí, ĐBQH và dư luận lên tiếng thì mới xử lý.
Liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo báo cáo một số dự án triển khai công tác này còn chậm. Ngân sách bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại nhiều địa phương vẫn còn chưa thực hiện đúng quy định, mở rộng phạm vi thu hồi như tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM).
Báo cáo cũng nêu ra nhiều bất cập về tài chính đất như nguồn thu từ đất đai còn chưa bảo đảm bền vững, chủ yếu thu từ các hình thức giao đất thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất đất một lần cho cả thời gian thuê trong khi giá thuê thấp và không kịp thời điều chỉnh.
Việc tạo nguồn lực từ đất đai đô thị cho công tác nâng cấp, cải tạo đô thị chưa thực hiện được, chưa khai thác và phân bố hiệu quả nguồn lực từ đất đai đô thị, ảnh hưởng tiêu cực tới thực hiện công bằng xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo.
Còn các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó có những dự án có tỉ lệ chậm nộp/số phải nộp rất cao, ví dụ như tại các địa phương: TP Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Bắc Giang, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương. Nhiều trường hợp được giao đất không thu tiền sử dụng đất trước đây chưa chuyển sang hình thức thuê đất theo đúng quy định...
Bên cạnh đó, báo cáo của Đoàn giám sát không chỉ nêu ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế mà còn chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, Bộ, ngành và địa phương trong việc ban hành văn bản, tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các Luật liên quan đến công tác quy hoạch đô thị
Kiến nghị sau giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị trên cơ sở kết quả giám sát. Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, định hướng Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; kiến nghị Quốc hội sớm ban hành nghị quyết về hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, quy hoạch sử dụng đất tại đô thị. Xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan đến công tác quy hoạch.
Đoàn giám sát nội dung trên được Quốc hội thành lập tháng 6/2018 với hơn 27 thành viên và các chuyên gia, do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn. Sau nhiều tháng làm việc với phương thức tổ chức các cuộc làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tại Trung ương; tiến hành giám sát tại địa phương, cơ sở. Đoàn giám sát được thành lập với mục tiêu xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc. Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị. Đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện nghiêm, có hiệu quả chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; phục vụ sửa đổi Luật Đất đai 2013 và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. Đoàn giám sát thực hiện các nội dung: Việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Việc ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị theo quy định của Luật Đất đai 2013. Rà soát các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc, những vấn đề cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. Thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan. Xem xét, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Tập trung làm rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân của hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trong thời gian tới. |